Mặc dù nhận định thị trường tiền tệ năm 2011 có nhiều thách thức, đồng thời với chủ trương kiểm soát chặt tăng trưởng tín dụng dưới ngưỡng 20% và thu hẹp cho vay ở lĩnh vực phi sản xuất, nhưng các ngân hàng quy mô lớn đã có sức cạnh tranh trên thị trường vẫn tự tin đặt chỉ tiêu lợi nhuận cao trong năm nay.
Theo các nhà băng này, cơ hội luôn song hành với thách thức. Kể cả trong khó khăn, nếu có bộ máy quản trị tốt và biết nắm bắt cơ hội kinh doanh thì vẫn có thể đạt mục tiêu đề ra.
Ngân hàng Quân Đội (MB) là một điển hình, với kết quả khá khả quan trong năm 2010 (2.102 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế của riêng Ngân hàng), MB đã mạnh dạn đề ra chỉ tiêu lợi nhuận năm 2011 ở mức 2.900 tỷ đồng.
Theo lý giải của ngân hàng này, cuộc khủng hoảng toàn cầu vừa qua tuy đã chạm đến đáy, nhưng khó khăn vẫn còn dai dẳng, nó kéo theo những hệ lụy trong một vài năm và không dễ gì khắc phục. Đồng thời, trên thực tế, nền kinh tế Việt Nam phát triển chưa thực sự bền vững, vẫn tiềm ẩn những nút thắt ảnh hưởng lớn đến đà tăng trưởng. Đặc biệt, với mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2011, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11, trong đó tăng trưởng chỉ là ưu tiên thứ hai. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Chỉ thị 01/CT-NHNN quy định tăng trưởng tín dụng trên toàn hệ thống không được vượt quá mức 20% và thu hẹp tín dụng phi sản xuất...
Những điều này chắc chắn sẽ có những ảnh hưởng đến hoạt động của các ngân hàng thương mại và MB cũng không thể tránh khỏi. Song theo lãnh đạo Ngân hàng, với hoạt động của ngành thì không chỉ có thách thức mà cơ hội luôn đi kèm, kể cả trong khủng hoảng. Và bản thân MB luôn tự tin là có kinh nghiệm để vượt qua khó khăn.
Do đó, định hướng chung của MB trong năm nay là đặt tốc độ tăng trưởng cho các chỉ tiêu từ 20% đến 40%. Cụ thể, vốn điều lệ Ngân hàng sẽ tăng từ mức 7.300 tỷ đồng lên đến 10.000 tỷ đồng; tổng tài sản đạt mức 155.000 tỷ đồng, nâng dư nợ cho vay lên 58.000 tỷ đồng so với mức cuối năm trước là 50.660 tỷ đồng; huy động vốn từ thị trường 1 là 88.000 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát dưới 1,9%.
Tuy nhiên, lãnh đạo Ngân hàng cũng thừa nhận, sẽ phải có những bước đi thận trọng hơn khi xây dựng kế hoạch để hoàn tất chỉ tiêu hoạt động cho năm 2011 do những khó khăn nhất định từ thị trường.
Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng cho biết, dự kiến đạt chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế ở mức 3.000 tỷ đồng trong năm 2011 so với mức thực hiện của năm trước là 2.378 tỷ đồng; cổ tức 14,5%. Đồng thời, năm nay, Eximbank sẽ tăng thêm hơn 1.795 tỷ đồng vốn điều lệ, nâng tổng vốn lên mức trên 12.355 tỷ đồng.
4.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế cũng là con số được Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đặt ra cho kế hoạch hoạt động năm 2011.
Chỉ tiêu lợi nhuận này sẽ được Techcombank trình cổ đông ở kỳ họp ĐHCĐ diễn ra ngày 23/4 tới. Trong khi đó, kết thúc hoạt động năm 2010, Techcombank thu về 2.744 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, đạt 98% kế hoạch cả năm.
Được biết, năm qua Techcombank cũng đã phải điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận vào đầu quý III/2010 (kế hoạch lợi nhuận ban đầu được Ngân hàng này xây dựng ở mức hơn 3.200 tỷ đồng) để phù hợp với diễn biến thị trường trước những khó khăn xảy ra trong 2 quý cuối năm qua.
Tuy nhiên, Techcombank vẫn tự tin với tham vọng chỉ tiêu lợi nhuận đề ra cho năm nay ở mức 4.000 tỷ đồng, tăng 46% so với năm trước; tỷ lệ ROA là 2,0% và tỷ lệ ROE là 25%. Trong khi đó, tăng trưởng dư nợ tín dụng phải kiểm soát dưới mức cho phép 20%. Ngoài ra, trong năm nay, Techcombank dự kiến tăng vốn điều lệ từ mức gần 7.000 tỷ đồng hiện nay lên trên 8.788 tỷ đồng.
Với mức vốn điều lệ tăng thêm, Techcombank cho biết, sẽ đầu tư tài sản trụ sở, thiết bị mạng lưới hoạt động 52 tỷ đồng; đầu tư hệ thống công nghệ 874 tỷ đồng và bổ sung vốn phục vụ hoạt động kinh doanh năm 2011 trên 929 tỷ đồng.
Techcombank còn cho biết, năm 2011 là năm bứt phá trong chiến lược phát triển của Ngân hàng, nhằm hướng tới mục tiêu ngân hàng thương mại số 1 Việt Nam. Song trước bối cảnh thị trường hiện nay, theo đánh giá của các chuyên gia ngành tài chính - ngân hàng, thách thức của năm 2011 đối với hoạt động ngân hàng sẽ nhiều hơn năm 2010. Các ngân hàng muốn đạt được kế hoạch lợi nhuận nhiều tham vọng trên là không hề dễ dàng.
Vì thế, ngay cả đại gia lớn như Vietcombank (VCB) cũng tỏ ra thận trọng khi xây dựng chỉ tiêu lợi nhuận trình cổ đông trong kỳ họp ĐHCĐ thường niên năm 2011 diễn ra ngày 22/4 tới chỉ ở mức 5.560 tỷ đồng.
Trong khi đó, mức lợi nhuận trước thuế đạt được của VCB trong năm qua đã là 5.479 tỷ đồng. Tỷ lệ cổ tức chi trả cho cổ đông năm nay cũng được VCB dự kiến ở mức 12%, ngang bằng năm trước. Còn vốn điều lệ của Ngân hàng sẽ tăng từ mức hơn 17.587 tỷ đồng lên trên 24.622 tỷ đồng trong năm 2011.
Một số chỉ tiêu khác như: tổng tài sản, dư nợ cho vay, huy động vốn từ nền kinh tế tăng trưởng tương ứng mức 15%, 20% và 20%; hệ số an toàn vốn trên 10%; hiệu suất sinh lời vốn chủ sở hữu (ROA) là 16%. Tuy nhiên, trong vài năm qua, mức lợi nhuận của VCB luôn vượt chỉ tiêu đưa ra ban đầu.
Theo đánh giá của PGS. TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, với diễn biến thị trường năm 2011 có khó khăn, chính sách tiền tệ thắt chặt để thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, thì không chỉ hoạt động của ngành ngân hàng mà tất cả các lĩnh vực khác đều khó tránh khỏi ảnh hưởng. Song với các nhà băng có bộ máy quản trị tốt, có sức cạnh tranh trên thị trường về thị phần dịch vụ tài chính bên cạnh hoạt động truyền thống và biết nắm bắt cơ hội, thì sẽ tiếp tục phát triển bền vững và đạt kết quả kinh doanh khả quan. Ngược lại, nhóm ngân hàng nhỏ và vừa được đánh giá là sẽ khó khăn hơn nhiều, bởi nguồn thu chủ yếu phụ thuộc vào hoạt động tín dụng.
(Đầu tư Chứng khoán điện tử)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com