Trên thực tế, quan điểm này đã được các chuyên gia kinh tế nhắc tới ngay từ đầu năm, khi tốc độ tăng CPI tháng 1/2010 ở mức khá cao: 1,36%. Tốc độ tăng cao của chỉ số này tiếp tục duy trì trong tháng 2 và tháng 3, tương ứng là 1,96% và 0,75%. Sau 3 tháng, lạm phát đã ở mức 4,12% - "ngốn" hơn một nửa chỉ tiêu lạm phát 7% mà Quốc hội đưa ra từ cuối năm ngoái. Bởi vậy, khi quý I kết thúc, nỗi lo hiển hiện là tái lạm phát cao trong năm nay, nhất là trong bối cảnh các dự báo liên tục được đưa ra về việc CPI trong quý II sẽ tiếp tục tăng cao, do độ trễ của chính sách tiền tệ nới lỏng từ năm trước; do xu hướng phục hồi của kinh tế thế giới, khiến giá nhiều loại nguyên, nhiên vật liệu thiết yếu tăng cao; do việc điều chỉnh giá điện, nước, lương tối thiểu...
Nhưng hoàn toàn đi ngược lại các dự báo, CPI 3 tháng quý II tăng khá thấp, tương ứng là 0,14%, 0,27% và 0,22%. Điều này được khẳng định là do sự quyết liệt trong điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ.
Cũng cần phải nhắc lại rằng, sau khi các chỉ số kinh tế, như lạm phát, nhập siêu... cho thấy những dấu hiệu bất ổn của kinh tế vĩ mô, Chính phủ đã ngay lập tức điều chỉnh chính sách và đặt mục tiêu ưu tiên hàng đầu trong năm 2010 là ổn định kinh tế vĩ mô, chứ không phải là tăng trưởng như trước. Hàng loạt biện pháp được đặt ra và ráo riết thực hiện. Thậm chí, Chính phủ đã ban hành riêng một nghị quyết về việc ổn định kinh tế vĩ mô. Trong khi Chính phủ quyết liệt, thì địa phương cũng gắt gao kiểm soát giá cả và nhờ vậy, CPI trong quý II đã giảm tốc đáng kể.
Tất nhiên, vẫn chưa thể chủ quan với lạm phát trong năm nay, cho dù, với việc vào tháng 4/2010, Chính phủ "nới" mục tiêu kiềm chế lạm phát từ 7% lên 8%, thì "dư địa" điều hành cho mục tiêu này còn khá lớn.
Ông Vũ Đình Ánh, một trong những chuyên gia phân tích về giá cả hàng đầu ở Việt Nam, vẫn tiếp tục dự báo rằng, nếu tính quy luật của diễn biến thị trường giá cả tiếp tục được duy trì trong 6 tháng còn lại của năm 2010, kết hợp với những chính sách kinh tế vĩ mô và quản lý thị trường giá cả thận trọng và hợp lý, thì CPI cả năm có nhiều khả năng ở mức 1 con số. Nhưng nếu một hay một số điều kiện trên không đảm bảo, thì CPI vẫn có thể lên mức 2 con số.
Điều đó có nghĩa rằng, việc lạm phát trong năm nay ở mức bao nhiêu sẽ vẫn phụ thuộc vào sự điều hành của Chính phủ. Đáng mừng là, các cơ quan quản lý nhà nước về giá cả thị trường vẫn đang quyết liệt thực hiện bình ổn giá trong những tháng tới. Chẳng hạn, Bộ Tài chính sẽ thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp để kiểm soát chặt yếu tố hình thành giá của những mặt hàng thiết yếu qua việc đăng ký giá, kê khai giá. Trong khi đó, Bộ Công thương đã nhắc tới việc mạnh tay rút giấy phép kinh doanh, thậm chí truy tố trước pháp luật các hành vi sai phạm nghiêm trọng về giá để giữ ổn định giá thị trường trong những tháng cuối năm...
(Theo Hà Nguyễn // Báo đầu tư)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com