TTCK năm qua đầy biến động, xoay quanh những bước thăng trầm của nền kinh tế trong nước cũng như thế giới. Chúng ta có thể phân ra 4 giai đoạn lớn của TTCK VN trong năm 2009:
Thứ nhất, suy thoái và tạo đáy (từ tháng 1-2)Nền kinh tế trong nước bị ảnh hưởng nặng bởi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, thể hiện rõ nhất ở tiêu dùng suy giảm, sản xuất đình đốn, kim ngạch xuất khẩu bị thu hẹp, vốn đầu tư nước ngoài giảm sút nghiêm trọng... Những yếu tố bất lợi đó đã làm mức tăng trưởng GDP của VN trong qúy I/2009 đã giảm đáng kế, chỉ còn 3,1%.
TTCK vì thế đã tiếp tục đổ dốc theo xu thế giảm dài hạn của năm trước và tạo đáy 235 điểm vào cuối tháng 2/2009.
Thứ hai, tăng trưởng đợt 1 (từ tháng 3-7)Bước sang tháng 3, Chính phủ VN bắt đầu thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế, chính sách tài khoá mở rộng và chính sách tiền tệ nới lỏng thông qua gói kích cầu, đặc biệt là hỗ trợ lãi suất 4%, cũng như chính sách giảm, giãn thuế đối với DN. Vì vậy, nền kinh tế đã có một số dấu hiệu phục hồi và chính thức thoát đáy từ quý 2/2009 với tốc độ tăng trưởng GDP đạt 3,9%. Dấu hiệu tích cực này đã phản ánh nhanh chóng vào TTCK, trong tháng 3-4 thị trường đã dần dần phục hồi, sau đó đã tăng tốc mạnh từ tháng 5 và chính thức xác lập đỉnh thứ nhất 525 điểm vào khoảng giữa tháng 6. Sau giai đoạn tăng trưởng nóng, thị trường điều chỉnh giảm cho đến gần hết tháng 7.
Thứ ba, tăng trưởng đợt 2 (từ tháng 8-10)Các trung tâm kinh tế lớn của thế giới cũng lần lượt khẳng định sự phục hồi, đặc biệt một số quốc gia tại Châu Á và Trung Quốc đã đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao đã giúp TTCK thế giới thực sự khởi sắc và lấy lại được những đỉnh cao trước thời điểm suy thoái.
Trong nước, các DN mặc dù có tốc độ tăng trưởng doanh thu không cao, nhưng nhờ tận dụng được cơ hội chí phí vốn thấp, nguyên liệu đầu vào rẻ cũng như những chính sách hỗ trợ về thuế nên đạt tốc độ tăng trưởng lợi nhuận rất lớn, cao hơn so với tốc độ tăng trưởng doanh thu. Tăng trưởng GDP tính chung 3 quý đầu năm 2009 của VN đạt 4,6% và nhiều khả năng cả năm đạt 5,2%.
Đây chính là cơ sở khá vững chắc để TTCK tiếp tục đợt tăng giá mạnh mẽ lần 2, thiết lập đỉnh VN-Index tại 633 điểm vào thời điểm cuối tháng 10. Giá trị và khối lượng giao dịch cũng đạt con số khổng lồ, đã có phiên tổng giá trị giao dịch đạt hơn 9.000 tỷ đồng.
Thứ tư, thoái lui và thận trọng (từ tháng 11 đến nay)Mặc dù nền kinh tế trong nước đã có những dấu hiệu tích cực và đang trong quá trình phục hồi, song vẫn còn nhiều khó khăn. Đặc biệt việc thay đổi chính sách kích thích kinh tế của Chính phủ mặc dù có tác động tích cực cho nền kinh tế trong trung và dài hạn, nhưng đồng thời cũng gây những ảnh hưởng ngắn hạn tiêu cực đến TTCK. Theo đó, Chính phủ đã quyết định dừng hỗ trợ lãi suất ngắn hạn đúng thời hạn (31/12/2009), giảm hỗ trợ lãi suất trung và dài hạn từ 4% xuống còn 2% trong năm 2010; NHNN đồng thời thực hiện tăng lãi suất cơ bản từ 7% lên 8% bắt đầu từ ngày 01/12/2009. Những tác động này đã ảnh hưởng trực tiếp đến luồng tiền vào thị trường chứng khoán cũng như phản ứng tâm lý ở mức thái quá của nhà đầu tư đã khiến các chỉ số chứng khoán rơi vào chu kỳ giảm điểm mạnh từ cuối tháng 10 cho đến nay.
Những khó khăn trên của TTCK chỉ mang tính chất tạm thời tại thời điểm cuối năm. Trong những phiên gần đây, thị trường bắt đầu có dấu hiệu tích cực trở lại. Chủ trương thu hẹp chính sách tài khóa và điều hành chính sách tiền tệ chuyển từ nới lỏng sang thận trọng và linh hoạt sẽ giúp cho nền kinh tế tránh được nguy cơ về lạm phát, nhằm ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững ở mức hợp lý. Những dự báo đầy triển vọng về kinh tế VN năm 2010 sẽ là cơ sở vững chắc cho sự tăng trưởng của TTCK trong tương lai.
Chuyên mục hợp tác với Cty CK Phố Wall