Quan hệ ADB và Việt Nam đang tiến triển rất tốt đẹp; ADB đang dự kiến tăng các khoản cho vay dành cho Việt Nam lên mức 2 tỷ USD trong thời gian sắp tới.
Ngài Haruhiko Kuroda, Chủ tịch Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cho biết như vậy trong phát biểu tại buổi tiếp kiến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chiều 28/2, tại Trụ sở Chính phủ.
Theo Chủ tịch ADB ngoài những hỗ trợ, hợp tác trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng, ADB cũng mong muốn hợp tác với Việt Nam về giáo dục.
Đề cập về tình hình kinh tế thế giới, Chủ tịch Haruhiko Kuroda cho rằng, về ngắn hạn, vấn đề lạm phát là thách thức số 1 đối với các quốc gia đang phát triển ở châu Á.
Ông đánh giá cao các giải pháp kiềm chế lạm phát của Chính phủ Việt Nam mới đây và cho rằng những biện pháp này rất có hiệu quả và phù hợp với tình hình hiện nay.
Chủ tịch ADB cũng cho rằng ngoài lạm phát, thì một trong những thách thức nữa đối với Việt Nam là khoảng cách giàu nghèo. Việc giải quyết vấn đề này song hành với tăng trưởng kinh tế nhanh, đối phó với biến đổi khí hậu đang đặt ra những thách thức đối với Việt Nam.
Chủ tịch ADB cho rằng về dài hạn, để phát triển mạnh mẽ hơn, ngoài cải thiện cơ sở hạ tầng, Việt Nam cũng cần có nguồn nhân lực chất lượng cao dồi dào. Thực hiện được những tiêu chí này, thì chắc chắn, thu nhập bình quân đầu người tại Việt Nam sẽ đạt mức cao hơn hiện nay.
Chủ tịch ADB, Haruhiko Kuroda cũng khẳng định ADB sẽ tiếp tục ủng hộ và hỗ trợ mạnh mẽ Việt Nam trong tiến trình phát triển kinh tế.
Ông Benedict Bingham - Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế - IMF tại Việt Nam đã cho rằng, sự thay đổi trong chính sách tiền tệ của Việt Nam là sự chuyển hướng đúng đắn. Điều IMF khuyến nghị là thay vì thắt chặt chính sách tiền tệ thông qua việc thắt chặt thanh khoản vốn đang tạo ra những bất động mạnh trên thị trường liên ngân hàng, thì nên sử dụng chính sách lãi suất cơ bản linh hoạt hơn.
Trưởng đại diện IMF cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần đưa ra thông điệp rõ ràng cho các ngân hàng và thị trường ngoại hối, về định hướng chính sách tiền tệ cho thị trường liên ngân hàng, thị trường tiền tệ về giá của đồng vốn thời gian tới. Điều này sẽ giúp cho Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất một cách dần dần và có thể dự báo được.
Theo ông Benedict Bingham, điều quan trọng đầu tiên là Chính phủ Việt Nam cần giải quyết áp lực hiện tại lên thị trường ngoại hối và các vấn đề quan ngại đến kinh tế vĩ mô và củng cố nền kinh tế để đảm bảo chúng ta không quay trở lại áp lực mang tính chu kỳ lên trên thị trường ngoại hối.
Việc chuyển sang thắt chặt chính sách tiền tệ là điều đúng đắn. Và cần công bố quá trình thay đổi chính sách rõ ràng, đặc biệt chính sách tiền tệ. IMF cũng kêu gọi một chính sách tài khoá thể hiện rõ ràng hơn khả năng cắt giảm thâm hụt.
Ông Benedict Bingham nêu rõ, điều đầu tiên là phải xác định áp lực lên thị trường ngoại hối đến từ đâu. Theo IMF, áp lực không đến từ sự thiếu hụt nguồn cung cho nền kinh tế Việt Nam. Nếu nhìn cán cân thanh toán, thâm hụt cán cân vãng lai khá lớn, nhưng nó có thể được bù đắp bằng dòng FDI.
IMF khuyến nghị nên sử dụng linh hoạt hơn công cụ lãi suất cơ bản để định hướng thị trường liên ngân hàng và hệ thống ngân hàng. Khi sử dụng lãi suất cơ bản, Ngân hàng Nhà nước có thể kiểm soát tốt lãi suất trong hệ thống ngân hàng. Từ đó Ngân hàng sẽ điều chỉnh lãi suất huy động và cho vay dần dần và theo cách có thể dự báo được.
Còn trên thị trường tiền tệ, IMF mong muốn Ngân hàng Nhà nước sử dụng công cụ lãi suất chính sách để các ngân hàng thương mại biết được định hướng của Ngân hàng Nhà nước đối với lãi suất tiền đồng trong thời gian sắp tới, để không phải thấy sự ảnh hưởng quá mạnh của lãi suất như vài tuần qua. Các doanh nghiệp cũng sẽ có định hướng về tương lai xem có khả năng tiếp tục kinh doanh hay không.
Họ cũng không biết chính sách tài khoá sẽ giải quyết vấn đề thâm hụt ngân sách ra sao. Tôi nghĩ đầu tiên Chính phủ phải xử lý tâm lý quan ngại của nhà đầu tư, đưa ra định hướng rõ ràng cho thị trường ngoại hối và hệ thống ngân hàng về định hướng mới cho chính sách tiền tệ và cách xử lý vấn đề thâm hụt ngân sách.
Và cuối cùng, thông điệp của IMF là sau khi thoát khỏi giai đoạn bất ổn này, nên chuyển sang các chính sách mang tính thị trường hơn để đảm bảo nền kinh tế Việt Nam phát triển trên nền tảng kinh tế thị trường.
Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã chính thức phát đi thông cáo báo chí về chuyến công du đầu tiên của tân Chủ tịch Ngân hàng Thế giới - ông Robert B.Zoellick.
Trong chuyến công du đầu tiên trên cương vị của mình, Việt Nam sẽ là một điểm đến quan trọng của Chủ tịch Ngân hàng Thế giới. Theo dự kiến, ông Zoellick sẽ có mặt tại Việt Nam vào ngày 5.8.20011 và làm việc đến ngày 7.8.2011
Tại Việt Nam, ông Zoellick sẽ có các cuộc gặp với các quan chức chính phủ, lãnh đạo các doanh nghiệp và các tổ chức xã hội và phi chính phủ. Ông sẽ đến các vùng nông thôn nghèo để thăm các dự án phát triển.
Trước khi tới Việt Nam, vị Chủ tịch mới của Ngân hàng Thế giới đến Úc để dự Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC, sau đó đến Campuchia. Việt Nam là chặng cuối cùng trong chuyến công du của ông.
(tamnhin)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com