'Với quy mô nền kinh tế hiện nay, số lượng ngân hàng tại Việt Nam là nhiều. Cần phải xóa sổ, rút giấy phép hoạt động của các ngân hàng thương mại yếu kém, có nguy cơ đổ vỡ...'- TS Nguyễn Quang A.
Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng là một trong những nhiệm vụ cần thực hiện trong thời gian tới. Ảnh minh họa: Hồng Vĩnh. |
Các ngân hàng đang hoạt động ra sao và theo ông số lượng như hiện nay có quá nhiều?
Thị trường tài chính Việt Nam hiện phát triển ở một trình độ thấp. Do vậy, hệ thống ngân hàng chưa phát triển, chưa quá tinh vi, nên chưa bị các cú sụp đổ kinh hoàng như ở Mỹ và các nước tiên tiến. Có thể nói, trong cái rủi có cái may, chúng ta cần và phải học kinh nghiệm quản trị của hệ thống ngân hàng các nước tiên tiến.
Với quy mô nền kinh tế hiện nay, GDP khoảng 100 tỷ USD thì số lượng ngân hàng thương mại hiện nay là nhiều. Dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt. Sở dĩ nhiều Ngân hàng Thương mại (NHTM) như hiện nay là hậu quả của việc cấp giấy phép thành lập quá nhiều ngân hàng, cùng với đó là nâng cấp một loạt ngân hàng nông thôn lên thành thị.
Đến nhiệm kỳ vừa qua thì việc đã rồi. Do vậy, việc tái cấu trúc lại hệ thống ngân hàng, các quỹ đầu tư và công ty chứng khoán là vô cùng cấp thiết.
Rút giấy phép ngân hàng yếu kém
Vậy theo ông nên thực hiện tái cơ cấu thị trường tài chính, ngân hàng như thế nào?
Trước đây NHNN đã từng làm việc này, đã xử lý (giải thể, sáp nhập) một số ngân hàng. Nên việc này NHNN đã có nhiều kinh nghiệm xử lý. Cá nhân tôi cho rằng, cần phải xóa sổ, rút giấy phép hoạt động của các NHTM yếu kém, có nguy cơ đổ vỡ.
Tuy nhiên, quá trình làm cần thận trọng, từng bước, vì ngân hàng không phải là một doanh nghiệp bình thường, điểm đặc biệt của nó là ảnh hưởng lan tỏa rộng, sử dụng không chỉ vốn của mình mà chủ yếu là tiền gửi của người dân.
Ví dụ, một NHTM có vốn 1.000 tỷ đồng, thì có thể huy động thêm 9.000 tỷ nữa để tổng tài sản thành 10.000 tỷ. Như vậy là tổng tài sản bằng 10 lần vốn chủ sở hữu (có khi lên đến 20 lần). Trong trường hợp nợ xấu lên tới 10% tức là NHTM này mất sạch vốn. Nếu nợ quá hạn, nợ xấu vượt quá giới hạn hoặc có các rủi ro khác thì NHNN cần có chế độ giám sát đặc biệt.
Theo ông với quy mô nền kinh tế Việt Nam như hiện nay thì bao nhiêu ngân hàng là vừa?
Tuy số lượng NHTM so với quy mô nền kinh tế hiện nay là nhiều, nhưng nếu đặt ra chỉ tiêu phải sáp nhập từ 40 xuống còn 35 ngân hàng chẳng hạn, là hoàn toàn sai. Bởi vấn đề quan trọng là các ngân hàng đang hoạt động ra sao. Do vậy, vấn đề quan trọng nhất khi tái cơ cấu là phải đặt ra những tiêu chuẩn quản trị, nâng cao chất lượng hoạt động, đảm bảo để các NHTM phát triển bền vững.
Là người từng điều hành ngân hàng, ông đánh giá thế nào về hệ thống quản trị của các ngân hàng hiện nay?
Tôi thấy lạ là các doanh nghiệp cứ kêu ngân hàng gây khó dễ. Thực tế không phải như vậy. Bởi doanh nghiệp làm ăn thua lỗ thì phải chịu thua thiệt trước tiên chứ không phải là ngân hàng.
Khi ngân hàng xem xét kỹ uy tín, năng lực, tài sản thế chấp, tính khả thi của dự án với thủ tục khắt khe thì chỉ có tốt cho các doanh nghiệp đi vay và tốt cho toàn bộ nền kinh tế. Do vậy, các ngân hàng có vai trò rất quan trọng trong việc siết chặt kỷ luật tài chính, kỷ luật tài chính của các doanh nghiệp và của nền kinh tế nói chung.
Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến tháng 6-2011, tại Việt Nam có 5 NHTM nhà nước; 1 Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam; 37 NHTM cổ phần tư nhân; 48 Chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam; 5 ngân hàng liên doanh; 5 ngân hàng 100% vốn nước ngoài; 48 văn phòng đại diện ngân hàng nước ngoài; 17 Cty tài chính; 13 Cty cho thuê tài chính. |
Tuy nhiên, hiện nay chưa phải tất cả các ngân hàng đã ý thức và thấu hiểu được điều này. Nhiều ngân hàng còn chạy theo lợi nhuận trước mắt. Thấy mảng này đang “nóng” thì cho vay dễ dãi, kiếm lãi suất cao, không tính đến khả năng trả nợ như thế nào. Quản trị ngân hàng mà không chặt chẽ, không có cái nhìn dài hạn thì rất dễ mất vốn.
Cám ơn ông.
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com