Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

DaiABank - HDBank: Cuộc 'hôn nhân' hạnh phúc?

Sau đại hội đồng cổ đông thường niên 2013 lần hai ngày 15/6, một số vị trí quan trọng trong cơ cấu quản trị, kiểm soát và điều hành Ngân hàng Đại Á (DaiABank) đã thay đổi và bổ sung. Một tam giác quan hệ đã được thiết lập giữa ngân hàng này với Ngân hàng Phát triển Tp.HCM (HDBank) và Sovico Holdings.

Giao dịch tại HDBank và DaiABank
Giao dịch tại HDBank và DaiABank.

Đó là vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng giám đốc DaiABank, cùng thành viên trong Ban kiểm soát đều từng là người của HDBank hoặc Sovico.

Với những thay đổi trên, cùng với kết quả đại hội lần hai, quá trình sáp nhập DaiABank với HDBank đã tiến thêm một bước quan trọng. Việc chính thức “về một nhà” có lẽ chỉ còn là thời gian và các bước kỹ thuật theo quy định của pháp luật.

Có lúc căng thẳng…

Khả năng “hôn nhân” giữa hai ngân hàng này từng thu hút sự chú ý của thị trường hồi tháng 10/2012. Trước thềm sự kiện, dư luận nổi lên vấn đề sở hữu chéo trong hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam; giới đầu tư bàn luận về những giao dịch thoái vốn của một số đầu mối; và có lẽ không phải ngẫu nhiên trong bối cảnh có một số xáo trộn gắn với một số cá nhân có tên tuổi trong ngành…

Tháng 10/2012, DaiABank và HDBank ký thỏa thuận ghi nhớ nguyên tắc hợp tác. Ít ngày sau đó, Ngân hàng Nhà nước có văn bản đồng ý về nguyên tắc hướng sáp nhập giữa hai bên. Cũng lưu ý rằng, đây là phương án tái cơ cấu tự nguyện, khác với diện bắt buộc, nên nó có thể đến đích hoặc không, gắn với quyền tự quyết.

Chính vì vậy, các cuộc đàm phán, thương lượng liên quan đến việc chuyển nhượng giữa các nhà đầu tư và cổ đông lớn kéo dài, thậm chí có lúc căng thẳng.

Theo tìm hiểu của VnEconomy, ngay trước thềm đại hội đồng cổ đông thường niên 2013, các bên liên quan cùng lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng đã ngồi lại, song đại hội lần một không thành. Cho đến nay, nguyên nhân chính vẫn được xem xét ở cơ cấu chương trình đại hội, thiếu nội dung thay đổi, bổ sung nhân sự cao cấp mà một nhóm cổ đông lớn (và mới) mong muốn (?).

Trước và sau đại hội lần một, trao đổi với VnEconomy, một số cổ đông DaiABank cho biết có biểu hiện sự căng thẳng trong một số giao dịch chuyển nhượng có tính quyết định, chưa tìm được tiếng nói chung. Thậm chí trước đó có hoài nghi về năng lực tài chính của nhà đầu tư mới. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến tiến độ dự tính tái cơ cấu của DaiABank kéo dài.

“Hợp tác cùng lớn mạnh và phát triển là mong muốn chung. Nhưng lưu ý rằng đây là tự nguyện và DaiABank có vị thế của mình, chứ không bán hoặc sáp nhập bằng mọi giá”, một cổ đông và cũng là cán bộ của DaiABank nói, cũng như từng đề cập đến khả năng bóng dáng của một đối tác thứ ba.

Tiếng nói chung ở trên là về lợi ích. Trong khi đó, căng thẳng cũng một phần biểu hiện ở tâm lý một số cán bộ nhân viên ngân hàng này. Trò chuyện với VnEconomy sau đại hội lần một, một cán bộ DaiABank cho biết, kế hoạch hợp tác với HDBank và thông tin có trên thị trường đang gây tâm lý nội bộ bất lợi nhất định. Họ lo ngại hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng, khách hàng có thể quan ngại.

Thêm nữa, giả sử “hôn nhân” thành công, cơ cấu lãnh đạo khi ghép hai cơ thể liệu có những điều chuyển ngoài mong muốn, khi mà ban điều hành thật khó để có quá nhiều thành viên, hay hai lãnh đạo ngang nhau trong một khối? Hay thu nhập của người lao động sẽ thay đổi như thế nào? Những câu hỏi này hoàn toàn khác với vị thế phải chấp nhận của một ngân hàng bị buộc phải sáp nhập, hay bị chỉ định sáp nhập.

Con đường tất yếu?

Đại hội đồng cổ đông thường niên 2013 lần hai đã thành công. Ít ngày sau, một số vị trí chủ chốt đã có thay đổi. Mối quan hệ tam giác giữa DaiABank, HDBank và Sovico chính thức xác lập trước mắt công chúng.

Nguồn tin của VnEconomy cho biết, nhóm nhà đầu tư - cổ đông mới đã có được tỷ lệ sở hữu trên 50% để có thể thúc đẩy mục đích của mình. Có lẽ việc sáp nhập DaiABank với HDBank chỉ còn là thời gian, khi tiếng nói chung giữa các cổ đông lớn đã đạt được. Điều hướng tới là cuộc “hôn nhân” về sau có hạnh phúc hay không?

DaiABank là một ngân hàng nhỏ, quy mô vốn điều lệ 3.100 tỷ đồng, tổng tài sản tính đến cuối năm 2012 là 17.910 tỷ đồng, có 64 điểm giao dịch. Cùng chung bối cảnh của ngành, song năm qua ngân hàng này hoạt động khó khăn hơn khi lợi nhuận giảm mạnh so với năm trước (khoảng 50%) và nợ xấu ở mức khá cao (5,28%, tăng 473,91%).

Bên cạnh quy mô và sức cạnh tranh khiêm tốn, hoạt động kinh doanh bộc lộ khó khăn, thì một chi tiết điển hình cho nhu cầu hợp tác để lớn mạnh hơn ở ngân hàng này là cả năm 2012 chỉ tăng được duy nhất 1 điểm giao dịch.

Bắt tay với HDBank, họ sẽ cùng có quy mô của một “ông lớn” trong hệ thống. Giả sử sáp nhập thành công, ngân hàng sau đó sẽ có vốn điều lệ 8.100 tỷ đồng, tổng tài sản trên 70.000 tỷ đồng. Và họ có một đối tác có kết quả kinh doanh khá ấn tượng trong năm 2012 (các chỉ tiêu kinh doanh của HDBank đều vượt kế hoạch, cùng các chỉ số tài chính cơ bản theo thông tin công bố khá tốt so với nhiều ngân hàng thương mại khác).

Hay như chi tiết mà một cán bộ DaiABank đề cập khi trò chuyện với VnEconomy: tại Hà Nội, nếu sáp nhập sẽ có sự bổ trợ rất tốt về mạng lưới, khi các địa bàn quan trọng ngân hàng sẽ đủ sức phủ kín mà không bị đè lên nhau để phải loại trừ hoặc gom lại.

Tuy nhiên, một lãnh đạo của DaiABank nói rằng, dù là nhỏ nhưng ngân hàng ông có thế mạnh về quản trị và kiểm soát. Nhiều năm qua hoạt động ổn định, hiệu quả thậm chí có những năm còn hơn HDBank. Vì vậy, việc sáp nhập ở đây là hai nguồn lực cùng mạnh để tạo ra những lợi thế mới để có thể cạnh tranh mạnh hơn trên thị trường.

Tuy nhiên, vị lãnh đạo này cho rằng hợp tác với một ngân hàng khác là con đường phát triển tất yếu. Vấn đề còn lại là hai bên có hạnh phúc không? Có nhiều yếu tố, nhưng sẽ tùy thuộc nhiều vào năng lực quản trị, lãnh đạo thực sự của cơ cấu nhân sự sau sáp nhập. Bởi cả hai đều từ một ngân hàng nhỏ và trung bình, “qua một đêm” trở thành một “ông lớn” và liệu có bị choáng ngợp và hụt sức với quy mô quản lý, điều hành đó hay không.

Dù có nhiều khó khăn, thử thách phía trước, nhưng đến nay tình huống sáp nhập DaiABank với HDBank đã gần ngã ngũ. Nhưng vẫn cần một điều kiện kỹ thuật quan trọng: hai bên sẽ phải tiếp tục tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường, và theo khoản 3, mục c Luật Các tổ chức tín dụng, phải có số cổ đông đại diện trên 65% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp chấp thuận thì mới được thông qua việc sáp nhập.

(Theo Minh Đức // Vneconomy)

  • Tái cấu trúc ngân hàng sang trang mới
  • 24 ngân hàng lỗ trong 5 tháng đầu năm
  • Tăng bảo mật, nhiều ngân hàng chuyển thẻ từ sang thẻ chip
  • Bảo hiểm nhân thọ Generali Việt Nam: Hiểu khách hàng để thành công
  • Đạo đức ngân hàng đang bị xem nhẹ
  • Khi nhà băng bắt tay viễn thông
  • 'Ế' tiền, ngân hàng 'đốt đuốc' tìm khách
  • Khi nhà băng vừa cho vay vừa run
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!