Trong một vài năm trở lại đây, khái niệm "bảo hiểm" không còn xa lạ gì đối với công chúng nhất là tầng lớp từ trung lưu trở lên. Cùng với đó là số lượng đại lý bảo hiểm gia tăng một cách chóng mặt. Đại lý bảo hiểm giờ đây thực sự đã trở thành một nghề. Tuy nhiên, để quản lý và đào tạo một đột ngũ đại lý bảo hiểm có chất lượng tốt, tâm huyết với nghề lại đang là bài toán nan giải đối với hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm.
Tuyển mới nhiều, bỏ việc và bị sa thải cũng nhiều
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, số lượng đại lý mới tuyển thêm năm 2009 là 160.976 đại lý; đến năm 2010, số lượng đại lý mới tuyển thêm lên tới 214.756 đại lý. Số lượng tuyển mới nhiều là vậy, nhưng số lượng đại lý bỏ việc và bị sa thải hàng năm cũng nhiều không kém. Riêng đối với bảo hiểm nhân thọ, số lượng đại lý bỏ việc tự nguyện năm 2010 là 51.708, chiếm gần 50% số lượng đại lý mới tuyển. Số lượng đại lý vi phạm bị sa thải năm 2010 là 1.023 đại lý. Rõ ràng, bên cạnh những đại lý hoạt động lâu năm, có kinh nghiệm và uy tín, yêu và tận tâm với nghề, vẫn có một số lượng lớn đại lý tự coi đây là một nghề làm thêm, làm phụ, nghề tay trái, có thời gian rảnh rỗi thì làm, thích thì làm, không thích thì bỏ...
Đạo đức và chất lượng đại lý: vấn đề nhức nhối
Khi được hỏi, rất nhiều người cho biết họ có nhu cầu mua bảo hiểm, tuy nhiên còn chưa hiểu biết nhiều, rõ về các sản phẩm bảo hiểm vì chưa được tư vấn thỏa đáng. Điều đó là dễ hiểu vì bán bảo hiểm thực chất là "mua" lấy niềm tin nơi khách hàng. Khách hàng sẽ không bỏ tiền mua bảo hiểm khi chưa tin tưởng tuyệt đối vào đại lý - cầu nối giữa doanh nghiệp và khách hàng.
Một tình trạng khá phổ biến nữa mà nhiều khách hàng thường phản ánh là "đem con bỏ chợ", ám chỉ việc các đại lý bảo hiểm sau khi ký được hợp đồng bảo hiểm với khách hàng, chỉ quan tâm, chăm sóc khách hàng trong thời kỳ đầu, nhưng càng về sau, số lần gặp gỡ, trao đổi, tư vấn với khách hàng càng thưa dần. Đối với những hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có thời hạn lên tới vài chục năm, nhiều khách hàng than thở là chỉ gặp đại lý trong thời gian đầu, hàng tháng chỉ có một người khác tới thu phí. Rất nhiều trường hợp, người mua bảo hiểm có thắc mắc về một số trường hợp phát sinh, hoặc muốn chấm dứt hay gia hạn hợp đồng bảo hiểm…, họ cũng không biết phải hỏi ai, vì trên thực tế, họ chỉ làm việc với người đã tư vấn bảo hiểm cho họ - đại lý bảo hiểm. Nhưng không phải cứ gọi là đại lý tới ngay, không ít khách hàng đã phải "dở khóc dở cười" khi nhận được những câu trả lời "nhẹ bẫng": "Em nghỉ rồi, em không làm đại lý nữa", hay "giờ em đầu quân sang công ty bảo hiểm X rồi".
Bên cạnh đó, cũng có không ít những trường hợp, đại lý không có đủ kiến thức nên tư vấn không đúng, hoặc không biết tư vấn để khách hàng hiểu được những lợi ích, ý nghĩa an sinh xã hội trong mỗi sản phẩm, gây lầm tưởng trong đại bộ phận khách hàng, khiến nhiều khách hàng nảy sinh quan điểm: "Mua bảo hiểm với mục đích tích lũy sinh lời thì thà gửi ngân hàng còn hơn vì lãi suất không bằng lãi suất tiết kiệm ngân hàng, hoặc "lãi suất từ việc đầu tư vào các quỹ đầu tư mạo hiểm của công ty bảo hiểm cũng không thể cao bằng tự đầu tư vào vàng, ngoại tệ, bất động sản"...
Câu hỏi về quản lý và đào tạo
Để vươn rộng cánh tay ra thị trường, doanh nghiệp bảo hiểm đua nhau tuyển dụng và đào tạo đại lý bảo hiểm. Tình trạng cạnh tranh ngày một gay gắt, khiến cho không ít doanh nghiệp dùng mọi cách để giành giật, lôi kéo đại lý bảo hiểm. Lượng tăng nhanh nhưng chất không đảm bảo cộng thêm trình độ quản lý không theo kịp, đào tạo "ào ào cho xong", khiến doanh nghiệp bảo hiểm không quản lý được hoạt động và chất lượng đại lý. Hậu quả là nhiều doanh nghiệp bị chính đại lý của mình gây thiệt hại lớn về kinh tế và uy tín.
Do vậy, để nâng cao chất lượng trong công tác đào tạo và quản lý, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng đang dần thay đổi phát triển theo chiều sâu. Thay vì tuyển dụng đại lý một cách tràn lan, ồ ạt, doanh nghiệp cần tập trung vào đào tạo, bồi dưỡng ra những đại lý giỏi, để họ coi đây là một nghề thực sự, sống với nghề. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần thường xuyên kiểm tra trình độ, giám sát về đạo đức nghề nghiệp và có sự thưởng phạt thật nghiêm khắc. Doanh nghiệp cần gắn chặt trách nhiệm của mình với trách nhiệm của đại lý, coi sai phạm của đại lý cũng là sai phạm trong quản lý của chính doanh nghiệp, không nên cho rằng đại lý phải tự chịu trách nhiệm và có vấn đề tranh chấp gì với khách hàng thì cứ kiện đại lý ra tòa, doanh nghiệp không giải quyết. Làm được điều đó, doanh nghiệp sẽ phát triển bền vững hơn.
(Đầu tư Chứng khoán điện tử)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com