Theo dự kiến, tháng 6 tới các ngân hàng sẽ tăng phí ATM ngoại mạng và bắt đầu thu phí nội mạng. Tuy nhiên, đề xuất này vẫn chưa nhận được sự đồng tình của khách hàng bởi còn rất nhiều điểm chưa hợp lý.
Lại là lý do bù lỗ
Đây không phải là lần đầu tiên các ngân hàng đề nghị việc tăng phí sử dụng thẻ ATM. Nếu tính thêm lần này thì đây là lần thứ 4 Hiệp hội Thẻ đề xuất việc tăng phí giao dịch qua ATM ngoại mạng và thu phí nội mạng. 3 lần trước đề xuất này đều chưa được Ngân hàng Nhà nước thông qua.
Vẫn như những lần trước, lần này lý do mà các ngân hàng đưa ra vẫn là tăng phí để bù lỗ. Theo bà Nguyễn Thu Hà, Chủ tịch Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam cho biết tại Hội nghị thường niên Hội thẻ vừa qua, các ngân hàng thành viên đều thống nhất kiến nghị tăng phí giao dịch ngoại mạng từ mức hiện tại là 3.300 đồng/lần giao dịch lên mức 5.500 đồng.
“Trên thực tế, trong 3.000 đồng tiến phí ngoại mạng hiện các ngân hàng đang thu của chủ thẻ thì có 1.500 đồng được chuyển cho các tổ chức chuyển mạch thẻ. Các ngân hàng thanh toán chỉ còn được 1.500 đồng/giao dịch. Trong khi đó mức chi phí bình quân mà ngân hàng thanh toán phải bỏ ra cho mỗi giao dịch tại ATM là trên 7.000 đồng”, bà Hà cho biết.
Các ngân hàng cũng đưa ra không ít những ly lẽ và phân tích về việc đưa ra quyết định tăng phí ngoại mạng và bắt đầu thu phí nội mạng. Trong khi nhiều người cho rằng việc tăng phí rút tiền có thể khiến số dư tiền gửi tại các tài khoản thẻ giảm xuống. Tuy nhiên Giám đốc trung tâm thẻ một ngân hàng tại Hà Nội cho biết các ngân hàng cũng không lãi lờ gì bởi tại mỗi máy ATM số dư thấp nhất mà ngân hàng thường xuyên phải duy trì là khoảng 300 đến 400 triệu đồng/máy. Ngân hàng nào có hệ thống ATM càng nhiều thì số tiền không sinh lãi càng lớn. Trong khi đó chưa tính đến các chi phí nhân sự, an ninh, bảo trì máy…
Buổi chiều ngày 25.5, liên hệ với lãnh đạo một ngân hàng về kế hoạch tăng phí sử dụng thẻ ATM, ông này cho biết, hiện các ngân hàng vẫn đang chờ sự thống nhất lại một lần nữa nên sẽ không tiết lộ gì trước khi có thông tin chính thức.
Chất lượng dịch vụ vẫn là một câu hỏi?
Sau khi có thông tin về việc tăng phí ATM, đã có nhiều ý kiến khác nhau của các chuyên gia, khách hàng về đề xuất này.
Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Tiến sĩ Cao Sĩ Kiêm cho rằng việc tăng phí ATM có thể khiến lượng người sử dụng tiền mặt tăng lên còn số dư tiền gửi tại các tài khoản thẻ lại giảm. Vì thế sẽ không khuyến khích được chi tiêu qua thẻ, trong khi đó, mục tiêu của Chính phủ là tăng cường chi tiêu qua thẻ. Hơn nữa, việc tốn phí rút tiền qua ATM có thể khiến người dân tới rút tiền tại các ngân hàng và dẫn đến tình trạng quá tải.
Đa số các khách hàng khi được hỏi về quyết định tăng phí đều cho rằng, hiện các dịch vụ thẻ của ngân hàng còn rất đơn điệu ở chuyển tiền, nạp tiền điện thoại, thanh toán vé máy bay, taxi. Một số lĩnh vực khác như du lịch, thanh toán và tiêu dùng cao cấp còn hạn chế. Do đó, việc tăng phí được các ngân hàng đưa ra chỉ thuyết phục khách hàng khi đi liền với tiêu chí nâng cao chất lượng dịch vụ.
Chị Phạm Thị Duyên, giáo viên một trường quốc tế tại Hà Nội cho rằng việc thu phí phải đi liền với việc cải tiến dịch vụ, cung cấp những tiện ích cho khách hàng. "Nếu dịch vụ vẫn chỉ dừng ở những dịch vụ đơn điệu, thỉnh thoảng máy ATM lại báo hết tiền hoặc hỏng hóc, khách phải chạy khắp thành phố hoặc xếp hàng để rút tiền, tình trạng kẹt thẻ, khiếu nại cũng không phải xa lạ gì thì hỏi làm sao khách hàng không phản đối việc thu phí?"
Anh Nguyễn Văn Minh, công nhân làm việc tại Khu Công nghiệp Bắc Thăng Long cũng cho rằng: "Nếu thu phí chỉ nên thu đối với những khách hàng rút lượng tiền như thế nào, chứ như chúng tôi lương cả tháng trời mới được gần 2 triệu, mỗi lần chỉ dám rút một ít để tiêu mà mỗi lần rút trừ mấy nghìn thì không hợp lý chút nào."
Thiết nghĩ, lý lẽ mà các ngân hàng cũng không hoàn toàn không đúng, bởi vì việc các ngân hàng đã phải đầu tư máy móc, công nghệ, nhân lực và đảm bảo lượng tiền để duy trì hoạt động... là có thật. Tuy nhiên, các ngân hàng cũng nên xem xét việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đồng thời đưa ra mức phí hợp lý, hài hòa được lợi ích của khách hàng.
Chị Hoàng Hồng Anh, nhân viên một công ty truyền thông cho rằng, việc các ngân hàng tăng phí cũng nên xin ý kiến của Ngân hàng Nhà nước và các chuyên gia và thăm dò ý kiến khách hàng. Đồng thời các ngân hàng cũng nên xem xét dựa trên các nhóm đối tượng khách hàng khác nhau, rút lượng tiền khác nhau. "Các ngân hàng không nên tự thỏa thuận với nhau và đưa ra một mức phí áp đặt, như thế đẩy khách hàng vào thế bị bắt chẹt", chị Hồng Anh cho hay.
(laodong)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com