Thẻ ATM giờ đây quá phổ biến. Nhiều người có 2-3 cái, thậm chí cả chục cái của đủ loại ngân hàng, trong đó hầu hết là được "cho không" hoặc bị "ép buộc" phải nhận. Sự trùng lặp về tiện ích giữa thẻ ATM của các ngân hàng đang ngày càng dày lên và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Tăng trưởng nhanh, nhiều hình thức "dụ dỗ"
Theo Hiệp hội Thẻ Việt Nam, đến cuối năm 2011, thị trường Việt Nam đã có hơn 40 triệu thẻ ATM với mức tăng trưởng hàng năm là 2 con số, xu hướng này sẽ tiếp tục trong năm 2012. Hệ thống ATM từ gần 3.000 máy năm 2006, tính đến ngày 30/6/2011 đã có tới 13.000 máy, tăng hơn 4 lần. Mạng lưới điểm chấp nhận thẻ POS tại các siêu thị, nhà hàng, trung tâm thương mại… tăng từ 11.000 máy năm 2006 lên tới 63.500 và dự kiến sẽ còn tăng mạnh hơn nữa trong giai đoạn tới, khi Ngân hàng Nhà nước chính thức ban hành chính sách mở rộng mạng lưới POS.
Doanh số thẻ ATM đã lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng/năm. Đơn cử như Vietcombank, một trong ba ngân hàng hàng đầu chiếm thị phần ATM lớn nhất, chỉ tính riêng Chi nhánh Vietcombank TP.HCM, chi tiêu (không kể rút tiền) qua thẻ ATM một tháng đã đạt trên dưới 30 tỉ đồng qua các kênh thanh toán: trực tiếp, mạng và đặc biệt thông qua POS… Còn ngân hàng ACB, thu nhập thuần từ việc kinh doanh thẻ năm 2011 đã tăng gấp 1,5 lần và doanh số phát triển thẻ cao gấp 3 lần so với năm trước đó.
Quyết tâm tăng trưởng lượng thẻ phát hành và doanh số từ kinh doanh thẻ, các ngân hàng thương mại liên tục đưa ra các chương trình khuyến mãi trúng thưởng, tích điểm, khuyến khích việc mở thẻ và sử dụng thẻ thanh toán ở các POS hoặc trên các website điện tử. Các ngân hàng cũng hướng tới mục tiêu gia tăng các tiện ích thẻ nhằm mục đích khuyến khích chủ thẻ thanh toán bằng thẻ thay vì tiền mặt. Thị trường đầy tiềm năng nên lĩnh vực thẻ ATM là "đấu trường" của các giám đốc marketing, buộc họ phải nghĩ ra nhiều chiêu để giành thị phần.
Chẳng hạn, Ngân hàng Phương Đông (OCB) bắt tay với Trường Đại học Kinh tế TP.HCM phát hành thẻ liên kết sinh viên, tích hợp đầy đủ các tính năng của thẻ đa năng, đồng thời ứng dụng công nghệ thẻ từ vào quản lý sinh viên như: quản lý ra vào thư viện, ra vào phòng máy vi tính… Với thẻ này, sinh viên có thể rút tiền mặt, chuyển tiền, nộp tiền học phí qua hệ thống ATM của Phương Đông.
Các ngân hàng thương mại trong nước chủ yếu dựa vào nguồn thu từ lãi 70-80% đến từ tín dụng. |
Ngân hàng Đông Á mở chương trình khuyến mãi "Mở thẻ lấy ngay" khắp các siêu thị, hội chợ. Khách nhận thẻ sau 2-3 giờ làm thủ tục, được miễn phí thường niên một năm mà chỉ cần gửi số tiền ban đầu vào thẻ ở mức tối thiểu 10.000 đồng. Vietcombank ngoài việc giữ một số lượng lớn thẻ của các đơn vị thông qua dịch vụ trả lương, còn một loại thẻ đưa logo của kênh ca nhạc MTV vào thẻ, được giới trẻ đón nhận như thể hiện một phong cách mới. Thẻ của Techcombank lại khuyến khích bằng cách liên kết với các đối tác thương mại khác như: trung tâm mua bán, siêu thị, với hãng Pacific Airline giảm giá mua hàng, giá vé máy bay. Thẻ của ACB được phát hành rộng rãi ở các khu vực người nước ngoài tập trung đông, thiên về thanh toán hơn là rút tiền…
Hưởng lợi lớn, nhiều "lệ và phí"
Trung bình, để mua một máy ATM tốn khoảng 600 triệu đồng. Sau đó ngân hàng còn tốn hàng chục triệu đồng/tháng cho chi phí địa điểm, bảo trì, bảo vệ, nhưng đổi lại các ngân hàng nhận được khá nhiều lợi ích. Đó là mở rộng thị phần, phát triển thương hiệu và thu được nguồn lợi rất ổn định.
Các ngân hàng thương mại trong nước chủ yếu dựa vào nguồn thu từ lãi 70-80% đến từ tín dụng. Nhưng thời gian qua, những khó khăn kinh tế, chính sách tiền tệ thắt chặt đã ảnh hưởng rất lớn đến nguồn thu này của nhiều ngân hàng. Trong khi đó, để một ngân hàng phát triển bền vững phải có sự cân bằng giữa thu từ lãi và thu ngoài lãi (phí dịch vụ). Thẻ ATM đáp ứng điều kiện tăng thu dịch vụ khá nhanh, vừa được đánh giá là lĩnh vực trọng tâm trong phát triển kinh doanh bán lẻ. Vì hiện nay, thẻ không chỉ đơn thuần là rút tiền mặt mà đã trở thành đa mục đích, giúp người sử dụng có thể tiếp cận được nhiều dịch vụ khác như: thanh toán hàng hóa, rút tiền mặt, chuyển khoản, thanh toán hóa đơn, mua sắm hàng hóa trực tuyến…
Ðến cuối 2011, thị trường Việt Nam có hơn 40 triệu thẻ ATM, tăng trưởng 2 con số và sẽ tiếp tục xu hướng này trong năm 2012. |
Và cứ mỗi dịch vụ, ngân hàng lại hưởng một vài ngàn đến năm mười ngàn đồng. Tuy nhỏ nhưng tích tiểu thành đại. Mặt khác, một khi ngân hàng thu được phí là họ gần như hưởng trọn số tiền đó, không rủi ro như cho vay. Ngoài ra, với quy định bắt buộc để lại 50.000 -100.000 đồng và những khoản tiền khách hàng chưa đụng đến trong tài khoản, ngân hàng đã có một lượng tiền gửi không kỳ hạn với giá vốn rất rẻ (hiện không đầy 2%/năm), mà chỉ cần mang ra thị trường liên ngân hàng cho vay qua đêm với lãi suất 5,69%/năm như hiện nay đã có lãi lớn.
Ngân hàng đang "đẻ" đủ loại phí khác để thu lại sau một thời gian đầu tư. Có thể liệt kê các khoản phí các ngân hàng thu phổ biến như: phí phát hành thẻ lần đầu từ 50.000 - 90.000 đồng; phí phát hành lại thẻ từ 25.000 - 66.000 đồng; phí cấp lại mật mã từ 10.000 - 33.000 đồng; phí thường niên (phí quản lý tài khoản thẻ) từ 39.600 - 132.000 đồng; phí tra soát nếu không đúng từ 10.000 - 110.000 đồng; phí chuyển khoản từ 1.650 đồng đến 0,05% số tiền được chuyển; phí rút tiền khác hệ thống 3.300 đồng; phí truy vấn số dư hoặc in sao kê từ 550 - 1.650 đồng; trả thẻ bị giữ tại máy ATM từ 5.000 - 20.000 đồng...
Cá biệt có ngân hàng còn thu 10.000 đồng phí báo mất thẻ hay thẻ bị đánh cắp. Chẳng hạn, với hơn 6 triệu khách hàng thẻ hiện nay của Vietcombank, chỉ cần thu phí quản lý thẻ 3.300 đồng/tháng thì đã có gần 20 tỷ đồng/tháng. Hoặc Ngân hàng Đông Á đã đạt 5,1 triệu thẻ thì việc thu phí các giao dịch internet banking cũng giúp ngân hàng này có nguồn thu dịch vụ đáng kể.
(Theo Minh Phương // Doanh nhân)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com