Giới quan sát đang cố gắng cắt nghĩa động cơ hành động của nhóm NĐT sở hữu khối lượng lớn cổ phiếu STB.
Trong các giao dịch lô lớn kể trên, những lần sang nhượng cổ phiếu tại Sacombank được NĐT theo dõi sát sao hơn cả. Mối quan tâm xuất phát từ “nghi án Sacombank bị thâu tóm” bởi một nhóm NĐT. Thực tế, TTCK Việt Nam gần đây diễn ra một số cuộc thôn tính thù nghịch. Tất cả đều diễn ra theo hình thức phủ quyết của cổ đông lớn tại ĐHCĐ, sau khi nắm giữ và chi phối được số cổ phần đủ lớn.
Tuần qua, nghi án nêu trên tăng lên khi Sacombank cho nhân viên liên hệ với một số cổ đông ủy quyền tham dự ĐHCĐ cho HĐQT và Ban kiểm soát Ngân hàng. Giới quan sát nhìn nhận, đây là biện pháp lãnh đạo Sacombank phòng thủ dưới áp lực bị chi phối. Cuối tuần, Sacombank tạo ra bất ngờ khác khi thông báo tạm hủy ngày chốt danh sách cổ đông, với giải thích do phải bổ sung một số nội dung quan trọng trong kỳ họp ĐHCĐ sắp tới.
Giải thích giao dịch nhộn nhịp gần đây của cổ phiếu ngân hàng, giới chuyên môn lý giải, các dòng vốn lớn thường chảy đến các khoản đầu tư tiềm năng. Với trường hợp Sacombank, dù “nghi án bị thâu tóm” cần chờ thời gian trả lời, nhưng khó có thể phủ nhận rằng, có một nhóm NĐT đang sở hữu khối lượng lớn cổ phiếu STB. Vì vậy, giới quan sát đang cố gắng cắt nghĩa động cơ, hành động của nhóm NĐT trên và tạm dựng lên 3 kịch bản:
Kịch bản 1: Hợp nhất có sự đồng thuận
Dù xuất phát từ mục tiêu đầu tư tài chính đơn thuần hay hợp nhất, thì mục tiêu của các NĐT lớn khi mua khối lượng lớn cổ phần đều hướng tới việc cử người đại diện vào HĐQT, nhằm chia sẻ định hướng kinh doanh, cùng điều hành và phát triển DN. Về lý thuyết, bản chất của hoạt động thâu tóm hay hợp nhất nhằm tạo ra các giá trị mới, có tính cộng hưởng. Tuy nhiên, trong trường hợp Sacombank, kịch bản này có vẻ khác xa với lý thuyết.
Thách thức thứ hai đến từ chi phí vốn của bên mua. Trước khi tạo ra các đột phá mới về tương quan lực lượng để nắm trong tay một khối lượng lớn cổ phần, bên mua đã phải kiên nhẫn mua gom nhiều tháng trước đây. Giả định sự hợp nhất đồng thuận diễn ra, quá trình tái cơ cấu phải trải qua vài năm. Với giá vốn trung bình khó có thể thấp hơn thị giá cổ phiếu STB hiện tại, trong bối cảnh lãi suất cho vay khó giảm, chính sách cổ tức của STB vài năm tới khó có thể theo kịp. Bên mua gặp áp lực chi phí vốn theo thời gian.
Kịch bản 2: Thôn tính thù nghịch
Một cuộc thâu tóm không nhận được sự đồng thuận của HĐQT công ty mục tiêu được coi là một cuộc thôn tính thù nghịch. Nhưng liệu có thể thôn tính thù nghịch một ngân hàng? Về lý thuyết là có thể, nếu bên mua quyết tâm bằng mọi giá nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần lên quá bán, để có thể đơn phương ra các quyết định, mà không màng tới hậu quả của đòn thế tự vệ.
Nhưng trong thực tế, ngân hàng là lĩnh vực kinh doanh tiền tệ đặc thù - loại tài sản rất linh hoạt. Đã có bên thâu tóm thì cũng có giải pháp chống thâu tóm. Không có ý định hợp tác, đối tượng bị thâu tóm có thể tiến hành một loạt biện pháp tự vệ như: cấp tín dụng với chi phí rẻ ra thị trường, gia tăng nợ xấu… Vì vậy, dù kiểm soát được “phần xác”, nhưng xét về mặt hiệu quả, người mua vẫn có thể thất bại.
Kịch bản 3: Nảy sinh một cuộc chiến pháp lý
Về lý thuyết, các cuộc thâu tóm ồn ào không sớm thì muộn có xu hướng biến thành một cuộc chiến pháp lý, khi việc thu gom cổ phần công khai hay bí mật nhằm mục đích hợp nhất chỉ giữ ranh giới mong manh với việc thao túng, lũng đoạn giá cổ phiếu.
Trong trường hợp bên mua vô can thì cuộc tấn công cũng bị kéo dài, tăng gánh nặng chi phí, khiến bên mua tự suy yếu hay nản chí. Ngược lại, với các HĐQT không vì lợi ích chung sẽ đối diện với nguy cơ bị thay thế trước thời hạn, khi bên mua tìm được và công bố các bằng chứng pháp lý xác đáng trong ĐHCĐ.
Hiện nay, Sacombank không chỉ là một DN niêm yết với hơn 70.000 cổ đông, mà còn là một ngân hàng lớn, mọi biến động đều liên quan đến hệ thống tiền tệ và an ninh kinh tế. Hoạt động của các ngân hàng nói chung và Sacombank nói riêng được giám sát bởi nhiều luật lệ. Vì vậy, một cuộc chiến pháp lý diễn ra dai dẳng là điều không cổ đông nhỏ nào mong muốn, nhưng không phải không có trong các kịch bản phải tiên liệu.
(Theo Giang Thanh // ĐTCK)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com