Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Chấm điểm” ngân hàng nhìn từ phân nhóm tín dụng

picture
Ông Trần Quang Phúc: "Trong ngành ngân hàng, sự cải thiện về tính minh bạch đang diễn ra rất nhanh chóng" - Ảnh: M.Chung.

Việc phân nhóm giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2012 đang gợi lên vấn đề “chấm điểm” các ngân hàng thương mại.

Theo cơ chế trên, 4 nhóm ngân hàng đã định hình. Có những ý kiến khác nhau, song đó là một cơ chế được nhiều người trong cuộc ủng hộ. Thị trường cũng xem đây là một đánh giá cụ thể về “thứ hạng” của các ngân hàng trong hệ thống.

Qua câu chuyện này, việc xếp hạng các ngân hàng thương mại và công khai một cách rõ ràng lại là chủ đề dư luận quan tâm, như một yêu cầu của thị trường. Song việc đáp ứng hiện nay chưa được đầy đủ.

Nhớ lại, hồi tháng 12/2009, khi Công ty TNHH Thông tin tín nhiệm và xếp hạng doanh nghiệp Việt Nam (Vietnam Credit) công bố bảng xếp hạng tín nhiệm các ngân hàng Việt Nam, thị trường lập tức có những hiệu ứng khác nhau. Lần đầu tiên, một công ty tư nhân lên tiếng trong một lĩnh vực nhạy cảm như vậy…

Gắn với sự kiện phân nhóm tín dụng hiện nay, VnEconomy đã có cuộc trao đổi với ông Trần Quang Phúc, Trưởng bộ phận phân tích xếp hạng của Vietnam Credit.

“Khẩu vị” minh bạch

Hồi tháng 12/2009, Vietnam Credit từng tạo một sự kiện bất ngờ khi công bố bảng xếp hạng tín nhiệm các ngân hàng Việt Nam, rồi phải đón nhận một “làn sóng” phản ứng từ những người trong cuộc. Qua đó, các ông đã đúc kết những điều gì?

Thực ra, năm 2009 chỉ là thời điểm chúng tôi công bố xếp hạng tín nhiệm toàn bộ các ngân hàng thương mại. Vì trước đó khá lâu, chúng tôi đã tiến hành phân tích đánh giá tín nhiệm các ngân hàng, nhưng chưa tiến hành công bố một cách toàn bộ. Còn để nói rằng một đơn vị tư nhân hay phi tư nhân xếp hạng tín nhiệm ngân hàng và công bố là điều nên hay không nên, thì nhìn ra thế giới chúng ra sẽ thấy rõ. Moodys, Fitch, S&P họ đều là những đơn vị tư nhân độc lập với cơ quan quản lý.

Có một điều chúng ta cần lưu ý rằng, vai trò và trách nhiệm của đơn vị xếp hạng của Nhà nước và tư nhân là khác nhau. Nhà nước - như cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng, xếp hạng là để điều tiết hoạt động của các tổ chức tín dụng. Các kết quả đó trên thế giới thông thường cũng được bảo mật, còn với tư cách là một đơn vị độc lập thì vai trò của họ là thực hiện chức năng giám sát thị trường, cung cấp ý kiến tham khảo cho công chúng và công chúng giám sát lại kết quả đó của cơ quan xếp hạng độc lập.

Khi Vietnam Credit công bố bảng xếp hạng các tổ chức tín dụng, có những phản ứng từ dư luận nhưng chúng tôi nghĩ điều đó cũng bình thường vì việc xếp hạng này rất mới trên thị trường Việt Nam. Chúng ta chưa được làm quen với những điều như vậy. Tuy nhiên, hiện nay mọi chuyện đã khác rất nhiều kể từ sau thời điểm chúng tôi đưa ra ý kiến của mình năm 2009, chứng tỏ thị trường đã bắt đầu quen dần với những sự kiện như trên.

Ngoài các ý kiến phản ứng, cũng có nhiều ý kiến đồng tình của giới chuyên môn, đó là sự khích lệ lớn đối với chúng tôi. Từ năm 2011, các kết quả xếp hạng độc lập của Vietnam Credit đã được gửi đến từng ngân hàng, tạo điều kiện cho các đối tượng xếp hạng có thể thảo luận với đơn vị xếp hạng độc lập nếu có bất kể quan điểm gì khác. Đó là nỗ lực của chúng tôi hướng tới sự minh bạch và tiếp cận các chuẩn mực quốc tế về xếp hạng tín nhiệm.      

Có thể thấy, một trong những lý do có sự phản ứng đó là ở Việt Nam “chưa có thói quen” như ông nói...

Chúng ta vẫn là một nền kinh tế đang phát triển nên yêu cầu về sự minh bạch là rất lớn, và việc xuất hiện các đơn vị độc lập xếp hạng có uy tín trên thị trường là một trong những yêu cầu ngày càng bức thiết, giúp thúc đẩy nhanh quá trình minh bạch hóa thị trường một cách tốt hơn.

Các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu tiếp cận với cơ quan xếp hạng độc lập chủ yếu dựa trên các nhu cầu về sự vụ. Ví dụ như phát hành trái phiếu quốc tế, theo yêu cầu của nhà đầu tư chiến lược trước khi chính thức góp vốn, mở chi nhánh ở các thị trường tài chính lớn… Đó là thói quen chưa dễ gì thay đổi được, nhưng tôi tin trong thời gian tới, khi thị trường cũng như nhà đầu tư đòi hỏi sự minh bạch cao hơn thì chắc chắn các doanh nghiệp và ngân hàng sẽ quan tâm nhiều đến hoạt động này.

Chưa quen, với các tổ chức xếp hạng quốc tế đã hạn chế thì với các tổ chức xếp hạng trong nước càng hạn chế hơn? Hay là do năng lực của các tổ chức trong nước?

Năng lực chỉ là một phần nhỏ của vấn đề, quan trọng hơn là “khẩu vị” minh bạch. Ví dụ một người điều hành nhìn nhận sự minh bạch đó là tốt cho tổ chức tín dụng của họ thì họ theo đuổi, còn thấy không cần thiết thì không tham gia.

Còn năng lực của tổ chức xếp hạng thì theo tôi không phải là yếu tố chính vì chúng ta có nhiều chuyên gia tài chính giỏi, tiếp cận nhanh với các tiêu chuẩn quốc tế và đồng thời cũng am hiểu sâu sắc thị trường Việt Nam. Còn về uy tín thì không thể xây dựng trong ngày một ngày hai mà mình cần phải khai phá, phát triển, và có thể chịu bất lợi trong ngắn hạn để xây dựng. Đây cũng là con đường của Vietnam Credit, phải 10 năm hay 20 năm để gây dựng thương hiệu hay uy tín, đấy là chuyện bình thường.

Và thực tế là có những ngân hàng vẫn còn ngại minh bạch?

Có thể coi là như vậy, nhưng với mức độ cạnh tranh lớn như hiện nay tôi nghĩ điều này sẽ sớm được cải thiện nhanh chóng hơn so với các ngành khác.

Tuy nhiên, cũng có thể coi đây là thói quen hoạt động trong điều kiện, môi trường hoạt động có nhiều yếu tố chưa minh bạch. Dù vậy, trong ngành ngân hàng, sự cải thiện về tính minh bạch đang diễn ra rất nhanh chóng. Các thị trường trái phiếu, chứng khoán mặc nhiên sẽ thúc đẩy sự minh bạch của ngân hàng nhanh hơn, đặc biệt trong môi trường cạnh tranh cao, các ngân hàng nước ngoài vào Việt Nam ngày một nhiều hơn và tốc độ phát triển nhanh hơn.

Chỉ Ngân hàng Nhà nước mới biết

Về vấn đề này, ông đánh giá thế nào về kết quả xếp hạng các ngân hàng thương mại nói chung mà một số cơ quan chức năng vẫn thường công bố, như ngân hàng loại A theo xếp loại của Ngân hàng Nhà nước chẳng hạn? Kỳ thực có nhiều ngân hàng được xếp loại A nhưng thực tế lại rất khác nhau về thể trạng và chất lượng hoạt động…

Các đánh giá xếp hạng của Ngân hàng Nhà nước, mà cụ thể là cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng có xếp loại các ngân hàng theo loại A hay B, thực sự chúng tôi cũng không có thông tin chi tiết Ngân hàng Nhà nước xếp hạng như thế nào, đánh giá làm sao. Chính vì không có được những thông tin để đánh giá nên khó nhận xét được tại sao có sự khác nhau như vậy. Và phương pháp đánh giá trên chúng tôi không tiếp cận được nên rất khó bình luận.

Tuy nhiên, theo Quyết định 06/2008/QĐ-NHNN về ban hành quy định xếp loại ngân hàng thương mại cổ phần, thì tại điểm a, khoản 2, điều 12 có nói “Chậm nhất ngày 10 tháng 5 năm sau, từng ngân hàng thương mại cổ phần tự đánh giá xếp loại và gửi Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố nơi đặt trụ sở chính”. Điểm b, c cũng nói rõ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các địa phương có ý kiến về kết quả tự đánh giá của các ngân hàng và sau cùng Thống đốc sẽ phê chuẩn kết quả xếp loại.

Qua đó chúng ta phần nào có thể tự rút ra được kết luận vì sao lại có sự khác biệt như vậy.  

Một điều khác nữa. Gần đây thị trường đã quen với một kết quả xếp hạng khá đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước là nhóm “G12”. Ông có đánh giá gì về kiểu phân nhóm này không?

Theo tôi thì đây không phải là xếp hạng, việc thành lập nhóm này theo như Ngân hàng Nhà nước là nhằm “nâng cao hơn nữa tính tương tác giữa thị trường và cơ quan quản lý” tức chỉ nhằm điều tiết thị trường hiệu quả hơn. Có thể mục đích là tập hợp một nhóm lại để giúp đỡ cơ quan quản lý nhà nước điều tiết thị trường một cách linh hoạt, nắm bắt được các yếu tố của thị trường cần gì để điều tiết lại.  

Nhóm này chiếm 85% thị phần thì chắc chắn tiêu chí lựa chọn trước tiên là quy mô, còn các tiêu chí khác chúng ta có thể tham khảo các kết quả xếp hạng đã được công bố của các tổ chức xếp hạng lớn trên thể giới để biết mức độ tín nhiệm của các thành viên G12 này.

Còn với điểm nóng thông tin trên thị trường hiện nay là cơ chế và kết quả phân nhóm giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2012 cho các ngân hàng thương mại. Các nhóm cũng đã dần lộ diện và có thể xem đó là một “chứng chỉ” xếp hạng các ngân hàng. Hẳn là người quan tâm đến sự kiện này, ông tiếp cận những kết quả đó như thế nào?

Có khoảng 20 ngân hàng đã công bố chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, hầu hết thuộc nhóm 1 hoặc 2 và không lâu nữa chúng ta cũng sẽ biết được các nhóm còn lại. Các ngân hàng được giao chỉ tiêu tăng trưởng cao đều là các ngân hàng được thị trường đánh giá là có quy mô lớn và các lợi thế riêng biệt.

Chúng tôi cũng nhận thấy Ngân hàng Nhà nước đã căn cứ vào các thông lệ quốc tế, như mức độ đầy đủ vốn, tính thanh khoản, chất lượng tài sản hiện có… để đánh giá. Nhưng chúng tôi cũng không thể tiếp cận được nội dung như thế nào, phương pháp đánh giá ra sao. Có thể đó là cách lựa chọn chỉ có Ngân hàng Nhà nước mới biết được.

Nhưng điểm qua một số các ngân hàng công bố họ đã nhận được chỉ tiêu 17% loại 1, thì tôi cũng nhận thấy đây là nhóm ngân hàng đang được thị trường đánh giá là tốt. Tất nhiên đây là đánh giá của quốc gia mình, chứ không phải đánh giá của các tổ chức trên thế giới.

Những ngân hàng mà tôi vừa nói đều là những ngân hàng top đầu trong ngân hàng thương mại cổ phần hoặc các ngân hàng của Nhà nước. Như vậy rõ ràng đó là những ngân hàng có lợi thế riêng biệt của họ. Còn nhóm ngân hàng nhỏ hơn chưa thấy công bố thì có thể nằm trong nhóm thấp hơn, hoặc không được giao chỉ tiêu. Điều này cũng ảnh hưởng rất lớn, vì các ngân hàng được giao chỉ tiêu cao thì đấy là chứng chỉ và mặc nhiên coi là chứng chỉ tốt, còn những ngân hàng không được giao chỉ tiêu hoặc giao chỉ tiêu thấp hơn thì thị trường sẽ nghĩ về họ như thế nào?

Điều đó, tôi nghĩ cũng đáng lo ngại. Nhóm được giao chỉ tiêu thấp hoặc không được giao chỉ tiêu đều là các ngân hàng nhỏ, mức độ tập trung vào hoạt động tín dụng rất cao và thanh khoản yếu.

Tôi hy vọng rằng các biện pháp này đã được Ngân hàng Nhà nước tính toán kỹ lưỡng và chuẩn bị kỹ cho các tình huống xấu có thể xảy ra. Có thể, đây cũng là một yếu tố trong lộ trình tái cấu trúc ngành, nếu các ngân hàng nhóm này không tồn tại được thì sẽ buộc phải tự sáp nhập hoặc tái cấu trúc trước khi Ngân hàng Nhà nước có những can thiệp mạnh hơn.

Cần cả nhà nước lẫn tư nhân

Trên bình diện chung, theo ông, nên đánh giá và xếp hạng các ngân hàng thương mại Việt Nam như thế nào là hợp lý nhất?

Mức độ hợp lý hay không thì rất khó vì mỗi cơ quan, tổ chức đánh giá đều dựa vào những tiêu chí khác nhau và nguồn lực khác nhau. Rõ ràng cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng có đầy đủ nguồn lực, nhưng thị trường cần kết quả đấy là như thế nào thì họ lại không được nói.

Còn chức năng của các cơ quan, tổ chức độc lập thì họ đưa ra các ý kiến của họ để thị trường nhìn nhận về tổ chức tín dụng đó. Trải qua thời gian, thị trường giám sát lại kết quả đánh giá đó xem có đúng hay không. Và cuối cùng là tính minh bạch trong phương pháp đánh giá để đảm bảo công bằng cho tất cả đối tượng. Ví dụ như các tiêu chí đưa vào đánh giá là gì, thì các cơ quan đánh giá phải công bố ra, để ngân hàng có yếu tố gì yếu hay mạnh để họ điều chỉnh lại, còn giờ nếu chưa có phương pháp, định nghĩ cụ thể thì thị trường cũng không thể hiểu được đánh giá dựa trên cái gì.

Về kỹ thuật nói chung thì chúng ta có thể học hỏi, việc áp dụng như thế nào mới là điều cần coi trọng. Chúng ta thấy rõ là trên thế giới có các hệ thống xếp hạng thuộc về cơ quan quản lý và tư nhân rất độc lập. Mục đích của cơ quan xếp hạng nhà nước là quản lý và điều tiết hoạt động của các tổ chức tín dụng. Còn với các tổ chức tư nhân thực hiện vai trò giám sát thị trường, theo tôi cần tăng cường vai trò của các tổ chức này cũng như tạo khuôn khổ pháp lý để các tổ chức này hoạt động, từ đó giúp thị trường có công cụ giám sát tốt hơn và giúp cơ quan quản lý nhà nước thực hiện đúng và tốt hơn vai trò của họ. 

(Theo Vneconomy)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!