Ngân hàng TNHH một thành viên Hong Leong Việt Nam đã khai trương chi nhánh mới và Trung tâm dịch vụ ngân hàng ưu tiên tại Hà Nội. Trước đó, các ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, HSBC Việt Nam và ANZ Việt Nam cũng đã khai trương dịch vụ ngân hàng ưu tiên… Tại sao các ngân hàng nội địa lại “lép vế” so với các ngân hàng ngoại tại thị trường bán lẻ cao cấp? Vấn đề hình như nằm ở hai chữ “đẳng cấp”...
Bà Yvonne Chia, Giám đốc điều hành Ngân hàng Hong Leong cho biết, Ngân hàng sẽ dành sự quan tâm nhiều hơn cho mảng ngân hàng bán lẻ, tập trung vào phân khúc cao cấp thông qua việc đưa ra các sản phẩm dịch vụ ưu tiên. Dịch vụ này được thiết kế đặc biệt dành cho đối tượng khách hàng cao cấp và là một sản phẩm then chốt của dịch vụ ngân hàng bán lẻ. Cụ thể, khách hàng sẽ được hưởng các dịch vụ với chất lượng cao và chuyên nghiệp trong bốn lĩnh vực chính được Hong Leong Việt Nam tập trung là: chăm sóc sức khỏe, giáo dục, đời sống và đầu tư.
“Chúng tôi sẽ giúp tạo kết nối giữa khách hàng của mình với các DN tiềm năng thuộc nhiều lĩnh vực mà Tập đoàn Hong Leong đang có quan hệ”, bà Yvonne Chia nhấn mạnh.
Thực tế hiện nay cho thấy, những sản phẩm bán lẻ mà các ngân hàng thương mại Việt Nam đang cung cấp mặc dù ngày càng được đa dạng hoá và tiến gần hơn đến đẳng cấp cao nhưng vẫn khó hấp dẫn khách hàng cao cấp. Nguyên nhân cơ bản là do hệ thống dịch vụ ngân hàng phát triển không đồng bộ nên tính tiện tích và hiệu quả kinh tế chưa cao; năng lực của các chuyên gia tư vấn vẫn còn nhiều hạn chế...
Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Louis Taylor, Tổng giám đốc Ngân hàng TNHH một thành viên Standard Chareterd (Việt Nam) cho biết, doanh thu của Ngân hàng trong năm 2010 chủ yếu đến từ hoạt động bán buôn, chứ không phải ngân hàng bán lẻ. Lý giải về sự “chậm trễ” này, ông Louis nói, Standard Chareterd cần thời gian để đầu tư những sản phẩm hiện đại, phù hợp với thị trường để phát triển lâu dài cùng với nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, ông Louis khẳng định: “Thời gian tới, hoạt động ngân hàng bán lẻ sẽ chiếm vị trí ngày càng quan trọng trong tổng doanh thu, lợi nhuận của Ngân hàng”.
Một chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, phân khúc dịch vụ cao cấp trên thị trường ngân hàng là không nhỏ và rất cần dịch vụ ưu tiên riêng. Rất nhiều ngân hàng trong nước cũng có những hoạt động cụ thể để dần bước vào thị trường này như TiênPhongBank, HabuBank, LienVietBank… Tuy nhiên, hầu hết ngân hàng trong nước dường như chưa thành công ở phân khúc này. Lý do là tiêu chuẩn dịch vụ của các ngân hàng Việt Nam chưa thực sự cao cấp để hấp dẫn khách hàng nội địa ở phân khúc này. Phân khúc thị trường khách VIP nước ngoài ở Việt Nam dễ tiếp cận hơn thì họ lại ưa thích lựa chọn các ngân hàng nước ngoài. Còn phân khúc VIP người Việt Nam không dễ xâm nhập, bởi đa số người giàu có do truyền thống không muốn thể hiện giá trị tài sản thật của mình.
Ngoài việc phục vụ chu đáo, riêng tư, đồng thời đem lại sự an toàn trong dịch vụ ngân hàng thì điểm nhấn quan trọng đối với những khách hàng thuộc phân khúc VIP là sự bảo mật của nhân viên ngân hàng. Trên thực tế, bản thân nhiều giao dịch viên của ngân hàng cũng vẫn thản nhiên trao đổi với nhau về thông tin của khách hàng. Đó là điều tuyệt đối không được phép trong các ngân hàng nước ngoài, khi chỉ những người có trách nhiệm mới được phép biết những thông tin đó. Do vậy, các khách hàng VIP người Việt Nam thích giao dịch với các ngân hàng nước ngoài hơn và điều này khiến phân khúc thị trường này của các ngân hàng trong nước yếu thế hơn.
“Sự kín đáo phải được đặt lên hàng đầu. Đó là điều mà ngân hàng trong nước cần quan tâm khi triển khai dịch vụ dành cho khách VIP”, vị chuyên gia trên nhấn mạnh.
(Đầu tư Chứng khoán điện tử)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com