Năm 2011, các ngân hàng thương mại đặt chỉ tiêu lợi nhuận khá cao so với năm 2010. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng thừa nhận để hoàn thành chỉ tiêu này là một thách thức trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước thắt chặt chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát.
Đa số các ngân hàng thương mại đều đề ra chỉ tiêu lợi nhuận năm 2011 ở mức cao, chủ yếu dựa trên thành quả từ năm trước. Một số ngân hàng như Trust Bank, VietA Bank… cũng có kế hoạch lợi nhuận khá cao so với năm 2010.
Ông Hoàng Văn Toàn - Chủ tịch Hội đồng quản trị của TrustBank cho biết, năm 2011 vốn điều lệ của ngân hàng này sẽ tăng 40% và lợi nhuận trước thuế sẽ tăng hơn 98% so với năm 2010. Lợi nhuận trước thuế năm ngoái của nhà băng này là 302 tỷ đồng.
Trong khi đó, tại VietA Bank, ông Phạm Duy Hưng - Tổng Giám đốc cho hay, lợi nhuận của nhà băng này năm 2011 thấp nhất cũng phải tăng gấp 2 lần so với năm 2010, tương đương mức tăng vốn điều lệ của ngân hàng này vào cuối năm ngoái.
Các ông lớn như Eximbank, MaritimeBank cũng không ngần ngại đưa ra chỉ tiêu lợi nhuận năm 2011 khá ấn tượng. MaritimeBank vừa thông qua đại hội cổ đông chỉ tiêu lợi nhuận năm 2011 là 1.830 tỷ đồng và tỷ lệ chia cổ tức tiếp tục duy trì 17% như năm ngoái.
Năm 2011, VPBank cũng đặt chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 1.200 tỷ đồng, tăng 80% so với thực hiện năm 2010.
Theo TS. Lê Thẩm Dương, Đại học Ngân hàng TPHCM, đa số các ngân hàng đạt lợi nhuận cao năm 2010 đều là những ngân hàng lớn nắm giữ nhiều giấy tờ có giá đem cầm cố vay vốn từ NHNN với lãi suất thấp sau đó cho các ngân hàng khác vay lại với lãi suất cao sẽ thu được khoản lời lớn.
Theo một chuyên gia ngân hàng, năm 2011 sẽ tiếp tục là năm đau đầu về chỉ tiêu lợi nhuận đối với các ngân hàng thương mại, các cơ hội kiếm lợi từ kinh doanh vàng không còn, từ mảng dịch vụ thanh toán, dịch vụ thẻ cũng chưa có nhiều khả quan. Các ngân hàng lại trông đợi nhiều vào mảng kinh doanh chính để thu lợi là tín dụng.
Tuy nhiên, để triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, NHNN đã ban hành Chỉ thị 01/CT-NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng xây dựng và thực hiện kế hoạch kinh doanh năm 2011 phù hợp với mục tiêu tốc độ tăng trưởng tín dụng dưới 20%.
Đặc biệt NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại phải giảm dư nợ tín dụng ở lĩnh vực phi sản xuất xuống tối đa 16% tổng dư nợ đến cuối năm.
Năm 2011, muốn phát triển được mảng tín dụng phải đẩy vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhưng đối với lĩnh vực này các ngân hàng thương mại đứng trước sức ép cạnh tranh giảm lãi suất, trong khi chi phí vốn khó có thể hạ thấp trong ngắn hạn, khiến biên lợi nhuận ngày càng bị thu hẹp.
Hoạt động tín dụng do vậy dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn hơn do chi phí vốn bị đẩy lên do lạm phát tăng, song lãi suất cho vay khó lòng tăng cao được, bởi lãi suất cao vượt quá sức chịu của nền kinh tế vô hình trung sẽ chặn đầu ra tín dụng.
Vì lẽ đó, lợi nhuận từ hoạt động tín dụng của các ngân hàng thương mại chắc chắn sẽ bị thu hẹp. NHNN cũng phát đi thông điệp sẽ xử lý mạnh tay với các hoạt động lách luật trong huy động, cho vay cũng như kinh doanh ngoại hối.
Trong khi đó, không ít lãnh đạo ngân hàng cho biết, tỷ suất lợi nhuận trên vốn vẫn hạn hẹp. Theo ông Đỗ Minh Toàn, Phó TGĐ Ngân hàng Á Châu, khi hầu hết các ngân hàng cổ phần đều đạt mức vốn 3.000 tỷ đồng thì chỉ tiêu lợi nhuận dù đặt cao nhưng tỷ suất lợi nhuận trên vốn vẫn không cao. Ngân hàng cổ phần phải chi trả lương tăng cao trong khi cổ đông đòi hỏi phải trả cổ tức không quá thấp so với lãi suất tiết kiệm.
Ngoài ra, sau khi NHNN quyết định điều chỉnh các mức lãi suất chủ chốt (như lãi suất tái chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn…) lên 12% thì lợi thế từ việc nắm giữ các giấy tờ có giá của các ngân hàng thương mại để vay vốn của NHNN với lãi suất thấp cũng sẽ không còn. Như vậy, các ngân hàng thương mại sẽ khó khăn hơn trong việc tìm kiếm lợi nhuận.
(Dân Trí)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com