Một số ngân hàng, dẫu biết mua trái phiếu chính phủ lãi suất thấp là cầm chắc lỗ, nhưng vẫn mua vào vì đó là kênh đầu tư có lợi trong bối cảnh tín dụng bị siết chặt.
Từ cuối tháng 5 cho đến giữa tháng 6.2011, phát hành trái phiếu chính phủ trên thị trường sơ cấp bất ngờ sôi động với tỉ lệ trúng thầu tăng lên đến 100%. Tính trong 10 ngày đầu tháng 6.2011, giá trị trái phiếu chính phủ trúng thầu đã đạt 7.745 tỉ đồng. Đặc biệt, trong phiên ngày 9.6.2011, Kho bạc Nhà nước đã phát hành thành công 3.000 tỉ đồng trái phiếu chính phủ với mức lãi suất giảm mạnh xuống còn 12,7%. Trong bối cảnh lạm phát năm 2011 vẫn ở mức cao (với kịch bản lạc quan nhất là 15%), việc thị trường chấp nhận mức lãi suất trái phiếu thấp như vậy là khá bất ngờ. Cũng trong phiên này, có tới 18 thành viên tham gia đấu thầu trái phiếu chính phủ, con số cao nhất tính từ đầu năm đến nay.
Gánh nặng chi ngân sách
Việc phát hành thành công trái phiếu chính phủ đã giúp Chính phủ đảm bảo được kế hoạch chi tiêu trong năm 2011. Theo dự toán ngân sách năm 2011, bội chi ngân sách của Việt Nam sẽ vào khoảng 5,3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) theo thông lệ Việt Nam. Điều này đồng nghĩa Việt Nam sẽ phải vay trong nước để bù đắp với khoản tiền lên tới 55.050 tỉ đồng và vay nước ngoài 16.310 tỉ đồng. Ngay cả khi Chính phủ kiên quyết cắt giảm chi tiêu công để bội chi ngân sách giảm xuống dưới 5% thì sức ép phải phát hành trái phiếu theo kế hoạch vẫn khá lớn, bởi các nguồn thu từ ngân sách đang có dấu hiệu sụt giảm.
Chính sách chắt chặt tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước đã khiến tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế giảm khá mạnh so với năm 2010. Điều này đồng nghĩa với việc lợi nhuận của doanh nghiệp và thu nhập của người dân tăng chậm lại. Nguồn thu ngân sách từ thuế và lệ phí trước bạ sẽ khó đạt được như dự tính. Đó là chưa kể đến việc 2.000 dòng thuế bị cắt giảm theo cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (làm giảm khoảng 2.000 tỉ đồng thu ngân sách trong năm 2011) và các khoản miễn giảm thuế cho ngành xăng dầu và khối doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Trong khi đó, lộ trình cắt giảm chi tiêu của Chính phủ lại không diễn ra như mong đợi. Theo cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5.2011, thời hạn quyết định mạnh tay hơn với các khoản cắt giảm đầu tư công có khả năng lại bị đẩy xuống.
Việc phát hành trái phiếu cho các nhà đầu tư nước ngoài lại đang gặp khó khăn. Dư âm của luật thuế mới cũng như sự mất giá của tiền đồng trong các năm trước vẫn còn nặng nề. Thông tư 64 ngày 22.4.2010 của Bộ Tài chính quy định nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào trái phiếu ở Việt Nam sẽ chịu thuế nhà thầu với mức thuế 10% trên số tiền lãi trái phiếu nhận từ tổ chức phát hành, cao gấp gần 10 lần mức thuế cũ (0,1% tính trên mệnh giá của trái phiếu). Do đó, với tình trạng bất ổn vĩ mô hiện nay, việc vắng bóng các nhà đầu tư nước ngoài là điều dễ hiểu. Và như vậy, việc phát hành trái phiếu chính phủ có thành công hay không đã đổ dồn lên vai các ngân hàng thương mại trong nước.
Ngân hàng thương mại “đỡ” trái phiếu chính phủ
Việc phát hành thành công trái phiếu chính phủ trong những phiên vừa qua là một điều khá bất ngờ, nhất là trong bối cảnh tỉ lệ lạm phát hiện tại tính theo năm lên tới gần 20%, ngay cả kịch bản lạc quan nhất cũng phải đến 15% vào cuối năm 2011. Với tỉ lệ lạm phát như vậy, lãi suất huy động từ dân cư sẽ khó giảm về dưới mức này. Để chống lạm phát, Ngân hàng Nhà nước chắc chắn sẽ tiếp tục duy trì lãi suất trên thị trường mở ở mức 15% trong một thời gian tương đối dài. Như vậy, những ngân hàng thương mại mua trái phiếu chính phủ với mức lãi suất thấp như thế gần như cầm chắc lỗ đối với các khoản đầu tư vào trái phiếu.
Tuy nhiên, nếu đặt trong bối cảnh tổng thể của thị trường tài chính, đặc biệt với chính sách tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước, động thái này của một số ngân hàng thương mại là dễ hiểu. Giữa lúc hoạt động tín dụng bị hạn chế và với quy định không được cấp tín dụng quá 80% nguồn vốn huy động được, các ngân hàng buộc phải tìm kênh đầu tư trên thị trường liên ngân hàng hoặc thị trường trái phiếu. Việc gần đây lãi suất trên thị trường liên ngân hàng xuống thấp có nghĩa các ngân hàng bắt đầu phải chú ý đến kênh trái phiếu chính phủ.
Đầu tư vào trái phiếu chính phủ, tuy mức lãi suất thấp hơn so với các kênh đầu tư khác, nhưng các ngân hàng lại có thể đem cầm cố để vay Ngân hàng Nhà nước trên thị trường mở hoặc xin Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn. Nếu lãi suất trên thị trường mở và lãi suất tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước thấp tương đối so với lãi suất liên ngân hàng và lãi suất huy động từ dân cư thì rõ ràng, thua lỗ do đầu tư vào trái phiếu chính phủ có thể sẽ được bù đắp từ lợi ích này.
Việc phát hành trái phiếu chính phủ thành công trên thị trường sơ cấp diễn ra trùng hợp với động thái tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại với quy mô lớn của Ngân hàng Nhà nước. Theo thông tin từ VnEconomy ngày 11.6.2011), Ngân hàng Nhà nước đã bơm ra khoảng 70.000 tỉ đồng qua kênh tái cấp vốn cho các ngân hàng. Với lãi suất tái cấp vốn đang được Ngân hàng Nhà nước duy trì ở mức 14%, thấp hơn đáng kể so với lãi suất thực tế các ngân hàng đang huy động trên thị trường (từ 16-18%/năm), rõ ràng những ngân hàng được tái cấp vốn đã được bù đắp lợi ích khi đầu tư vào trái phiếu chính phủ.
Diễn biến này cho thấy việc Ngân hàng Nhà nước thực hiện tái cấp vốn với số lượng lớn đang có vẻ như là một chính sách hỗ trợ cho sự thành công của Chính phủ trong việc phát hành trái phiếu. Nếu giả thiết này là đúng, việc các khoản tiền được chuyển từ Ngân hàng Nhà nước sang ngân hàng thương mại qua tái cấp vốn và sang Chính phủ qua mua trái phiếu chính phủ có thể sẽ khiến cho nỗ lực cắt giảm chi tiêu công bị suy giảm và lãi suất cho vay khó có thể hạ nhiệt trong thời gian tới. Bởi lẽ, khi các ngân hàng thương mại đầu tư vào trái phiếu chính phủ, lượng vốn huy động sẵn sàng cho khu vực doanh nghiệp vay cũng sẽ giảm.
(Nhịp cầu đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com