Các dự án phát triển đường thủy nội địa tại TPHCM được các chuyên gia của JICA đánh giá là có tính khả thi cao. Ảnh: Anh Quân |
Trong 396 dự án giao thông đang được nghiên cứu ở Việt Nam đến năm 2030, các dự án giao thông đường thủy nội địa được đánh giá là có hiệu quả cao hơn các dự án khác (chiếm 24,8%) trong việc tiết kiệm chi phí cũng như góp phần giảm tắc nghẽn giao thông.
Nội dung trên nằm trong dự án nghiên cứu chiến lược phát triển giao thông vận tải bền vững ở Việt Nam (Vitranss 2) vừa được đưa ra thảo luận ngày 11-5. Hội thảo này do Viện Chiến lược phát triển giao thông vận tải (Bộ Giao thông vận tải) và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp tổ chức tại TPHCM. Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng vận tải bằng đường thủy nội địa giúp giảm chi phí vận tải và tiết kiệm nhiên liệu đối với nhu cầu vận chuyển hàng hóa rời như vật liệu xây dựng, trái cây... Ngoài ra, việc đẩy mạnh phát triển giao thông đường thủy nội địa sẽ giảm tải cho giao thông đường bộ vốn đang bị tắc nghẽn. Việt Nam có hệ thống sông ngòi dày đặc bao gồm 6.500 km đường sông với 126 cảng sông, 4.809 bến bốc xếp hàng, 2.348 bến khách ngang sông. Giao thông thủy nội địa được dự báo là có tiềm năng phát triển nhưng chưa được khai thác. Mới đây một số chuyên gia trong lĩnh vực giao thông đã đề xuất TPHCM cần phát triển vận tải hành khách bằng đường sông để giảm tình trạng ùn tắc giao thông bằng đường bộ. Do đó, các nhà nghiên cứu của dự án Vitranss 2 kiến nghị nhà nước cần tập trung vốn cho đầu tư cải tạo luồng sông nạo vét các công trình để đảm bảo an toàn và giao các hạng mục khác như dịch vụ cho tư nhân hoặc địa phương quản lý. Theo tính toán của các chuyên gia Vitranss 2, giai đoạn từ nay đến năm 2020, cả nước cần 600 triệu đô la Mỹ để nâng cấp và cải tạo hệ thống giao thông đường thủy nội địa. Sau khi tính toán dựa trên đánh giá thực tế, Vitranss 2 đưa ra kết luận các dự án đường thủy nội địa có hiệu quả kinh tế hơn (24,8%) trong khi dự án đường cao tốc là 10,2% còn dự án đường sắt chỉ là 4%. Tuy nhiên, một số ý kiến lo ngại rằng Vitranss 2 vẫn còn yếu kém về tính dự báo về việc phát triển giao thông ở Việt Nam. Chính việc Vitranss 1 dự báo chênh lệch rất nhiều so với nhu cầu phát triển thực tế đã dẫn đến những dự án chưa thật sự phát huy hiệu quả. Trả lời vấn đề này, TS. Iwata Shizuo, Trưởng đoàn nghiên cứu của Vitranss 2 nói rằng, sau 1-2 năm sẽ kiến nghị Bộ Giao thông vận tải có các cuộc khảo sát lại trên nhu cầu thực tế để có những điều chỉnh cho phù hợp với tốc độ phát triển về phương tiện giao thông.Nghiên cứu chiến lược phát triển giao thông vận tải bền vững ở Việt Nam (Vitranss) nhằm cập nhật các đề xuất trong nghiên cứu chiến lược phát triển giao thông vận tải ở Việt Nam. Vitranss 1 được nghiên cứu từ năm 1999 là cơ sở tham khảo cho các dự án giao thông sử dụng vốn ODA của các nhà tài trợ đa phương như Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và các nhà tài trợ song phương khác.
Vitranss 2 được thực hiện dưới sự hỗ trợ kỹ thuật của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cùng với Bộ Giao thông vận tải bắt đầu nghiên cứu từ tháng 11-2007.
(Theo Anh Quân // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com