Bất chấp những khó khăn của tình hình kinh tế nói chung, các doanh nghiệp bảo hiểm khối nhân thọ vẫn có hoạt động kinh doanh tăng trưởng khả quan trong những tháng đầu năm 2011.
Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ 2 tháng đầu năm 2011 đạt khoảng 1.949 tỷ đồng, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2010 (trong đó, tổng doanh thu phí của các sản phẩm bảo hiểm chính đạt 1.851 tỷ đồng, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2010).
Thị phần tổng doanh thu phí bảo hiểm các hợp đồng có hiệu lực của các doanh nghiệp bảo hiểm khối này về cơ bản không khác biệt nhiều so với năm 2010. Prudential Việt Nam vẫn đứng đầu với hơn 40% thị phần; tiếp theo là Bảo Việt Nhân thọ hơn 37%; Manulife hơn 13%...
Tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới 2 tháng đầu năm 2011 đạt 482,7 tỷ đồng, tăng 28,8% so với cùng kỳ năm trước. Thị phần doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới với nhóm dẫn đầu thị trường tiếp tục là Prudential với thị phần đạt 28,7%; tiếp đến là Bảo Việt nhân thọ 27,2%; Manulife 12,8%; AIA Việt Nam 9,2%; Dai-ichi Life Việt nam 8,6% và ACE Life 7,1%... Tuy nhiên, nhóm doanh nghiệp đứng sau đã có sự thay đổi lớn về vị trí với sự vươn lên của các doanh nghiệp bảo hiểm mới như Cathay Life đạt 3,3% thị phần phí bảo hiểm khai thác mới, Korea Life đạt 2,2%...
Theo đánh giá của Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, trong năm 2010 Dai-ichi Life Việt Nam, ACE Life và Korea Life là những doanh nghiệp có chất lượng hợp đồng khai thác tốt nhất thị trường với phí bình quân cao hơn hẳn so với mức bình quân của thị trường (phí bình quân trên một hợp đồng của 3 doanh nghiệp trên tương ứng 7,34 triệu đồng/hợp đồng; 7,17 triệu đồng/hợp đồng và 6,96 triệu đồng/hợp đồng), trong khi phí bình quân hợp đồng khai thác mới toàn thị trường đạt 4,9 triệu đồng.
Không lo ngại trước tình cảnh "trâu chậm uống nước đục", các công ty bảo hiểm mới vào thị trường có sự hậu thuẫn tốt từ tiềm lực kinh tế và kinh nghiệm khai thác thị trường của tập đoàn mẹ ở nước ngoài tỏ ra khá tự tin vào kế hoạch phát triển của mình tại thị trường Việt Nam. Sự vươn lên mạnh mẽ của các doanh nghiệp mới tất nhiên sẽ khiến các doanh nghiệp bảo hiểm cũ ít nhiều lo ngại và các doanh nghiệp này chắc chắn phải có những kế hoạch "làm mới mình" trước thị trường.
Theo ông Lee Huei-Yuan, Chủ tịch Công ty Bảo hiểm nhân thọ Fubon Việt Nam, tiềm năng phát triển của một thị trường mới nổi như Việt Nam là rất lớn. Bước đầu tiên khi vào thị trường này là Công ty sẽ tập trung vào các sản phẩm bảo hiểm có hoàn vốn, loại hình tích lũy và quỹ giáo dục tích lũy. Đồng thời, Fubon Việt Nam cũng căn cứ vào đặc tính và nhu cầu của thị trường để đưa ra những sản phẩm bảo hiểm thiết thực, bằng những chiến lược tiếp thị linh hoạt dựa trên nguyên tắc kinh doanh ổn định, từng bước thăm dò thị trường Việt Nam.
Về tình hình phát triển thị trường bảo hiểm năm 2011, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm nhận định, tiềm năng của thị trường bảo hiểm hiện còn khá lớn vì Việt Nam là nước đông dân thứ 13 trên thế giới và có cơ cấu dân số trẻ (số người ở độ tuổi dưới 35 chiếm 65 -68%). Tốc độ tăng trưởng GDP trung bình của Việt Nam trong những năm gần đây khoảng 6,5%. Những đặc điểm này cho thấy thị trường bảo hiểm Việt Nam không chỉ có bảo hiểm nhân thọ mà cả phi nhân thọ đều còn nhiều tiềm năng để phát triển. Chính vì thế, trong chiến lược đến năm 2020, Bộ Tài chính dự kiến tiếp tục "mở cửa" thị trường bảo hiểm nhân thọ cho khoảng 9 công ty bảo hiểm nữa.
Tiềm năng thị trường vẫn còn rất nhiều, nhưng tất nhiên không phải không có những thách thức. Vấn đề lớn nhất mà các doanh nghiệp bảo hiểm phải giải quyết là làm cách nào đó kịch thích nhu cầu tham gia bảo hiểm của người dân. Bởi trên thực tế, tỷ lệ 5% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ đã dậm chân ở con số này nhiều năm nay.
(Đầu tư chứng khoán điện tử)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com