Theo lộ trình đã định, vốn pháp định của các ngân hàng thương mại (NHTM) phải đạt ít nhất 3.000 tỷ trong năm 2010. Từ năm 2007 đến nay nhiều NHTM đã và đang tăng vốn qua nhiều đợt liên tiếp. Thực tế cho thấy, các NHTM đang lớn lên như “Thánh Dóng” nếu xét về quy mô vốn. Điều này đặt ra vấn đề là trong những năm tới chúng ta cần làm gì để NHTM càng to lại càng mạnh ?
Sức ép tăng vốn
Nhớ lại mùa đại hội cổ đông đầu năm 2009 (tháng 3 và 4/2009), nhiều NHTMCP đã lên phương án tăng vốn lên 2.000 tỷ đồng, thậm chí 3.000 tỷ đồng trong năm 2009. Tuy nhiên, trong năm, điều đáng quan tâm là việc tăng vốn của các ngân hàng không dễ dàng như trước đây nữa.
Quan sát cho thấy, hầu hết các kế hoạch tìm và phát hành cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài để tăng vốn hiện đều khó triển khai, ngoại trừ trường hợp OCB. Mốc vốn 2.000 tỷ đồng theo những kế hoạch trên hiện cũng chưa thể hiện thực ở nhiều NHTM, dù một số trường hợp đã lên kế hoạch phát hành thêm, hoặc qua trái phiếu chuyển đổi. Như vậy nguồn vốn tiền tệ trong dân và từ các đối tác tiềm năng rõ ràng đã và đang ngày càng khan hiếm hơn bao giờ hết.
Bước vào năm 2010, quy định 3.000 tỷ đồng đã đến với các NHTM. Các chuyên gia cho rằng, hướng mục tiêu 3.000 tỷ đồng cần xác định được phương án và để đại hội cổ đông năm 2010 phê duyệt. Vì vậy khi NHTM bằng mọi giá xoay xở ở 1.000 tỷ đồng hay 2.000 tỷ đồng để lên 3.000 tỷ đồng sẽ lại làm cho sự căng thẳng chuyển tiếp sang năm 2010.
Hiện tại, tìm hiểu cho thấy, nhiều ngân hàng lớn đang sở hữu cổ phần nhiều ngân hàng khác. Đó là điều xã hội đang lo ngại về vấn đề ngân hàng và các tập đoàn kinh tế đang có thiên hướng đẻ ngân hàng hay chỉ đầu tư tài chính mà lãng quên đầu tư vào nền kinh tế. Điều này đang là vấn đề được nghiên cứu để đưa vào sửa đổi Luật các tổ chức tín dụng (TCTD). Theo Dự thảo Luật TCTD sửa đổi, các nhà lập chính sách đã có đề xuất các NHTM không được đầu tư vào ngân hàng khác. Điều này nếu thành luật, khó khăn sẽ lớn hơn khi nhiều NHTM đang có cổ đông lớn là NHTM khác và khi đó ngân hàng con sẽ không thể chờ đợi sự “mớm vốn” từ ngân hang mẹ trong năm 2010.
Các kỳ vọng và yêu cầu của cổ đông và xã hội đối với ngân hàng là một cấu thành của hệ thống quản trị hiện đại.Về vấn đề tăng vốn cho ngân hàng, hiện tại các cổ đông đã đặt kỳ vọng lên ban lãnh đạo ngân hàng rất nhiều về khả năng dụng vốn. Theo đề án tăng vốn, các NHTM đều xác định tập trung vốn đầu tư cho cơ sở vật chất, công nghệ và nhân lực; tăng cường tín dụng ngắn, trung và dài hạn; tăng cường đầu tư, liên doanh, góp vốn; phát triển dịch vụ và các hoạt động phi tín dụng; mở rộng quan hệ công chúng và thương hiệu... Một số giám đốc NHTM đã thấy rõ với mức vốn điều lệ tăng thêm trong thời gian qua và tới đây, sẽ đặt ra yêu cầu ngân hàng phải nâng cao công tác quản trị, điều hành và kiểm soát nội bộ. Nhiều tổng giám đốc đã thấy rõ đứng trước bài toán quy mô vốn lớn thì lại có thể dẫn đến hiệu suất sử dụng trên từng đồng vốn thấp và đó là áp lực lớn về hiệu quả hoạt động sau tăng vốn.
Tại các NHTM nhà nước và NHTM nhà nước mới cổ phần hoá, rõ ràng đây là các ngân hàng rất to. Tuy nhiên mức độ khác nhau giữa các ngân hàng này so với trước cổ phần hóa là chưa có nhiều. Diễn biến giá cổ phiếu của các NHTM nhà nước mới được cổ phấn hóa và niêm yết cho thấy rõ ràng các nhà đầu tư chưa đánh giá cao các ngân hàng này vì bằng chứng là giá cổ phiếu của các ngân hàng này không tăng mạnh. Để các NHTM nhà nước mới cổ phần hoá này vừa to vừa mạnh, được nhà đầu tư đánh giá cao, rõ rằng vấn đề quản trị tại các ngân hàng này cần được đổi mới và cải thiện theo hướng tăng cường sự giám sát và quyền lợi của các cổ đông nhỏ lẻ; cơ chế giám sát của Nhà nước (chủ sở hữu lớn) cũng đặc biệt cần được cải tiến vì SCIC trong thời gian qua tỏ ra còn quá nhỏ bé với các định chế tài chính rất to lớn, nắm giữ và thu hút hàng ngàn tỷ đồng từ công chúng (chứ không chỉ phần vốn của Nhà nước).
Tránh “bẫy bánh vẽ”
Vấn đề NHTM tăng vốn và đi kèm với quản trị, quản lý tốt là cần thiết và khi đó chắc chắn ngân hàng sẽ “càng to và càng mạnh”. Trong trường hợp quản trị yếu kém, việc ngân hàng nào đó phát triển theo mô hình “bánh vẽ”: tăng vốn bằng mọi giá để “vẽ” cho được một hình ảnh “đại gia ngân hàng”, đi kèm với một quy mô cồng kềnh, tập đoàn hùng mạnh, hệ thống chi nhánh chằng chịt ... sẽ là rủi ro cho xã hội. Thực tế cho thấy, cái “bẫy bánh vẽ” (too big to fail) trong khu vực ngân hàng có thể dẫn đến việc dân chúng gặp sai lầm nghiêm trọng và đổ quá nhiều vốn vào một tập đoàn tài chính (đang chứa đựng rủi ro lớn). Trong tiến trình cơ cấu lại ngân hàng, nhiều nước trên thế giới đang đưa ra định hướng hạn chế khuynh hướng cái gọi là “đại gia ngân hàng”.
Hướng tới sự bền vững
Trong điều kiện VN hiện nay, việc đẩy mạnh cải cách ngân hàng theo hướng tăng cường sự an toàn và lòng tin của công chúng vào hệ thống này là cần thiết, tuy nhiên, mục tiêu quan trọng là ngân hàng cần mạnh khoẻ hơn là quá to về quy mô. Các cổ đông và Nhà nước không nên ép các ngân hàng tăng vốn mà nên ép các ngân hàng này tăng cường quản trị, quản lý: như tăng cường chế độ công khai hoá báo cáo tài chính, tăng cường quyền của các cổ đông nhỏ lẻ, tăng cường quyền lợi của người gửi tiền,... Đặc biệt nguyên tắc cơ bản về quản trị trong ngân hàng cần được đảm bảo đó là không được lấy vốn nhiều để thay cho quản lý. Tại các NHTM nhà nước mới được cổ phần hoá, cần có cơ chế quản trị phù hợp trên nguyên tắc phân biệt định chế tài chính nhận tiền gửi là khác với một công ty đơn thuần khác. Khi các nguyên tắc đó được đảm bảo, trong thời gian tới, ngân hàng VN sẽ vừa to vừa mạnh.
(Theo Thạc sỹ Lê Văn Hinh // Diễn đàn doanh nghiệp)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com