Khống chế tăng trưởng tín dụng dưới 20% đang khiến nhiều ngân hàng phải “quay quắt” với câu hỏi, làm sao vừa có lãi mà vẫn không để vượt quá con số này. Mở rộng phạm vi hoạt động thông qua các công ty con là một trong những biện pháp khắc phục khó khăn đang được rất nhiều ngân hàng tập trung triển khai .
Không phải ngẫu nhiên khi trong nhiều Đại hội đồng cổ đông của các ngân hàng TMCP diễn ra trong thời điểm này, Hội đồng quản trị đều nêu ra, trước sức ép về thắt tăng trưởng tín dụng, giảm lãi suất… cần phải mở rộng phạm vi kinh doanh bằng việc thành lập các công ty con trực thuộc.
Giải pháp để mở rộng tăng lợi nhuận trong kinh doanh là việc phát huy tối đã hiệu quả hoạt động của các công ty con, đa dạng hoá ngành nghề bằng việc tiếp tục thành lập các công ty con trực thuộc.
Dù năm vừa qua Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) vượt mức 101% kế hoạch đề ra, nhưng theo lãnh đạo Sacombank, trong 2011 những khó khăn mới từ chính sách thắt chặt tiền tệ khiến Sacombannk vẫn xác định chủ trương thành lập công ty Tài chính dưới hình thức Công ty NHNN một thành viên trực thuộc Sacombank. Đó là chủ trương mở rộng hoạt động kinh doanh của một trong rất nhiều các ngân hàng lớn. Chạy đua với mô hình này, các ngân hàng nhỏ cũng bắt đầu tăng tốc.
Mới đây, Đại hội cổ đông của Ngân hàng TMCP Việt Á (VietA Bank) đã thống nhất chủ trương sẽ thành lập các công ty con trực thuộc như công ty đầu tư, công ty tài chính, công ty kinh doanh và dịch vụ bất động sản, công ty dịch vụ tin học ngân hàng, công ty cung ứng các dịch vụ ngân hàng, công ty kiều hối…để hỗ trợ và mở rộng kinh doanh của ngân hàng.
Không những vậy, để tăng lợi nhuận VietA Bank cũng phải “thắt lưng buộc bụng” bằng giảm chi phí và tiếp kiệm chi phí tối đa. Mức tăng chi phí chỉ được tăng trưởng dưới mức tăng tổng lợi nhuận.Chi phí quản lý không vượt quá 40% trên tổng thu nhập thuần.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) - một ngân hàng chủ yếu có lượng khách hàng là các tư thương, nhà đầu tư nhỏ,…cũng quyết định thành lập công ty con để thực hiện các hoạt động kinh doanh trong năm nay khi SCB có nhu cầu mở rộng lĩnh vực hoạt động.
Giải pháp trên của các ngân hàng không có gì đáng nói nếu như không có sự cảnh báo của một số chuyên gia kinh tế trong bối cảnh khó khăn như hiện nay.
Theo một số chuyên gia lĩnh vực ngân hàng, các ngân hàng có thể “lách” bằng nhiều cách thông qua các công ty con. Thực tế hiện nay các công ty đầu tư tài chính trực thuộc các NHTM cũng tham gia cả vào lĩnh vực nghiệp vụ ngân hàng như nhận tiền gửi, cho vay, nhận vốn uỷ thác của các tổ chức , cá nhân, tham gia vào các dịch vụ cung ứng ngoại hối…
Trong cuộc hội nghị “Toàn cảnh thị trường bất động sản - tài chính 2011” được tổ chức hôm qua (9/4), ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) nhận định, yếu tố kinh tế vĩ mô trong năm nay có tác động khá mạnh tới hoạt động của các ngân hàng thương mại. Trong đó dự nợ tín dụng phải dưới 20%, kèm theo hạn chế cho vay chứng khoán, bất động sản.
Trong khi NHNN khống chế tín dụng lĩnh vực “nóng” thì thực tế, các NHTM lại đang đẩy mạnh hoạt động của các công ty con thuộc lĩnh vực này và thậm chí vẫn quyết định thành lập thêm trong năm nay.
Ông Trương Đình Tuyển nhận xét thêm, chính sách khống chế trần lãi suất huy động không quá 14% tỏ ra không mấy hiệu quả. Bởi, nhiều NH đã huy động ở mức 17-18%/năm. Và một trong những hình thức “lách” là việc các NHTM thông qua các công ty con trực thuộc để thực hiện việc thoả thuận huy động vốn mức cao. Chính vì những biến tướng khó lường này mà mới đây NHNN đã quyết định sẽ đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra. Trong 6 tháng cuối năm, NHNN sẽ tập trung thanh tra chất lượng tín dụng và việc thực hiện các tỉ lệ bảo đảm an toàn hoạt động kinh doanh của các ngân hàng.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức thanh tra hoạt động của các công ty mua - bán nợ trực thuộc ngân hàng và phối hợp với Bộ Tài chính thanh tra hoạt động của các công ty chứng khoán trực thuộc ngân hàng.
Theo ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN, mặc dù chức năng hoạt động của các công ty con trực thuộc các NHTM đã được quy định khá rõ, nhưng thực tế không tránh khỏi những lắt léo trong hoạt động kinh doanh của các công ty này. Do vậy, việc thanh kiểm tra là cần thiết, nhưng cũng cần nâng cao hiệu quả thanh tra. Cương quyết phát hiện và xử lý kịp thời các biến tướng cũng như những nguy cơ rủi ro trong tín dụng.
(VnMedia)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com