Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ngân hàng dè chừng trong điều chỉnh lãi suất

Trong thời gian qua, mặc dù có cơ hội giảm lãi suất tiền đồng và mong muốn tăng trưởng mạnh dư nợ tín dụng, nhưng hầu hết ngân hàng khá dè chừng trong việc cắt giảm chi phí đầu vào bởi diễn biến lạm phát vẫn rất phức tạp.

Trên bảng lãi suất được công bố công khai tại các ngân hàng cổ phần lớn như VCB, ACB, Eximbank, DongA Bank…., lãi suất tiền gửi tiết kiệm VND hiện vẫn áp dụng sát trần cho phép 14%/năm. Đồng thời, lãi suất cao nhất luôn dồn về kỳ hạn ngắn, với kỳ vọng thu hút được nguồn tiền nhàn rỗi. Chẳng hạn tại VCB, mức 14%/năm được Ngân hàng áp dụng cho kỳ hạn từ 14 ngày đến 12 tháng. Trong khi đó, với các kỳ hạn tiền gửi trên 12 tháng, lãi suất chỉ có 12%/năm.

Tương tự, tại ACB, lãi suất tiết kiệm tiền đồng vừa được điều chỉnh từ đầu tháng 7/2011. Để cạnh tranh huy động vốn, ACB áp dụng lãi suất cho kỳ hạn 1 - 3 tuần là 13,9%/năm (đối với tiền gửi có kỳ hạn truyền thống VND). Còn với sản phẩm tiền gửi lãi suất thả nổi, ngân hàng này vẫn áp dụng mức trần cao nhất 14%/năm cho kỳ hạn 1 tuần đến 12 tháng, mức tiền gửi tối thiểu 10 triệu đồng…

Tuy nhiên, bên cạnh những nhà băng quy mô, thanh khoản dồi dào thì các ngân hàng cổ phần nhỏ vẫn gặp khó khăn trong huy động vốn. Vì thế, mức lãi suất thực được không ít nhà băng trả cho khách hàng gửi các khoản tiền từ 1 tỷ đồng trở lên vẫn duy trì khoảng 18 - 18,5%/năm. Nếu không trả lãi suất thực ở mức này, đại diện một ngân hàng cổ phần cho biết, sẽ khó giữ được chân nguồn tiền tiết kiệm cũ, chưa nói đến việc thu hút nguồn tiền gửi mới khi áp lực lạm phát vẫn rất cao.

Thực tế, lãi suất bình quân liên ngân hàng kỳ hạn 1 - 3 tháng hiện dao động ở mức 13,9 - 14,43%/năm. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc điều chỉnh lãi suất trên thị trường mở (OMO) vừa qua không phải là tín hiệu nới lỏng chính sách tiền tệ, mà chỉ là giải pháp điều hành linh hoạt công cụ nghiệp vụ thị trường mở. Do đó, với mục tiêu giữ lạm phát năm 2011 ở mức 15% và chính sách tiền tệ tiếp tục được kiểm soát chặt trong những tháng còn lại của năm, nên lãi suất tiền đồng dù có hạ nhiệt thì cũng không thể sớm như kỳ vọng.

Chủ tịch HĐQT Vietcombank (VCB), ông Nguyễn Hòa Bình cho rằng, không chỉ DN mà ngay cả bản thân ngân hàng cũng mong muốn chi phí đầu vào sớm hạ nhiệt để có thêm điều kiện giảm lãi suất đầu ra, giảm áp lực cho người vay. Tuy nhiên, với diễn biến của thị trường hiện nay cũng như mục tiêu kiểm soát lạm phát đưa ra cho cả năm cao hơn trần lãi suất huy động mà ngân hàng đang áp dụng thì khó có thể kỳ vọng điều chỉnh giảm mạnh lãi suất ngay lập tức.

Trong khi đó, một lãnh đạo cấp cao của OCB cho rằng, với mức trần lãi suất tiền gửi VND được cào bằng đồng đều cho tất cả các ngân hàng hiện nay gây khó khăn lớn cho những nhà băng nhỏ trong huy động vốn. Bởi sức cạnh tranh về thị phần của họ chưa thể bằng ngân hàng lớn.

Trên thực tế hiện nay, các ngân hàng cổ phần bên cạnh duy trì mức trần lãi suất cao nhất cho hầu hết các kỳ hạn, còn tung ra nhiều chương trình khuyến mãi để gia tăng tính hấp dẫn cho lãi suất tiền gửi. Đơn cử tại SCB, khi mua chứng chỉ tiền gửi ghi danh bằng VND, với mệnh giá từ 1 triệu đồng trở lên, ngoài lãi suất, khách hàng có cơ hội trúng thưởng, tổng giá trị đến 2,3 tỷ đồng.

Theo đánh giá của TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng Khoa quản trị - kinh doanh Trường đại học Ngân hàng TP. HCM, thanh khoản của các ngân hàng hiện nay không đồng đều. Đồng thời, liên quan tới quản trị là hiệu suất vốn vay thấp khi mà các nhà băng nhỏ đã đem tiền gửi ngắn hạn cho vay dài hạn. Trong khi đó, do khủng hoảng kinh tế nên không phải khách hàng nào cũng có thể xoay xở để trả nợ đúng hạn dẫn đến nợ xấu tăng lên, tiền không quay về nhà băng thì thanh khoản sẽ bị ảnh hưởng. Lúc này, các nhà băng quy mô nhỏ khó huy động vốn lại phải nâng lãi suất lên với kỳ vọng hút thêm tiền nhàn rỗi.

Nhưng một khi ngân hàng nhỏ tăng lãi suất thực lên thì nhà băng lớn cũng không thể khoanh tay đứng nhìn. Vì thế, cuộc đua lãi suất khó dừng. Cụ thể, ở Eximbank, ngoài lãi suất, ngân hàng này còn tặng quà cho khách hàng gửi số tiền từ 30 triệu đồng trở lên… Đồng thời, khi khách hàng gửi tiền có nhu cầu vốn VND, có thể cầm cố sổ tiết kiệm ở Eximbank để vay vốn với mức lãi suất vay VND ưu đãi bằng lãi suất khi gửi tiền cộng 2,5%/năm (lãi suất vay ưu đãi áp dụng cho số tiền vay tối đa bằng số tiền gửi)…

Chi phí đầu vào khó giảm như mong đợi thì lãi suất đầu ra cũng chỉ giảm nhẹ. Mặc dù các ngân hàng đang rất sốt ruột khi đã kết thúc nửa đầu năm mà tăng trưởng dự nợ vẫn rất ì ạch do khách hàng e ngại lãi suất cao.

(Đầu tư Chứng khoán điện tử)

  • Tuần này, NHNN hút ròng tới 9.000 tỷ đồng trên OMO
  • Rủi ro chéo của hệ thống ngân hàng rất lớn
  • Ngân hàng cũng “hụt hơi” vì lãi suất cao
  • Bảo hiểm hàng hóa: Thị phần nghiêng về doanh nghiệp ngoại
  • Bảo hiểm cây cao su: Cung cầu chưa gặp
  • Hoạt động ngân hàng tuần từ 25/6-1/7 Lãi suất USD liên ngân hàng gần 3%/năm
  • Vừa giảm lãi suất xuống 14%, NHNN đã bơm ròng vốn trên OMO
  • NHNN: ‘Giảm lãi suất OMO không phải là tín hiệu chính sách’
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!