Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Hoạt động ngân hàng 2011: Được và chưa được

picture
Đến tháng 10/2011, phần lớn các tổ chức tín dụng đều chấp hành nghiêm tỷ lệ khả năng chi trả theo quy định nhưng trên thực tế, nhiều đơn vị khác vẫn chưa đảm bảo yêu cầu - Ảnh: Getty.

Nhìn lại năm 2011, hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam đã có những thành công trong khó khăn, nhưng vẫn còn đó nỗi lo trước những vấn đề chưa thể giải quyết gọn.

Không để ngân hàng kinh doanh theo kiểu vốn một đồng, huy động mười đồng rồi đầu tư vào bất động sản, chứng khoán, dự án của mình, tiền của dân, huy động và sử dụng ra sao, phải minh bạch. Cần có hệ thống quản lý đủ mạnh để quản lý hiệu quả hoạt động của ngân hàng. Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2012 ngày 17/12, tại Hà Nội.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước do Phó thống đốc Nguyễn Đồng Tiến trình bày tại hội nghị, mặc dù đối mặt với rất nhiều khó khăn do khủng hoảng kinh tế thế giới, lạm phát trong nước tăng cao, sản xuất đình đốn nhưng đến hết tháng 10/2011, hoạt động toàn hệ thống tổ chức tín dụng vẫn thu được nhiều kết quả khích lệ.

Thành công trong khó khăn

Theo đó, quy mô tổng tài sản toàn hệ thống đến cuối tháng 10/2011 đạt 4.713,2 nghìn tỷ đồng, tăng 13,5% so với cuối 2010.

Trong khi khối nhà nước mặc dù có quy mô lớn nhất nhưng tốc độ tăng trưởng chậm hơn so với khối cổ phần. Cụ thể, thị phần khối nhà nước giảm từ 47,6% năm 2009 xuống 41,3% năm 2010 và đến hết tháng 10/2011 chỉ còn 39%.

Khối ngân hàng thương mại cổ phần đang thể hiện sự bứt phá mạnh mẽ: năm 2011, tốc độ tăng trưởng khối này đạt mức 16,4% so với cuối 2010; thị phần năm 2009 là 41,2%, năm 2010 là 44,3% và cuối tháng 10/2011 là 45,4%, trong khi thị phần khối ngân hàng thương mại liên doanh và chi nhánh nước ngoài biến động “loanh quanh” 12%.

Đối với tăng trưởng tín dụng, những năm trước trung bình ở mức 35%/năm nhưng sang 2011, do thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô nên tính đến cuối tháng 10/2011, dư nợ từ các tổ chức kinh tế và dân cư đạt 2,5 triệu tỷ đồng, tăng 9,1% so với cuối 2010.

Về huy động vốn, sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Chỉ thị 02/CT quy định mức lãi suất huy động tiền gửi VND ở mức 14%/năm và cùng đó là sự vào cuộc tích cực, xử lý nghiêm vi phạm trần lãi suất tiền gửi, toàn hệ thống đã chấp hành nghiêm quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Kết quả, đến cuối tháng 10/2011, huy động vốn trên thị trường 1 đạt trên 2,8 triệu tỷ đồng, tăng 8,4% so với cuối 2010, bình quân mỗi tháng tăng 0,84% trong khi tỷ lệ này của 2010 là 3,1%. Trong đó, khối ngân hàng thương mại cổ phần huy động vốn tốt hơn với mức tăng lớn 10,8% so với cuối 2010, chiếm tỷ trọng 43,8%; khối tổ chức tín dụng nước ngoài tăng 20,6% nhưng chỉ chiếm tỷ trọng 7,5%.

Bên cạnh sự tăng trưởng khá ấn tượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng cũng thu hút nhiều chú ý: đến tháng 10/2011, tỷ lệ lợi nhuận trước thuế so với tài sản có (ROA) toàn hệ thống đạt 1,02% và lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 10,4%. Trong đó, ROA, ROE khối ngân hàng thương mại nhà nước lần lượt là 1,02 và 13,05%; khối cổ phần: 1,03 - 10,8%; khối tổ chức tín dụng nước ngoài: 1,16% - 6,9%; khối tổ chức tín dụng phi ngân hàng: 0,1% - 0,82%...

Đối với chênh lệch thu chi, có 14 đơn vị có chênh lệch thu chi lũy kế 10 tháng đầu năm âm, trong đó có 11 đơn vị thuộc nhóm nước ngoài. Nguyên nhân kinh doanh lỗ của khối này được cho là vì mới thành lập, trích lập dự phòng rủi ro cao, chi phí hoạt động lớn, thu không đủ bù chi.

Nỗi lo bất an cho hệ thống

Trình bày báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Đồng Tiến cho biết, đến tháng 10/2011, phần lớn các tổ chức tín dụng đều chấp hành nghiêm tỷ lệ khả năng chi trả theo quy định nhưng trên thực tế, nhiều đơn vị khác vẫn chưa đảm bảo yêu cầu. Thậm chí, ngay cả thời điểm này, số lượng các tổ chức tín dụng vi phạm về tỷ lệ này đã giảm nhưng vẫn còn một số đơn vị vi phạm và vi phạm nhiều lần.

Theo ông Tiến, việc quy định tỷ lệ khả năng chi trả 15% vào ngày hôm sau và 100% trong 7 ngày tiếp theo cũng như phương pháp tính toán theo Thông tư 13 chỉ phù hợp trong điều kiện bình thường. Còn khi thị trường biến động bất thường, quy định trên không còn phù hợp do việc xác định các kỳ hạn của “tài sản Có” và “tài sản Nợ” không diễn ra như kế hoạch. Bởi vậy, một số đơn vị mặc dù duy trì đúng tỷ lệ khả năng chi trả theo Thông tư 13 nhưng vẫn căng thẳng thanh khoản và thiếu hụt thanh khoản, buộc phải nhờ đến trợ giúp từ Ngân hàng Nhà nước.

Cũng theo ông Tiến, khối các ngân hàng thương mại nhà nước đáp ứng khá tốt tỷ lệ khả năng chi trả nhưng ở khối cổ phần thì có 5 trong số 37 đơn vị vi phạm và hiện tại, có tới 14 ngân hàng thương mại yếu kém đã và đang rất khó khăn về thanh khoản.

Còn đối với khối nước ngoài, từ đầu năm đến nay, số lượng các đơn vị vi phạm tỷ lệ khả năng chi trả ngày hôm sau và 7 ngày tiếp theo tăng đột biến so với cuối 2010. Trong đó, chủ yếu là vi phạm tỷ lệ khả năng chi trả đối với VND và đối tượng phần lớn là chi nhánh ngân hàng nước ngoài, thời gian vi phạm từ tháng 2/2011 đến tháng 6/2011; số lượng các đơn vị vi phạm là 21. Tuy nhiên, nhóm này lại không có biểu hiện mất thanh khoản và khất, hoãn tiền gửi.

Đặc biệt, đối với tỷ lệ bảo đảm an toàn vốn tối thiểu riêng lẻ (CAR) toàn hệ thống tổ chức tín dụng trong tháng 10/2011 đạt 11,92%, cao hơn 0,9% so với tháng 12/2010 do vốn tự có tăng trưởng khá. Có 6 tổ chức tín dụng vi phạm tỷ lệ này, trong đó có TinNghiaBank, SCB, Công ty Tài chính Bưu điện…

Một mối quan tâm khác mà thời gian qua ít được nhắc tới là vấn đề tăng vốn điều lệ. Theo Ngân hàng Nhà nước, đến nay, toàn hệ thống còn tới 4 đơn vị chưa đảm bảo mức vốn pháp định theo quy định, trong đó có 3 ngân hàng thương mại và 1 công ty tài chính.

Cũng vì thực tế còn nhiều yếu kém như nêu trên nên chất lượng tín dụng được cho là vấn đề đau đầu hiện nay của cơ quan quản lý. Trong đó, việc tập trung cấp tín dụng cho một số ít khách hàng và nhóm khách hàng có mức độ rủi ro cao; tập trung tín dụng vào bất động sản quá lớn đã gây bất an cho hệ thống.

Tính đến hết tháng 10/2011, nợ xấu toàn hệ thống lên tới 3,39% tổng dư nợ, con số tuyệt đối là 85.300 tỷ đồng, tăng 35.500 tỷ đồng so với cuối 2010. Điều lo ngại là con số trên có thể chưa dừng ở đó vì các tổ chức tín dụng áp dụng việc phân loại nợ chưa đúng với quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Giải quyết những bất cập trên cũng là một trong những mục tiêu chính của yêu cầu tái cấu trúc hệ thống mà Ngân hàng Nhà nước đang triển khai. Tại hội nghị, đó cũng là yêu cầu đặt ra cho mỗi thành viên trong hệ thống.

Tham dự và cho ý kiến chỉ đạo tại hội nghị này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Phải tái cơ cấu các ngân hàng thương mại nhà nước để họ thực sự là chủ lực, mạnh hơn về vốn, quản trị tốt hơn; mọi ngân hàng thương mại khác cần tự mình tái cơ cấu để hoạt động ngày càng lành mạnh, an toàn và hiệu quả hơn.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Các ngân hàng phải có trách nhiệm hơn với chính mình, với pháp luật và xã hội. Không nên vì lợi ích riêng mình mà làm trái quy định, đừng để Chính phủ phải lo lắng quá nhiều tới các ngân hàng, hãy để Chính phủ dành nhiều thời gian hơn cho những mối quan tâm và công việc quan trọng hơn”.

(Theo Vneconomy)

  • Tái cơ cấu ngân hàng: “Hòa bình” thay vì “bạo lực”
  • Nợ của Vinashin tại BIDV: “Không nên quá lo lắng”
  • Hợp nhất: Ông chủ ngân hàng được lợi lớn
  • Tiền đã đi thì khó về
  • Ngân hàng lo hạ trần lãi suất
  • Bốn cách kiểm tra nhanh tiền thật, giả
  • Ngân hàng chây ỳ trả nợ... ngân hàng
  • “Một cửa - một dấu” với ngân hàng
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!