Thống đốc Nguyễn Văn Bình: "Cam kết giảm tỷ lệ nợ xấu xuống 3% vào năm 2015". Ảnh:TL. |
Cách đây hơn 2 tháng, tại Thường vụ Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình cho biết đang trong quá trình xử lý 9 ngân hàng và thanh tra cả 9 tổ chức tín dụng này. Chiều ngày 30-10, tại hội trường Quốc hội, ông cung cấp thông tin hiện có 26 tổ chức tín dụng đã và đang được NHNN thanh tra trong năm nay và sẽ lần lượt công bố kết quả trước dư luận.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết nhiều thông tin khi giải trình tại hội trường Quốc hội trong phiên thảo luận tình hình- kinh tế xã hội năm 2012 khi có nhiều ý kiến đại biểu bày tỏ những lo ngại về nợ xấu và tình hình an toàn của các tổ chức tín dụng.
Theo ông, Chính phủ đã thông qua Đề án tái cơ cấu các ngân hàng, có lộ trình từ nay đến 2020 và có các bước đi cụ thể từng năm một. Việc sáp nhập và xử lý ngân hàng yếu kém chỉ là một nội dung trong đề án, nhằm lành mạnh hóa tình hình tài chính của các tổ chức tín dụng, khiến tình hình hệ thống ngân hàng sáng sủa hơn.
Về xử lý các ngân hàng yếu kém, Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo liên ngành do một Phó Thủ tướng làm trưởng ban. “Quá trình xử lý ngân hàng không chỉ riêng NHNN thực hiện mà công khai với sự tham gia của nhiều bộ ngành”, ông nói. Ông cũng cho biết tiêu chí đánh giá ngân hàng yếu hay khỏe đã có những quy định trong Luật các tổ chức tín dụng và văn bản liên quan.
Còn hành động cụ thể của NHNN là khi thanh tra ngân hàng thì thanh tra tại chỗ và mời kiểm toán độc lập nước ngoài vào kiểm toán. “Các tổ chức tín dụng bị xử lý là xứng đáng”, ông Bình nói.
Liên quan đến việc xử lý và công bố 26 tổ chức tín dụng trên, thống đốc cho rằng lý do một số ngân hàng đang tiến hành sáp nhập, tái cơ cấu nhưng NHNN không công bố vì tôn trọng quá trình tự xử lý của các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng có đối tác nước ngoài. Do vậy, chỉ đến khi có kết quả cuối cùng, NHNN mới thông tin rộng rãi.
Con số các ngân hàng bị thanh tra trong năm nay mà thống đốc công bố đã có thay đổi so với thông tin chính ông đưa ra tại phiên trả lời chất vấn Thườmg vụ Quốc hội hôm 21-8. Khi đó, ông nói là NHNN đã tiến hành thanh tra chín tổ chức tín dụng, đang trong quá trình xử lý cả chín.
Các tổ chức này khi báo cáo về tỷ lệ nợ xấu đều đưa ra con số không quá 2,5%, thậm chí đều báo cáo có lãi nhưng khi NHNN tiến hàng tranh tra trực tiếp, có những ngân hàng tỷ lệ nợ xấu lên đến trên 30%. Đặc biệt có những ngân hàng lên đến trên 60%, thậm chí mất hết cả vốn tự có lẫn vốn điều lệ.
Ở thời điểm quí-2011, tình hình thanh khoản của các ngân hàng , theo lời ông Bình là cực kỳ căng thẳng, nguy cơ đổ vỡ hàng loạt là hiện hữu. “Lúc đó chúng tôi liệt kê ra 12 tổ chức tín dụng trên bờ vực phá sản”, ông từng nói.
Về xử lý nợ xấu, thống đốc cho hay con số này không phải là cố định mà biến động theo thời gian. Tiêu chí đánh giá nợ xấu của Việt Nam và thế giới cũng khác nhau. Do vậy con số nợ xấu có thể khác nhau.Song con số mà NHNN đưa ra là có cơ sở nhất.
Ông nói, nợ xấu ngân hàng từ đầu năm đến nay tăng lên là phù hợp với diễn biến của nền kinh tế. Nay tình hình đã được cải thiện thì tốc độ tăng nợ xấu đã chậm lại. “Xử lý nợ xấu không phụ thuộc và ý chí của ngân hàng là đủ mà phải là ý chí đồng bộ của các bên liên quan”, ông nói.
Ông đưa ra con số nguyên tỷ lệ nợ đọng xây dựng cơ bản tính đến thời điểm này là hơn 90.000 tỉ đồng. Nếu xử lý được số nợ này thì tình hình sẽ giảm. Hoặc xử lý được hàng tồn kho cũng có hiệu quả vì hàng tồn kho chính là hàng thế chấp tại ngân hàng.
“Đề án tái cơ cấu ngân hàng của chúng tôi đưa mục tiêu đến 2015 nợ xấu sẽ xuống dưới 3% theo đúng thông lệ quốc tế”, ông cam kết.
(TBKTSG Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com