Tốc độ tăng trưởng đã sát, thậm chí vượt trần cho phép 20%, nhiều ngân hàng đang thạn chế tối đa cho vay, và tìm những kênh mới để "tiêu" số vốn còn lại của mình.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, trong cả tháng năm, lượng vốn các ngân hàng cho vay ra chỉ tăng 0,01%, riêng vốn tiền đồng giảm 0,64%.
Trên thực tế, nhiều ngân hàng do đã vượt “room” tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cho phép đang phải cố gắng để đưa dư nợ về đúng quy định. Tại Vietbank, đến cuối tháng 5, tăng trưởng tín dụng đã lên 26%, Phương Tây 24%... Do đó, tín dụng của các đơn vị này không thể tăng trong những tháng cuối năm mà còn phải giảm.
Với các nhà băng khác vẫn còn đôi chút dư địa, nhưng họ cũng rất khó khăn trong hoạt động của mình khi phải xây dựng kế hoạch kinh doanh phù hợp với mức tăng trưởng tín dụng dưới 20% cả năm.
Một số ngân hàng thương mại cổ phần quy mô vừa và nhỏ đã có chủ trương rà soát lại khoản vay và nhanh chóng thu hồi những hợp đồng đến kỳ đáo hạn. Đồng thời, đưa ra chủ trương hạn chế cho vay mới nếu cảm thấy khoản vay đó không còn cần thiết.
Giám đốc một chi nhánh của VietA Bank cho biết, mới đây nhà băng này đã đưa ra thông báo nội bộ về việc rà soát lại các khoản vốn cho vay cá nhân. Đồng thời, các khoản vốn cho vay từ các chi nhánh phải được trình lên hội sở ngân hàng phê duyệt.
Đây cũng là chia sẻ của ông Đỗ Lam Điền, Phó giám đốc Ngân hàng Doanh nghiệp thuộc Ngân hàng Hàng Hải. Theo ông, dư nợ cho vay vẫn còn trong ngưỡng an toàn nhưng nhà băng này gần như hạn chế tối đa cho vay với khách hàng mới, chủ yếu chỉ đáp ứng nhu cầu của bạn hàng cũ một cách thận trọng.
Bởi theo ông Điền, cho vay trong bối cảnh hiện nay rất rủi ro. Càng cho vay nhiều thì rủi ro càng lớn. Do đó, đa phần các nhà băng sẽ chọn chiến lược mua trái phiếu Chính phủ cho an toàn.
"Chúng tôi biết giảm tín dụng là động chạm trực tiếp tới doanh nghiệp và khách hàng vay tiêu dùng. Nhưng bây giờ đành chọn mục tiêu an toàn là trên hết", ông Điền nói.
Một phó tổng giám đốc của Ngân hàng Nam Á cũng cho hay, cả tháng nay dư nợ tại nhà băng ông gần như không tăng trưởng, chưa nói là bị âm. "Hiện giờ, việc tiến hành thu hồi nợ đến hạn là một trong những ưu tiên của nhà băng", ông này nói.
Từ hơn một tháng nay, ngày càng nhiều doanh nghiệp than khó có thể vay được vốn từ ngân hàng. Chủ một doanh nghiệp kinh doanh hàng phụ tùng ôtô trên Quốc lộ 1A, quận Bình Tân, TP HCM cho biết trước đây ông đã từng vay và trả nợ nghiêm túc với ngân hàng. Nhưng suốt cả tháng nay, ông đã hỏi nhiều nhà băng để vay 5 tỷ đồng nhưng đều không được.
"Đến đâu tôi cũng nhận lấy những cái lắc đầu hoặc nếu được tiếp nhận hồ sơ thì cũng hẹn chờ gọi điện lại sau", ông chủ này nói.
Ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hội dệt may thêu đan TP HCM cho rằng, hiện nay các doanh nghiệp trong hiệp hội của ông cũng rất khó khăn về vốn. Cái khó trước hết là lãi suất quá cao. Ngoài ra, thủ tục vay vốn đã bị xét duyệt gắt gao nay lại càng khắt khe hơn khi Ngân hàng Nhà nước có khuyến cáo hạn chế thế chấp bằng bất động sản, nhà xưởng... Trong khi đó bất động sản, nhà xưởng lâu nay thường được các doanh nghiệp đem ra thế chấp để vay.
Doanh nghiệp hiện muốn vay được vốn sản xuất, bên cạnh việc thế chấp tài sản còn phải dựa trên sự tín nhiệm của đơn vị đó. Sau đó, ngân hàng mới tính đến việc cho vay hay không. "Sự khó khăn trong vay vốn đã khiến nhiều công ty phải đóng máy từng bộ phận, công nhân không có việc làm, gây ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất, đến đời sống người lao động", ông Kiệt nói.
Một chuyên gia kinh tế tại TP HCM cho rằng, để gỡ khó cho doanh nghiệp, trước hết với vai trò dẫn dắt của mình, Nhà nước cần tập trung hỗ trợ bảo lãnh vốn vay cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chủ yếu phụ thuộc vào bản chất của dự án có khả năng thu hồi vốn và mang lại hiệu quả xã hội.
"Nhà nước cần căn cứ vào tiến triển trong việc kiềm chế lạm phát để từng bước hạ lãi suất cho vay, tạo điều kiện sản xuất kinh doanh bình thường, vì điều này mang lại lợi ích lâu dài cho nền kinh tế", vị này nhấn mạnh.
(Vnexpress)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com