Ông Phạm Thiện Long, Phó tổng giám đốc HDBank. |
Ngân hàng thừa vốn, doanh nghiệp sản xuất thiếu vốn, lãi suất thì ngày càng giảm, thế nhưng, giữa ngân hàng và doanh nghiệp vẫn chưa gặp được nhau…
“Mối duyên chưa tới” trên sẽ ra sao khi Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện giảm lãi suất huy động thêm 2%/năm, có hiệu lực từ hôm 11/6, và được coi là một trong những “phương thuốc cứu cánh” cho doanh nghiệp?
Về vấn đề này, ông Phạm Thiện Long, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Phát triển Tp.HCM (HDBank) cho rằng, đây là xu hướng hỗ trợ cho doanh nghiệp để giảm chi phí. Doanh nghiệp nào đang có dư nợ cao sẽ có cơ hội giảm được chi phí đầu vào và là cơ sở để giảm bớt giá bán, tăng tiêu thụ sản phẩm.
Nhiều doanh nghiệp vẫn kêu khó tiếp cận nguồn vốn để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh do lãi suất vẫn còn cao, và liệu đây có chính là “điểm nghẽn” giữa ngân hàng với doanh nghiệp hiện nay, thưa ông?
Tôi cho rằng, lãi suất không phải là yếu tố quyết định để giữa doanh nghiệp với ngân hàng không có sự lưu thông với nhau, hoặc doanh nghiệp không có vốn để phát triển hoạt động kinh doanh, vì tỷ trọng phụ thuộc vào vay ngân hàng chiếm không nhiều trên tổng số vốn của doanh nghiệp.
Hiện tại các ngân hàng sẵn sàng chấp nhận lợi nhuận ít hoặc không nhiều, chỉ cần 1% hoặc 2%, nếu khách hàng doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn này có hoạt động kinh doanh, khả năng tài chính tốt, đủ đảm bảo cho ngân hàng thu hồi được vốn.
Tuy vậy, hiện nhiều doanh nghiệp không đáp ứng được điều kiện đó. Bản thân doanh nghiệp không làm gì để kiếm được tiền, không thu hồi được vốn bỏ ra, cho nên lãi suất giảm chỉ giúp cho một số doanh nghiệp. Và đây chính là điểm ách tắc.
Ông có thể nói cụ thể hơn về điểm ách tắc này?
Ngân hàng cũng khó, doanh nghiệp cũng khó. Bản chất của vấn đề là hoạt động của doanh nghiệp không hiệu quả vì không phải họ không có nguồn tài chính đảm bảo, hay thiếu tiền không trả được lương… mà họ không bán hàng được, không có người mua, hoặc giảm giá rồi nhưng chưa đủ.
Tôi ví dụ như bất động sản của Công ty Hoàng Anh Gia Lai đã giảm tới 50% nhưng chưa chắc đã bán được. Nên doanh nghiệp không bán được hàng thì hoạt động không hiệu quả.
Ngân hàng chỉ là người đứng trung gian nhận tiền của người gửi và cho vay để lấy lãi, nhưng giờ doanh nghiệp không tự tin kinh doanh có hiệu quả thì ngân hàng làm sao bỏ tiền cho doanh nghiệp vay được.
Đó là lý do dẫn đến vòng luẩn quẩn hai bên không gặp nhau được.
Vậy theo ông cần có những giải pháp như thế nào để hai bên gặp nhau?
Nói ra thì hơi tiêu cực nhưng nếu doanh nghiệp nào yếu mà thấy “sống không được thì thôi chết sớm cho khỏe”. Còn nếu tôi là doanh nghiệp, tôi tự tin làm ăn có hiệu quả, tôi sẵn sàng đem tất cả nhà cửa thế chấp để vay lấy vốn làm ăn, lúc đó ngân hàng thấy tôi có ý chí, tự tin làm ăn thì sẽ hợp tác để phát triển.
Còn doanh nghiệp không tự tin với chính hoạt động kinh doanh của mình, nếu ngân hàng cho vay thì còn kéo cả ngân hàng vào cuộc và cuối cùng cả doanh nghiệp và ngân hàng sẽ chết chung.
Để giải quyết được vấn đề trên thì phải kích cầu, tăng tiêu dùng, sản phẩm đó bán cho ai và có nhu cầu như thế nào. Bán được mới sản xuất được. Tôi thấy ai cũng xem tỷ trọng hàng tồn kho cao nhưng có ai dám nhìn thẳng sự thật là bao nhiều phần trăm trong hàng tồn kho đó là giảm giá, bao nhiêu là không bán được, mà ở nước ngoài như thế người ta bỏ, nhưng ta vẫn “treo” để đấy.
Trong khi doanh nghiệp đâu có nhiều tài sản đi thế chấp, chỉ có thế chấp hàng tồn kho, khoản phải thu, mà khoản phải thu là doanh nghiệp bán hàng và người mua chịu, và doanh nghiệp có muốn bán hàng tiếp cho người mua chịu nữa không.
Ngân hàng cũng vậy. Khi cho vay, ngân hàng sẽ nhìn vào sự thật là người ta (doanh nghiệp - PV) nợ mình bao nhiêu, bao nhiêu phần trăm mình sẽ thu hồi được.
Đứng từ phía ngân hàng, việc thực hiện kích cầu cần thiết hiện nay là như thế nào?
Ngay ở HDBank, chúng tôi có những chính sách cho cá nhân vay mua bất động sản, vay tiêu dùng, như cho vay mua nhà lãi suất có 13%, kể cả 12%, và bây giờ lãi suất giảm xuống 9% và chúng tôi sẵn sàng nếu cần thiết giảm xuống 11%/năm. HDBank chấp nhận trong năm đầu không có lãi để cho những đối tượng như công nhân viên chức vay để mua nhà, để kích cầu.
Nhưng kích cầu người dân chỉ như góp gió thành bão thôi. Giờ muốn kích cầu và muốn tăng trưởng tín dụng thì, việc tất cả các tập đoàn, tổng công ty nhà nước chiếm tỷ lệ dư nợ tín dụng rất cao, chỉ cần kích cầu thành phần này là tín dụng được đẩy lên.
Cùng với đó là kích đầu tư công sẽ tiêu thụ rất nhiều những mặt hàng như sắt thép, xi măng…
Vậy ở HDBank, 5 tháng đầu năm, mức tín dụng của ngân hàng ông tăng trưởng được bao nhiêu?
Con số đến ngày hiện tại tôi chưa có nhưng 5 tháng đầu năm, HDBank tăng trưởng được 6 - 7%, vì chúng tôi bị khống chế tỷ lệ tăng trưởng tín dụng là 10%. Tới 30/6 này, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét cơ cấu lại tỷ lệ tín dụng sẽ có những ngân hàng tăng được tín dụng hơn nữa, có ngân hàng không tăng được, để điều chính, và lúc đó, tôi hy vọng tỷ lệ tăng mức tín dụng của HDBank sẽ nhiều hơn.
Về khả năng mở rộng đối tượng được áp trần lãi suất cho vay, theo ông nếu được như vậy sẽ tăng thêm cơ hội gặp nhau giữa hai bên?
Tôi nói lại, lãi suất không phải là yếu tố quyết định tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Đa số ngân hàng thương mại, kể cả như HDBank bây giờ cũng tự mở rộng, dù ông chứng khoán, bất động sản làm ăn tốt có hiệu quả thì chúng tôi cũng cho vay, vì ngân hàng bây giờ đang thừa tiền.
Hiện các ngân hàng có tỷ lệ dư nợ/số huy động chiếm khoảng 50%, nhiều hơn là 60%, vậy còn 30% nữa để không làm gì, nếu gửi liên ngân hàng thì chỉ có 5-6% còn lỗ hơn so với thị trường một.
Nếu có được những khách hàng tốt, kể cả những lĩnh vực không khuyến khích mà ngân hàng chưa vượt room thì ngân hàng cũng cho vay. Chúng tôi cũng kinh doanh mà.
(Theo Vneconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com