Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Cho vay ‘lố’, ngân hàng… méo mặt

Việc Ngân hàng Nhà Nước mới đây quy định trần lãi suất huy động USD đối với cá nhân xuống còn 2%, doanh nghiệp còn 0,5%, bên cạnh những quy định quản chặt thị trường ngoại hối khác, đã khiến thị trường này có những chuyển biến tích cực.

Nhưng một số ngân hàng đẩy dư nợ tín dụng USD lên quá cao đang có khả năng sẽ ảnh hưởng đến thanh khoản. Với chính sách ngoại hối hiện nay, lợi nhuận của nhiều ngân hàng sẽ không được như kỳ vọng.

Tỷ giá hạ, ngân hàng “ngồi” thu tiền

Sau 2/6, tỷ giá USD/VND liên tục được điều chỉnh xuống. Đến hôm qua, tỷ giá liên ngân hàng tiếp tục trụ ở mốc 20.628 đồng, là mức thấp nhất kể từ lần điều chỉnh tỷ giá 9,3% hôm 11/2. Hầu hết giá USD mua vào – bán ra được niêm yết trong các ngân hàng thương mại dù đột ngột tăng trở lại so với ngày trước, nhưng giá bán vẫn dưới 20.600 đồng một USD. Vietcombank mua ở mức 20.540 đồng, ACB chỉ 20.500 đồng, nhiều ngân hàng khác như Sacombank, Eximbank còn rẻ hơn. Trên thị trường tự do, giá USD thấp hơn ngân hàng, nhiều nơi thu mua chỉ 20.450 đồng một USD.

Lãi suất huy động USD giảm, cộng với tỷ giá sụt xuống đã khiến nguồn cung USD càng dồi dào. Hôm qua, nhiều người dân và doanh nghiệp đã mạnh tay bán USD ra. Chị Mỹ Phương, một khách hàng đến ACB bán USD, nói: “Cứ chờ USD lên để bán, giờ thì lãi suất xuống, tỷ giá xuống, không chờ được nữa”. Lãnh đạo ngân hàng này cũng xác nhận, lượng khách bán USD để gửi tiền đồng tăng lên so với trước. Tại ngân hàng Đông Á, tình hình cũng tương tự. Sau khi lãi suất xuống 3%, người dân và doanh nghiệp đã bán USD rất nhiều. Theo lãnh đạo ngân hàng này, phần lớn cá nhân, đơn vị bán USD đều gửi tiền đồng cho ngân hàng, nên thanh khoản tiền đồng của đã được cải thiện.

Giảm lợi nhuận, tăng rủi ro thanh khoản

Tuy nhiên, chỉ một số ngân hàng có nguồn gửi USD lớn và cạnh tranh được lãi suất mới “hút” được tiền đồng từ các cá nhân và doanh nghiệp bán USD. Còn những ngân hàng nhỏ, nhất là những ngân hàng đã cho vay USD “quá lố” thì ngược lại. “Việc người dân tăng bán USD cho ngân hàng, gửi tiền đồng sẽ khiến những ngân hàng nhỏ và ngân hàng cho vay USD quá nhiều không còn nhiều nguồn để huy động”, phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần lớn tại TP HCM nhận định. Cũng theo vị này, khó khăn thanh khoản là điều mà các ngân hàng cho vay USD “quá lố” sẽ gặp phải trong thời gian tới.

Theo số liệu của Cục Thống kê TP HCM, tổng dư nợ tín dụng của các ngân hàng thương mại tại TP HCM đến cuối tháng 5 đạt 383,1 tỷ đồng, tăng 39,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó dư nợ tín dụng bằng ngoại tệ chiếm gần 30%. Đặc biệt có ngân hàng thương mại tăng trưởng dư nợ tín dụng USD gần 50%, trong khi dư nợ tín dụng VND chưa đầy 10%. “Điều này khiến những rủi ro cho ngân hàng tăng lên”, bà Nguyễn Thị Mùi, thành viên hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, cho biết.

Theo phân tích của bà Mùi, thanh khoản của ngân hàng cho vay quá lố sẽ biến động theo thanh khoản của đồng bạc xanh và những rủi ro về tỷ giá cũng cao hơn so với ngân hàng “cân đối” được USD, đồng. Bên cạnh đó, lợi nhuận thu được từ cho vay ngoại tệ cũng giảm khi chính sách ngoại hối đang dần chuyển sang quan hệ mua bán. “Cho vay USD hiện nay đang dao động từ 6 – 7% một năm nhưng không dễ huy động USD và huy động tiền đồng cũng khó khăn tương tự, nên những ngân hàng đã cho vay USD quá lố. Tôi dám chắc lợi nhuận từ dịch vụ ngoại hối giảm rất nhiều”.

Ngoài ra, việc thắt chặt tín dụng càng khiến những ngân hàng không “lường” được biến động thị trường ngoại hối lâm vào cảnh khó đạt lợi nhuận mong muốn. “Khi cho vay ngoại tệ không còn là miếng mồi ngon nữa, các ngân hàng phải chuyển hướng sang kinh doanh ngoại tệ. Nhưng, kinh doanh ngoại tệ của các ngân hàng Việt Nam vẫn đang yếu, nên khả năng lỗ rất cao. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu thắt chặt tín dụng dưới 20% khiến nhiều ngân hàng sống chủ yếu bằng tín dụng sẽ khó “sống khỏe” như hiện nay”, ông Lê Thẩm Dương cho biết.

(Báo Đất Việt)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!