Căng thẳng tỷ giá thời gian qua một phần xuất phát từ động cơ găm giữ ngoại tệ không chỉ của tổ chức, cá nhân mà còn có cả ngân hàng thương mại.
Với tiềm lực lớn về ngoại tệ và mạng lưới, ngân hàng cũng có thể là một lực đầu cơ lớn trên thị trường. Ảnh minh họa: Hoàng Hà
Đó là đánh giá của ông Trần Minh Tuấn Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước trong Hội nghị sơ kết công tác hoạt động năm 2010 và triển khai nhiệm vụ 2011 hôm qua tại TP HCM.
Theo Phó Thống đốc, dù Ngân hàng Nhà nước vừa điều chỉnh tỷ giá VND/USD tăng lên 9,3% nhưng hiện tượng găm giữ ngoại tệ vẫn tiếp diễn. Điều đáng nói là không chỉ doanh nghiệp mà cả các nhà băng cũng có hiện tượng này.
Ông Tuấn cho rằng, các ngân hàng thương mại luôn đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước phải bán USD để can thiệp, bình ổn thị trường nhưng chính các nhà băng này lại đang găm giữ đôla, không chịu bán lại cho Ngân hàng Nhà nước. Bằng chứng là trước khi điều chỉnh tỷ giá, trạng thái ngoại tệ của toàn hệ thống dương 1,58%, sau khi điều chỉnh âm 1,16%. “Thực tế có một số ngân hàng trạng thái ngoại tệ dương rất lớn”, ông Tuấn nói.
Ông cũng cho biết thời gian này đã xuất hiện hiện tượng các ngân hàng có dư ngoại tệ đem đi gửi tiền ở các nhà băng khác đề hưởng lãi suất cao. “Đó là hành vi găm giữ đôla. Ngân hàng Nhà nước sẽ tiến hành kiểm tra đột xuất để phát hiện và xử lý những trường hợp này”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Đồng tình với Phó thống đốc, ông Nguyễn Ngọc Thắng, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM nhận định, chính các yếu tố đầu cơ, găm giữ đã gây ra tình trạng làm giá để thu lợi. Điều này không chỉ tạo tâm lý bất lợi cho thị trường mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của ngân hàng và nền kinh tế.
Phó chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thị Hồng cũng bày tỏ lo ngại trước thực trạng kinh doanh ngoại hối đang biến tướng, chỉ cần một cú điện thoại là có thể đến nhà giao dịch… Ngay hoạt động nhập lậu vàng qua biên giới cũng cần được nhìn nhận đúng để ngăn chặn, xử lý. “Để giải quyết vấn đề này cần sự phối hợp của Công an, lực lượng quản lý thị trường và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố”, bà Hồng nhấn mạnh.
Bên cạnh vấn đề găm giữ ngoại tệ, lãi suất huy động đôla Mỹ hiện đang ở mức cao đến 5%, sau khi Ngân hàng Nhà nước mở rộng đối tượng được phép vay đôla vào cuối năm 2009. Ông Lý Xuân Hải, Tổng Giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB) cho rằng, lãi suất ngoại tệ trên thế giới chỉ khoảng 0,5% nhưng ở nước ta lên tới 5%. Giải quyết vấn đề này, trong thời gian tới Ngân hàng Nhà nước cần có công cụ thị trường hạ lãi suất đồng đôla, sử dụng chính sách đa ngoại tệ,…
Bà Trương Thị Thúy Nga, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Vietcombank TP HCM thì cho rằng, giải quyết vấn đề như thế nào đòi hỏi người điều hành chính sách vĩ mô phải dám nhìn thẳng vào sự thật nhằm đưa ra giải pháp hợp lý nhất.
Trước những băn khoăn về lãi suất đola cao, Phó thống đốc cho biết thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét để thu hẹp đối tượng được vay đôla, cũng như việc để trạng thái ngoại tệ của các ngân hàng nhỏ đi.
“Ngoài ra, để giúp các tổ chức tín dụng giảm rủi ro ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước sẽ nghiên cứu cho phép các ngân hàng thực hiện các nghiệp vụ phái sinh ngoại hối như mua bán có kỳ hạn đôla Mỹ với kỳ hạn có thể hơn 3 tháng” ông Tuấn nói.
Ông Tuấn cũng cho biết, trễ nhất là 1/3, Ngân hàng Nhà nước sẽ ban hành chỉ thị trong đó có 7 biện pháp nhằm thực hiện nghị quyết của Chính phủ về ổn định kinh tế vĩ mô.
(Vnexpress)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com