TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, năm nay có thể hoạt động của ngành ngân hàng sẽ dễ dàng hơn năm 2009 và năm 2008, nhưng không hẳn đã hết khó khăn. Bởi qua theo dõi biến động của ROE, ROA thì 6 tháng đầu năm 2009, các chỉ số này tại nhiều ngân hàng phục hồi rất chậm và 6 tháng cuối năm qua, các ngân hàng lại gặp khó khăn về thanh khoản. Do đó, tình trạng tài chính của ngân hàng năm 2009 còn yếu, chưa cải thiện nhiều so với 1 năm trước đó và cũng khó tốt lên nhanh chóng trong năm nay.
Riêng đối với ngành ngân hàng, ông Nghĩa cho rằng, khó khăn nhất vẫn là nguồn vốn. Tuy nhiên, theo ông Nghĩa, điều đó cũng dễ hiểu, vì với một nền kinh tế bắt đầu phục hồi thì vốn liếng sẽ trở nên khan hiếm. Trước đây, những người có vốn khó đầu tư, kinh doanh do các kênh đầu tư sụt giảm nên gửi tiền vào ngân hàng để hưởng lãi suất, nhất là năm 2008 lãi suất tiền gửi tăng cao. Còn tình hình thị trường hiện nay đã thay đổi, khi các kênh đầu tư khác đã và đang dần hồi phục, nhiều người sẽ rút vốn ra để đầu tư thay vì gửi vào ngân hàng. Thị trường bất động sản sẽ ấm lên và khả năng phục hồi vào cuối năm nay; TTCK cũng sẽ phục hồi và thị trường trái phiếu hấp dẫn hơn. Vì vậy, tiền gửi vào ngân hàng sẽ ít đi, đó là chưa kể đối với việc khống chế trần lãi suất huy động. Đây cũng là khó khăn nhất của ngân hàng trong năm nay. Một khó khăn khác nữa đó là tín dụng thắt chặt, nên nguồn vốn cho vay bất động sản, chứng khoán - vốn mang lại lợi nhuận lớn, cũng bị hạn chế.
Tuy nhiên, theo ông Nghĩa, ngân hàng vẫn là lĩnh vực sáng giá được các nhà đầu tư nước ngoài ưu tiên trong nhóm ngành hàng được chọn lựa hiện nay gồm: ngân hàng; năng lượng, nhiên liệu; viễn thông; khoáng sản; bảo hiểm, tái bảo hiểm; bất động sản.
Theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành tài chính, khủng hoảng đã dần đi qua và cơ hội đang đến với ngành ngân hàng. Song nếu không nâng cao sức cạnh tranh và xây dựng được định hướng phát triển mang đậm nét riêng, thì hoạt động của mỗi ngân hàng khó có thể đạt hiệu quả cao. Bởi năm 2009, Việt Nam đã thực hiện cam kết mở cửa thị trường trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Hệ thống ngân hàng trong nước sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh lớn từ những ngân hàng nước ngoài trong năm nay và các năm tới, đòi hỏi khả năng quản trị của ngân hàng Việt Nam cao hơn, tăng tốc và hiệu quả hơn trước. Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng trong nước phải đảm bảo để sự cạnh tranh này không tạo nên tình trạng bất ổn trong hệ thống tài chính quốc gia.
Vì vậy, thách thức sẽ tiếp tục song hành đối với hoạt động của ngành ngân hàng trong năm tài chính 2010. Điều quan trọng đối với các nhà băng là phải biết nâng cao năng lực cạnh tranh. Các giải pháp cạnh tranh trong ngắn hạn được TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Trường đại học Ngân hàng TP. HCM đề xuất là ngân hàng phải tái cấu trúc liên tục, lâu dài và trên một bình diện rộng. Trong đó, hoạt động quản trị rủi ro, kết cấu dự trữ thanh khoản, tăng vốn tự có đúng lộ trình; trích lập dự phòng đủ, gia tăng hoạt động dự báo… phải được quan tâm đặt biệt. Đồng thời, trước bối cảnh thị trường này theo ông Dương, nên giảm đưa vốn vào lĩnh vực rủi ro cao.
Bên cạnh đó, các ngân hàng phải gia tăng đầu tư công nghệ, nhằm giải quyết áp lực giành thị phần. Mặt khác, nhà băng nên gia tăng hợp tác giữa ngân hàng với ngân hàng và ngân hàng với phi ngân hàng, với đối tác chiến lược, kênh phân phối… Đặc biệt là các ngân hàng phải tìm được nét riêng cho các sản phẩm đưa ra thị trường. Trong hoạt động tín dụng năm 2010, ông Dương cho rằng, các nhà băng phải thiết lập được chính sách tín dụng với các nội dung rõ ràng, đồng thời thực hiện nghiêm quy trình vay và nội dung thẩm định.
Còn theo ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc ACB, sau khủng hoảng chính là cơ hội để phát triển. Tuy nhiên, để đối phó với khó khăn và tận dụng cơ hội thì các hoạt động cần quản lý thật chặt, đồng thời phải dự báo và có kịch bản đối phó với khủng hoảng thật tốt và kịp thời. Và quan trọng hơn nữa là cần có tính nhất quán trong hệ thống khi quyết định một chiến lược; phải có một hệ thống thu nhận, phân tích, đánh giá các thông tin thị trường. Hệ thống bộ máy cần được tổ chức thật linh hoạt, không quá nhiều cấp lãnh đạo, để thông tin được truyền đạt tới đội ngũ vận hành một cách nhanh chóng và nhất quán. Ông Hải cho rằng, trong những thời điểm này, vai trò của người lãnh đạo có ý nghĩa lớn, phải quyết đoán, uyển chuyển trong việc đưa ra quyết định và đôi khi phải đưa ra các quyết định phi truyền thống.
(Đầu tư Chứng khoán điện tử)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com