Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, từ cuối tháng 4 đến nay, cơ quan này đã mua một tỷ USD với mức giá dao động từ 20.600 - 20.700 đồng. Theo phân tích của giới chuyên gia, đây là một mũi tên trúng... nhiều đích của cơ quan này.
Xu hướng mua USD còn được hé lộ là còn tiếp tục trong một vài tuần tiếp nữa.
Như vậy, thời điểm mua USD của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) diễn ra đúng vào thời điểm tỷ giá thấp nhất trong vòng ba tháng qua. Cụ thể, tuần trước, có ngày giá mua tại các ngân hàng thương mại xuống dưới 20.500 đồng một USD, còn giá bán chuyển khoản về sát 20.610 đồng.
Quyết định trên xuất phát từ nguồn cung ngoại tệ trên thị trường thuận lợi, được xem là một cơ hội để cải thiện trạng thái dự trữ ngoại hối vốn đã suy giảm nhanh trong những năm gần đây. Điểm xuất phát cho hoạt động mua USD ghi nhận ở ngày 29/4, khi Sở Giao dịch NHNN bất ngờ nâng mạnh giá mua vào USD từ 20.486 lên tới 20.700 đồng. Trước đó, giá USD giao dịch tại các ngân hàng đang trên đà sụt giảm nhanh chóng trong nhiều ngày, đặc biệt là giá bán. Mức thấp nhất trong thời điểm này là 20.590 đồng trong ngày 28/4. Và ngay khi có động thái trên của Sở Giao dịch NHNN, ngày 29/4, giá bán USD của các ngân hàng thương mại lập tức bật trở lại và đạt 20.700 đồng, đúng mức giá mua vào của Sở.
Theo giới phân tích, động thái của NHNN đã được “nhắm” kỹ để hướng đến nhiều mục tiêu. Thứ nhất, trong thời điểm lãi suất tiền VND gửi cao xuất phát từ tình trạng căng thẳng tiền đồng của các tổ chức tín dụng vẫn chưa hề thuyên giảm, nếu không muốn nói là trầm trọng hơn. Vì thế, cách tốt nhất để trung hòa lượng tiền đồng đưa ra để mua ngoại tệ nhằm chống lạm phát hiện nay chính là phát hành tín phiếu bắt buộc của NHNN với lãi suất 18 - 20% một năm.
Tín phiếu lãi suất cao mới hút được tiền của các ngân hàng, đồng thời giúp các ngân hàng không bị ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh. Số lượng phát hành tín phiếu bắt buộc có thể là 20.000 tỉ đồng, tương đương với một tỷ USD NHNN đã mua.
Việc mua USD vì thế được coi là giải pháp hữu hiệu để hỗ trợ thanh khoản VND trước mắt cho hệ thống ngân hàng, do các ngân hàng thương mại đã phải bỏ ra một khoản lớn để mua lại USD từ doanh nghiệp và dân cư.
Ngoài ra, việc làm này nhằm tranh thủ thời cơ tăng dự trữ ngoại hối. Sau các chính sách không khuyến khích người dân sở hữu USD như áp trần lãi suất tiền gửi USD ở mức 3% (1% đối với các tổ chức) và hạn chế tính thanh khoản của USD trên thị trường tự do bằng các biện pháp hành chính..., hiện nay cung USD đã tăng và tỷ giá USD/VND đã giảm từ mức gần 21.000 đồng xuống quanh mức 20.500 đồng một USD. Và trong bối cảnh này, việc mua lại USD tăng khoản dự trữ ngoại hối được coi là nhiệm vụ trước mắt.
Mặt khác, để lượng USD dư thừa trong nền kinh tế (cả trong hệ thống ngân hàng và người dân) cộng với VND lên giá tương đối và lạm phát cao sẽ có thể đẩy USD chảy ngược ra nước ngoài và khuyến khích nhập khẩu, đặc biệt là các loại mặt hàng hóa lâu xa xỉ.
Một mục đích nữa của NHNN là muốn chặn đà lao dốc rất mạnh của tỷ giá trước đó, hay sự lên giá rất nhanh của VND so với USD, gây bất lợi cho xuất khẩu và góp phần làm căng thẳng hơn vấn đề nhập siêu. Ngày 29/4, khi tín hiệu mua USD từ NHNN phát đi, đà giảm này đã được chặn lại.
(Báo Đất Việt)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com