Mặc dù lãi suất được đánh giá sẽ phải giảm trong thời gian tới mới có thể khơi thông dòng vốn tín dụng cũng như giảm áp lực cho doanh nghiệp, nhưng hiện mới rục rịch giảm ở khu vực ưu tiên.
Chỉ số giá tiêu dùng cả nước (CPI) tháng 8 vừa được Tổng cục thống kê công bố tăng 0,93% so với tháng 7/2011. Đây là tháng có mức tăng CPI thấp nhất trong 11 tháng qua. Theo đánh giá của các chuyên gia, đây là cơ sở để lãi suất sẽ phải giảm dần trong những tháng tới. Mặt khác, nếu không cắt giảm lãi suất, các ngân hàng sẽ khó có thể khơi thông được nguồn vốn tín dụng đang bị ứ đọng.
Do chi phí đầu vào đang ở mức cao, đồng thời, lạm phát so với cùng kỳ 2010 đã tăng 23,02%; so với tháng 12/2010 tăng 15,68% nên lãi suất đầu vào chưa thể hạ thì việc cắt giảm lãi suất cho vay mới chỉ được các ngân hàng áp dụng có chọn lọc đối tượng.
Chẳng hạn, Eximbank vừa đưa ra chương trình tài trợ lãi suất ưu đãi, nhưng chỉ dành cho các doanh nghiệp xuất khẩu, vay để bổ sung vốn thu mua hàng hóa, nguyên vật liệu, thanh toán cho các chi phí liên quan đến sản xuất - kinh doanh chế biến hàng hóa xuất khẩu. Lãi suất cho vay tiền đồng là 17%/năm, thời gian cho vay tối đa 3 tháng. Tổng vốn Ngân hàng dành cho chương trình này là 500 tỷ đồng.
Để tạo thêm sự lựa chọn cho các doanh nghiệp xuất khẩu, Eximbank triển khai thêm chương trình "Tài trợ xuất khẩu bằng VND với lãi suất ngoại tệ" ở mức 7%/năm với điều kiện mục đích vay vẫn là bổ sung vốn thu mua hàng hóa, nguyên vật liệu, thanh toán cho các chi phí liên quan đến sản xuất - kinh doanh hàng hóa xuất khẩu. Thời gian cho vay tối đa 6 tháng. Eximbank cũng dành 500 tỷ đồng cho chương trình này. Lãi suất 7%/năm sẽ được cố định trong suốt thời gian vay. Tuy nhiên, để có thể tiếp cận được nguồn vốn tiền đồng giá rẻ này của Eximbank, các doanh nghiệp xuất khẩu phải bán lại ngoại tệ cho Ngân hàng sau khi có nguồn thu.
Từ nay đến 31/12/2011, cá nhân, hộ kinh doanh cá thể và doanh nghiệp tư nhân vay tiền cho mục đích sản xuất - kinh doanh tại ABBank cũng được giảm lãi suất 1,5%/năm theo chương trình "Yên tài chính - vững kinh doanh". Ngoài ra, ABBank còn hỗ trợ tài chính cho khách hàng cá nhân mua mới 100% dòng xe Ford Focus tại Công ty Sài Gòn Ford với lãi suất giảm 1% so với lãi suất ban hành của Ngân hàng.
Trước đó, HDBank cũng đưa ra chương trình ưu đãi lãi suất cho vay, nhưng chỉ ưu tiên áp dụng cho doanh nghiệp ở lĩnh vực phụ trợ, với mức lãi suất giảm từ 1 - 4%/năm so với biểu lãi suất cho vay thông thường. Tuy nhiên, sau khi giảm, lãi suất cho vay ở lĩnh vực này của HDBank vẫn dao động trong khoảng từ 19% đến 21%/năm.
Với sản phẩm VP Business, từ nay đến hết tháng 9/2011, VPBank cũng giảm 1%/năm lãi vay so với mức quy định tại biểu lãi suất cho vay thông thường của Ngân hàng.
NamA Bank cho biết, Ngân hàng đang chọn lọc doanh nghiệp xuất, nhập khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ để cho vay bổ sung vốn lưu động, với lãi suất thấp hơn lãi suất cho vay thông thường.
Nhìn chung, tín hiệu giảm lãi suất đang dần xuất hiện và đã rõ ràng hơn khi những ngày gần đây, nhiều ngân hàng đồng loạt tung ra các chương trình khuyến mãi cho vay ưu đãi. Trong đó, lãi suất cho vay 17%/năm của Eximbank được xem là cạnh tranh nhất trên thị trường hiện nay, song sẽ có sự chọn lọc khách hàng. Giai đoạn này, các ngân hàng chỉ ưu tiên vốn cũng như ưu đãi lãi suất cho khu vực sản xuất - kinh doanh. Bên cạnh đó, một vài ngân hàng còn dư địa cho vay ở lĩnh vực phi sản xuất cũng bắt đầu khơi thông vốn. Chẳng hạn như SeABank cho vay nhanh mua ô tô, song lãi suất cho vay còn cao.
Phát biểu tại hội thảo "Ngân hàng - doanh nghiệp trước tác động của chính sách tiền tệ" vừa diễn ra tại TP. HCM, ông Đinh Thế Hiển, Giám đốc Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng cho rằng, lãi suất sẽ phải giảm dần trong thời gian tới, nhưng có thể trước mắt chưa giảm được về 17 - 18%/năm như kỳ vọng.
Theo ông Hiển, các doanh nghiệp đang phải gánh chịu chi phí lãi vay quá cao, khoảng 20 - 23%/năm, thậm chí có lĩnh vực lên tới 25%/năm. Vì thế, mặt bằng lãi suất cho vay sẽ khó có thể duy trì được mức cao trong thời gian dài.
"Nếu kéo dài, lãi suất cho vay tiền đồng ở mức cao sẽ gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp cũng như chính bản thân các ngân hàng. Điều này đã từng diễn ra trên thực tế của năm 2008, khi mặt bằng lãi suất tăng cao trước áp lực của lạm phát đã khiến doanh nghiệp đình đốn, dẫn đến nền kinh tế đình trệ. Và thực tế, tăng trưởng kinh tế những tháng đầu năm 2011 đã chậm lại so với cùng kỳ năm 2010", ông Hiển nói và cho rằng, việc giảm dần lãi suất cho vay tiền đồng hiện nay không chỉ doanh nghiệp mà ngay cả ngân hàng cũng quan tâm, nhằm khơi thông dòng vốn tín dụng phục vụ sản xuất - kinh doanh.
Theo các chuyên gia tài chính, nếu CPI được kiểm soát tốt trong những tháng tới sẽ là điều kiện tốt để giảm lãi suất, vì khi đó, nhà băng có thể cắt giảm được chi phí đầu vào. "Khả năng trong quý III/2011, lãi suất cho vay chỉ mới giảm được khoảng 1%/năm so với mặt bằng hiện nay. Nhưng nếu CPI của cả nước giảm dần như tháng 8 sẽ là cơ sở để lãi suất tiếp tục giảm", ông Hiển cho biết thêm.
TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị và kinh doanh Trường đại học Ngân hàng cho rằng, lãi suất phải giảm dần là tất yếu, nhưng trước mắt có thể khó đạt được mức kỳ vọng của doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo ông Dương, khả năng trong thời gian tới, các nhà băng sẽ phải tính đến việc giảm thêm lãi suất để khơi thông vốn.
Thị trường cũng đang mong đợi về diễn biến lãi suất khi tháng 9/2011 đang cận kề, thời điểm mà theo tuyên bố mới đây của Thống đốc NHNN, là lãi suất cho vay sẽ được đưa về 17 -19%/năm.
Thùy Vinh
Tuyên bố trách nhiệm:Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.
(Đầu tư Chứng khoán điện tử)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com