Ngân hàng Nhà nước đang gấp rút hoàn tất dự thảo thông tư về các tỷ lệ đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng, trong đó sẽ giới hạn số lượng cũng như tỷ lệ đầu tư giữa các đơn vị.
Dự thảo thông tư về các tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng của ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng sẽ tập hợp và hoàn chỉnh các quy định về tỷ lệ an toàn đang nằm rải rác ở 4-5 văn bản khác nhau, đồng thời cập nhật các yêu cầu mới của Luật Các tổ chức tín dụng 2010 (đã có hiệu lực từ 1/1/2011).
Liên quan tới hoạt động đầu tư chéo, ban soạn thảo đề xuất chỉ cho phép mỗi ngân hàng góp vốn vào tối đa 2 ngân hàng khác, với tỷ lệ không quá 5% vốn điều lệ của mỗi ngân hàng định góp vốn. Mục tiêu chính của quy định này là hạn chế tình trạng lũng đoạn của một nhóm cổ đông có tiềm lực tài chính, cũng như hiện tượng vốn đầu tư khống chạy vòng quanh giữa các ngân hàng. Do quá lo ngại về nạn lũng đoạn, tháng 5/2010, khi trình dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng ra Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước thậm chí còn đề xuất cấm hoàn toàn hoạt động đầu tư của ngân hàng này sang ngân hàng khác.
Hiện chưa có quy định khống chế, nên việc các ngân hàng góp vốn vào ngân hàng khác diễn ra phổ biến, trong đó không ít trường hợp đầu tư cùng lúc từ 2 ngân hàng trở lên. Đơn cử như Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) hiện góp vốn vào 5 ngân hàng cổ phần khác, với tỷ lệ nắm giữ dao động từ gần 4% đến 11%. Ngân hàng cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) và Ngân hàng cổ phần Á Châu (ACB) cùng đầu tư dài hạn vào 3 ngân hàng, Ngân hàng Công Thương (Vietinbank) đầu tư 2 ngân hàng. Riêng trường hợp Ngân hàng cổ phần Gia Định, hiện có ít nhất 4 cổ đông là ngân hàng.
"Đáng lo ngại là tình trạng đầu tư lòng vòng giữa các ngân hàng với nhau, kiểu ngân hàng A đầu tư vào ngân hàng B, ngân hàng B đầu tư cho ngân hàng C, nhưng C lại đầu tư vào A hoặc ngược lại. Điều này khiến vốn đầu tư vào các ngân hàng trở nên kém thực chất", một thành viên ban soạn thảo thông tư nói.
Tuy nhiên, chuyên gia này thừa nhận không dễ để các ngân hàng thoái vốn đầu tư về đúng hạn mức cho phép. Vì vậy, dự kiến ban soạn thảo sẽ đưa ra giải pháp và lộ trình để các ngân hàng thoái vốn hoặc giảm tỷ lệ nắm giữ tại các ngân hàng khác mà không gây xáo trộn trên thị trường.
"Những trường hợp đầu tư vượt 5%, có thể giảm tỷ lệ nắm giữ bằng cách bán bớt hoặc không mua thêm trong những lần tăng vốn mới của ngân hàng nhận vốn góp. Còn trường hợp đầu tư quá 3 ngân hàng, cũng sẽ có lộ trình để cho họ thoái vốn", ông nói.
Trao đổi vớiVnExpress, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank Nguyễn Hòa Bình cho biết ngân hàng sẽ thích ứng và tuân thủ nếu Ngân hàng Nhà nước ban hành quy định giới hạn tỷ lệ góp vốn sang ngân hàng khác. Trong số 5 ngân hàng đang góp vốn, Vietcombank đã định hướng ưu tiên cho 2 đơn vị, và giảm dần tỷ lệ sở hữu ở những đơn vị còn lại.
"Nếu có lộ trình thực hiện, việc rút vốn sẽ không quá khó khăn và không gây xáo trộn tới hoạt động của ngân hàng", ông Bình nói thêm.
Đầu tư dài hạn của Vietcombank vào ngân hàng khác:
Nguồn: Báo cáo hợp nhất 2010
Tên ngân hàng | 31/12/2009 | 31/12/2010 | ||
Tỷ lệ | Vốn góp(triệu đồng) | Tỷ lệ | Vốn góp(triệu đồng) | |
Xuất Nhập khẩu VN | 8,76% | 632.065 | 8,19% | 582.065 |
Sài Gòn Công thương | 6,63% | 93.408 | 5,26% | 123.452 |
Quân Đội | 11% | 812.641 | 11% | 966.642 |
Gia Định | 15,11% | 238.300 | 3,83% | 116.833 |
Phương Đông | 6,9% | 137.907 | 4,67% | 137.907 |
Đầu tư dài hạn của Eximbank vào ngân hàng khác:
Nguồn: Báo cáo hợp nhất 2010
Tên ngân hàng | 31/12/2009 | 31/12/2010 | ||
Tỷ lệ | Vốn góp(Triệu đồng) | Tỷ lệ | Vốn góp(Triệu đồng) | |
Nhà Hà Nội | - | 43.342 | 0,15% | 13.610 |
Gia Định | - | 17.415 | 0,87% | 17.415 |
Sài Gòn Công thương | - | 722 | 0,03% | 361 |
Sài Gòn Thương tín | - | 57.741 | - | - |
Phương Nam | - | 911 | - | - |
Đầu tư dài hạn của Vietinbank vào ngân hàng khác:
Nguồn: Báo cáo hợp nhất 2010
Tên ngân hàng | 31/12/2009 | 31/12/2010 | ||
Tỷ lệ | Vốn góp(Triệu đồng) | Tỷ lệ | Vốn góp(Triệu đồng) | |
Sài Gòn Công thương | 5,68% | 85.155 | 11% | 270.478 |
Gia Định | 0,84% | 16.888 | 1,69% | 16.888 |
(Vnexpress)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com