Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

NHNN mạnh tay, một loạt ngân hàng dừng huy động lãi suất thoả thuận

Ngay sau hội nghị toàn ngành sáng 7/9 với một loạt giải pháp hạ lãi suất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cùng động thái xử lý mạnh tay ngân hàng vượt trần 14%/năm, các ngân hàng thương mại đã lập tức thông báo tới toàn chi nhánh dừng huy động lãi suất thỏa thuận.

Đình chỉ chức vụ nếu vượt trần

Một khách hàng của Seabank cho biết khoảng 4 giờ chiều ngày 7/9 đã nhận được cú điện thoại của nhân viên ngân hàng này thông báo lãnh đạo ngân hàng vừa chính thức chỉ đạo toàn hệ thống tạm dừng ngay chương trình cho huy động vốn theo lãi suất thỏa thuận. Với khoản tiền gửi 200 triệu đồng, kỳ hạn 1 tháng, khách hàng trên đã nhận được lãi suất 18,5%/năm vào tháng trước, nhưng kể từ ngày mai khi đáo hạn hợp đồng, sẽ chỉ nhận được cao nhất 14%/năm.

Theo nguồn tin từ lãnh đạo của một ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần lớn tại Hà Nội tham gia cuộc họp, lần này không giảm lãi suất cũng không được khi tại cuộc họp sáng 7.9, NHNN đã tuyên bố sẽ đình chỉ chức vụ lãnh đạo vi phạm, và cấm mở rộng chi nhánh cũng như quy mô hoạt động. “Huy động vốn chi phí cao mà không cho vay ra được thì cũng lỗ, mà giữ thì bị xử phạt nặng. Không ai nói ra nhưng sẽ chẳng có ngân hàng nào dám liều lĩnh vượt trần nữa” - vị lãnh đạo này nói.

Tại NHTM cổ phần Techcombank chi nhánh Hoàng Quốc Việt, Hà Nội, anh Tiến Đ. cũng nhận được thông báo của nhân viên giao dịch, lãi suất tối đa anh được nhận chỉ 14%/năm, dù trị giá sổ tiết kiệm của anh lên tới gần 1 tỉ đồng. Qua khảo sát trực tiếp củaPV, tại khắp các chi nhánh, phòng giao dịch ngày hôm qua hầu như không có nơi nào dám nhận các món tiền gửi mới với lãi suất 16-17%/năm, đa phần đều công bố đúng với bảng giá niêm yết vốn đã bị lãng quên trong suốt thời gian qua.

Tốc độ giảm khá nhanh của lãi suất chiều hôm qua là do hiệu ứng từ chính sách quyết liệt của NHNN. Tại cuộc họp sáng 7.9, lần đầu tiên NHNN đã phải chính thức thừa nhận đại đa số các ngân hàng trong hệ thống thời gian qua vượt rào lãi suất huy động 14%/năm. Một chỉ thị chấn chỉnh lãi suất đã được ban hành. Theo đó, tất cả các ngân hàng phải nghiêm túc thực hiện trần lãi tiền gửi bằng đồng Việt Nam 14%/năm, đối với ngoại tệ dành cho cá nhân 2%/năm và tổ chức 0,5%/năm. Chi nhánh nào vi phạm sẽ bị đình chỉ hoặc miễn nhiệm chức vụ của người quản lý, người điều hành của tổ chức tín dụng (TCTD) đó. Hạn chế mở rộng phạm vi, quy mô, địa bàn hoạt động của TCTD trong thời hạn 1 năm kể từ ngày bị xử lý; Hạn chế hoặc tạm đình chỉ hoạt động huy động và cho vay của đơn vị vi phạm thuộc TCTD đó.

Linh hoạt cung tiền

Với mức lãi suất huy động được kéo về 14%/năm và đầu ra mục tiêu 17-19%/năm, một số NHTM tham gia cuộc họp đều nhất trí hoàn toàn có khả năng để thực hiện, bởi biên độ như vậy đảm bảo có lợi nhuận. Một loạt giải pháp để hạ lãi suất được NHNN thông báo. Trước mắt, cơ quan này sẽ ngay lập tức ban hành quy định kiểm soát chặt chẽ hoạt động ủy thác, nhận ủy thác của các NHTM để “chống” lại chiêu lách luật đẩy lãi suất huy động lên cao. Đồng thời, nhằm nắn dòng tín dụng sang VND, các khoản cho vay bằng USD được siết lại theo hướng chỉ cho vay USD cho các đối tượng đảm bảo có nguồn trả nợ. NHNN sẽ ban hành quy chế trần giao dịch kỳ hạn nhằm tăng chi phí vay bằng ngoại tệ.

Trong khi đó, theo báo cáo của NHNN về tình hình cho vay của hệ thống, tới ngày 30/8 tín dụng tăng 8,85% so với cùng kỳ, từ nay đến cuối năm so với mục tiêu dưới 20% dư địa còn khá lớn. Vì vậy, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khẳng định không nhất thiết phải sử dụng hết dư địa này, có thể giữ ở mức từ 15-18%. 4 tháng còn lại, các NHTM sẽ được phép cho vay ra nền kinh tế thêm khoảng 238.000 tỉ đồng, bình quân giải ngân khoảng 47.600 tỉ đồng/tháng. Với tổng phương tiện thanh toán tính tới 30.8 tăng 9,16% so với chỉ tiêu 15-16%, từ nay đến cuối năm NHNN sẽ điều tiết cung tiền ở mức linh hoạt, hợp lý. Theo đó, tổng phương tiện thanh toán còn lại có thể lên tới khoảng 300.000 tỉ đồng, bình quân tăng thêm 59.500 tỉ đồng/tháng.

Một tín hiệu khá quan trọng khác được đề cập tới, NHNN có thể sẽ có điều chỉnh tín dụng cho vay phi sản xuất cho phù hợp hơn với tình hình mới khi cơ cấu tín dụng đang được chuyển dịch khá tích cực thời gian qua. Ước đến cuối tháng 8, tín dụng đối với lĩnh vực sản xuất tăng 14,79%: trong đó tín dụng nông nghiệp, nông thôn tăng 30,5%; tín dụng xuất khẩu tăng 35,02%. Ngược lại, tín dụng phi sản xuất giảm 16,95%, cụ thể, dư nợ cho vay để đầu tư, kinh doanh chứng khoán giảm 43,03%, dư nợ cho vay để đầu tư kinh doanh bất động sản giảm 10,1%, dư nợ cho vay tiêu dùng giảm  23,12%.  

(Theo Thanh niên)

  • Maritime Bank áp lãi suất cho vay thấp nhất 17,5% với DN sản xuất
  • Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam: Bất cập từ cơ sở pháp lý
  • Mức tăng của ngân hàng hợp lý
  • Cá nhân được mua ngoại tệ tiền mặt không quá 100 USD/người/ngày
  • Ngân hàng mới nới tín dụng ở lĩnh vực được ưu tiên
  • Tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc ngoại tệ thêm 1%
  • Chính sách của ngân hàng Nhà nước theo hướng nào?
  • Chỉ được vay vốn nước ngoài khi NHNN chấp thuận
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!