Ngoài việc chảy sang các ngân hàng quy mô lớn, dòng tiền tiết kiệm đang có xu hướng chuyển sang kênh đầu tư vàng.
Trước sức ép về lạm phát còn ở mức cao và lãi suất tiết kiệm không còn được thỏa thuận như trước đây, nhiều người có tiền nhàn rỗi đang tính lại bài toán có nên để vốn ở ngân hàng hay chuyển sang mua vàng, bất động sản, ngoại tệ và chứng khoán.
Với mức trần lãi suất huy động 14%/năm cào bằng đối với tất cả các ngân hàng, tâm lý người gửi tiền cũng muốn gửi vốn ở ngân hàng lớn, có uy tín. Vì vậy, dòng tiền tiết kiệm đang có xu hướng chuyển từ ngân hàng nhỏ sang các ngân hàng lớn, có uy tín.
Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mạnh tay xử phạt đối với ngân hàng huy động VND vượt trần lãi suất, đang khiến các ngân hàng nhỏ và vừa phải đối mặt với không ít khó khăn trong việc giữ chân nguồn tiền tiết kiệm, đó là chưa nói đến việc phải cạnh tranh gay gắt mới có thể thu hút được nguồn tiền nhàn rỗi mới. Một số ngân hàng nhỏ (ABBank, WesternBank) đã phải đưa ra sản phẩm “tiết kiệm linh hoạt theo ngày” lãi suất lên đến 14%/năm, nhằm tạo thêm tính hấp dẫn đối với lãi suất tiết kiệm. Theo lý giải của các ngân hàng, lãi suất tiết kiệm linh hoạt ngày sẽ có lợi hơn so với kỳ hạn tuần và tháng, vì lãi sẽ được nhập vào gốc hàng ngày, thay vì phải đợi đến khi đáo hạn (kỳ hạn tuần, tháng)… lãi mới được nhập gốc.
Ông Vũ Tú, Tổng giám đốc TiênPhongBank cho biết, mặc dù vốn huy động của Ngân hàng vẫn tăng trưởng tốt, nhưng không đều và có nhiều biến động. “Người dân vẫn đang thăm dò động thái của NHNN và ngân hàng thương mại. Phần lớn khách hàng chỉ gửi kỳ hạn 1 tuần. Còn các nhà đầu tư lớn thì tìm kiếm cơ hội ở các lĩnh vực khác như chứng khoán, vàng, ngoại tệ...”, ông Tú cho biết.
Ngoài việc chảy sang các ngân hàng quy mô lớn, dòng tiền tiết kiệm đang có xu hướng chuyển sang kênh đầu tư vàng. Dù giá vàng trong nước hiện vẫn cao hơn so với giá trên thị trường thế giới, song trước sự sụt giảm của vàng thế giới, giá vàng bán ra trong nước hiện dao động quanh mốc 46,65 triệu đồng/lượng, tạo sức hút đối với tiền nhàn rỗi sau một thời gian dài mặt hàng kim loại quý này đứng ở mức cao.
Vì vậy, người dân đã đổ xô mua vàng, bởi họ cho rằng, đây được xem là mức giá hợp lý, nhất là khi các dự báo cho rằng, giá vàng thế giới sẽ còn bứt phá do áp lực lạm phát và nợ công ở châu Âu chưa được giải quyết.
Doanh số bán vàng của các nhãn hiệu lớn như SJC, PNJ, SBJ… đã tăng mạnh trong ngày cuối tuần trước và ngày đầu tuần này khi mặt hàng kim loại quý này đã vượt ngưỡng 47 triệu đồng/lượng.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, bà Nguyễn Thị Cúc, Phó tổng giám đốc Công ty Vàng bạc - Đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho biết, trong 3 ngày cuối tuần, mãi lực mua vàng của người dân tăng mạnh khi họ cảm thấy giá mặt hàng kim loại quý này giảm xuống mức phù hợp để mua vào. Trong đó, không loại trừ nhiều khách hàng đã rút tiền tiết kiệm chuyển sang vàng, với doanh số bán ra trong ngày 16/9 của PNJ là 5.000 lượng, trong khi mua vào là 1.000 lượng.
Theo nhận định của bà Cúc, một khi trần lãi suất huy động được đưa về đúng mức 14%/năm, tâm lý người dân cảm thấy bị thiệt, nên một phần vốn tiết kiệm đã được chuyển sang đầu tư vàng.
Ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank cho hay, vốn tiết kiệm của Ngân hàng có dấu hiệu chững và thậm chí còn sụt giảm trong thời gian gần đây, khoảng vài chục tỷ đồng/ngày. Nguyên nhân là do nhiều khách hàng chuyển tiền gửi tiết kiệm sang đầu tư vàng.
Mặc dù mặt bằng lãi suất đầu vào giảm sẽ tạo điều kiện tốt cho việc hạ thấp lãi suất thỏa thuận đầu ra, giảm áp lực cho doanh nghiệp trong mùa kinh doanh cuối năm nay. Song theo nhận định của các chuyên gia tài chính, với biên độ lãi suất tiết kiệm VND đang giảm dần về trần, các tổ chức tín dụng phải tính đến trường hợp khách hàng sẽ chú ý đến các kênh đầu tư khác
(Báo đầu tư)
(igi)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com