Thông tin ACB hoàn thành yêu cầu tất toán dư nợ huy động vàng được cho là một nguyên nhân khiến giá vàng giảm mạnh, bên cạnh tuyên bố của NHNN.
Một nguồn tin có thẩm quyền cho PV biết, trong nhóm các ngân hàng được gia hạn tất toán vàng tới 30/6, ACB là đơn vị đầu tiên, cũng là lớn nhất, đóng trạng thái và dứt hoàn toàn nghiệp vụ huy động vàng. Thông tin này lan nhanh sáng 24/1, cùng với việc Ngân hàng Nhà nước công bố dự thảo quyết định tham gia thị trường, khiến giá mua bán đầu ngày giảm tới 800.000 đồng mỗi lượng.
"Các ngân hàng thời gian qua đã rất tích cực mua để đóng trạng thái, đặc biệt kể từ 10/1, khi thị trường vàng miếng bắt đầu vận hành theo cơ chế mới", nguồn tin này nói. Riêng ACB, lượng vàng họ mua vào kể từ sau vụ bầu Kiên bị bắt giữa năm ngoái, đến nay cũng lên đến cả chục tấn.
Các ngân hàng thương mại tham gia mua, bán, đồng thời được huy động và cho vay bằng vàng nhiều năm trước là một tác nhân ảnh hưởng rất lớn tới thị trường. Nhiều đơn vị sau thời gian lãi lớn, năm qua cũng bắt đầu nếm trái đắng vì vàng. ACB thua thiệt nhiều nhất, lỗ hơn 1.700 tỷ đồng khi phải ráo riết thực hiện yêu cầu tất toán trạng thái.
"Nếu Sacombank, Eximbank và một số ngân hàng lớn khác cũng làm được như ACB, thị trường vàng có thể sớm ổn định trở lại, chứ không chờ tới hạn chót tất toán 30/6", nguồn tin nói trên nhận định.Trao đổi về vấn đề này, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM cho biết bên cạnh một số ngân hàng trên địa bàn đã "thoát" nợ vàng, vẫn còn khoảng 10 tổ chức tín dụng chưa tất toán xong.
Ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB cho biết, hiện nay hoạt động huy động vàng tại nhà băng ông đã hoàn toàn chấm dứt, nhưng dư nợ cho vay vàng vẫn còn vì các hợp đồng ký trước đây có thời hạn 5-10 năm. Theo tính toán của ông Toàn, phải mất bình quân ba năm rưỡi đến bốn năm nữa dư nợ này mới chấm dứt.
"Như vậy, nếu buộc phải chấm dứt hoàn toàn dư nợ vàng trước 30/6 tới, các ngân hàng chỉ có cách buộc những khách hàng này chuyển đổi dư nợ từ vàng thành tiền đồng, còn nếu không ngân hàng buộc phải lấy tiền đồng ra mua vàng cho vay tiếp theo hợp đồng”, ông Toàn nói.
Trước những khó khăn trên, Tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu đề nghị Ngân hàng Nhà nước sớm có hướng dẫn để các nhà băng thực hiện vì dư nợ cho vay vàng của ACB hiện nay còn hơn 100.000 lượng.
Ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á cũng thông tin, dư nợ cho vay vàng của nhà băng ông còn khá nhiều. Nếu thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước không có hướng dẫn thì DongA Bank sẽ phải tính đến phương án đàm phán với khách hàng để chuyển số dư nợ này sang tiền đồng.
Tuy nhiên, ông Bình cho rằng phương thức trên sẽ không dễ vì hợp đồng còn vài năm nữa mới đáo hạn, trong khi nếu chuyển sang tiền đồng thì khách hàng sẽ bị thiệt do lãi suất vay tiền đồng cao hơn, chưa kể giá vàng thời điểm này cao hơn rất nhiều so với lúc họ vay vàng của ngân hàng.
"Ngân hàng sẽ có phương án giảm bớt thiệt hại cho khách hàng bằng cách giảm lãi suất cho vay, bán vàng theo giá ưu đãi cho trường hợp khách đồng ý quy đổi dư nợ từ vàng sang tiền đồng”, ông Bình nói.
Ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Eximbank cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cần có phương án giải quyết dư nợ vàng còn tồn sau ngày 30/6, vì các nhà băng đã ký hợp đồng cho vay vàng 10-15 năm, giờ không thể bắt khách hàng mang vàng đến trả ngay. Cũng theo ông, hiện dư nợ cho vay vàng tại Eximbank còn khoảng 1 tấn vàng, tương đương 26.000 lượng.
Ông Phước cho biết thêm, Eximbank trong năm vừa qua cũng thuộc nhóm 5 ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước chỉ định cung ứng hơn mấy chục tấn vàng bán ra thị trường để ổn định giá vàng. Tuy nhiên, khi bán ra ở mức giá 42 triệu đồng nhưng cuối năm phải mua vào với giá 43 triệu đồng để cân đối trạng thái đã bị lỗ hơn 200 tỷ đồng.
Một quan chức Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan này đang nghiên cứu phương án khả thi nhất để giải quyết vấn đề này. Riêng đối với những người vay vàng, có thể cơ quan này không ép tổ chức tín dụng phải thu hồi số vàng đã cho vay, mà tôn trọng nguyên tắc không hồi tố với những văn bản quy phạm pháp luật đã ký trước đây.
(Theo VnExpress)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com