Công trình Cầu Trà Niền đang ở tình trạng thê thảm như thế này Ảnh: P.K |
Xây dựng các cầu trên tỉnh lộ 923 là một trong những dự án trọng điểm của TP. Cần Thơ. 7 cây cầu thuộc Dự án là Ông Đề, Rạch Chuối, Rạch Kè, Cái Sơn, Rau Răm, Trà Niền và Tràng Tiền được khởi công xây dựng từ năm 2004, dự kiến hoàn thành vào năm 2006, nhưng đến thời điểm này vẫn còn rất ngổn ngang.
Cũng được xếp hạng “tốc độ rùa” còn có Dự án Xây dựng bờ kè Xóm Chài với tổng vốn đầu tư 171,5 tỷ đồng. Được thi công từ tháng 9/2001, nhưng đến giữa năm 2006, dự án này mới hoàn thành gần 30%, trong khi theo kế hoạch, thì khánh thành vào… cuối năm 2003!
Một công trình khác cũng gây nhiều bức xúc trong dư luận là Dự án Nạo vét và Xây dựng bờ kè rạch Khai Luông. Được khởi động vào tháng 6/2003, Dự án do UBND quận Ninh Kiều làm chủ đầu tư. Công trình có tổng vốn đầu tư tại thời điểm phê duyệt là 32,3 tỷ đồng. Theo kế hoạch, giữa năm 2006, công trình này phải hoàn thành, song đến thời điểm hiện tại, khối lượng thực hiện mới chỉ đạt hơn 80%.
Riêng Dự án Quốc lộ 91B được Bộ Giao thông - Vận tải phê duyệt lần đầu vào tháng 1/1995, được khởi công từ năm 2000 và dự kiến hoàn thành sau 4 năm thi công, nhưng mãi đến tháng 6/2010, dự án này mới hoàn thành.
Quy trình... ngược
Dự án kè Xóm Chài là một điển hình về thực hiện “quy trình ngược” khi triển khai dự án, vì dự án này được phê duyệt và thực hiện từ năm 2001, nhưng đến năm 2004, mới triển khai xây dựng khu tái định cư và tháng 5/2006, UBND TP. Cần Thơ mới có quyết định phê duyệt kinh phí bồi thường thiệt hại, hỗ trợ và tái định cư cho 358 hộ dân bị ảnh hưởng.
Đại diện Ban quản lý Dự án lý giải, sở dĩ họ phải làm như vậy là do mong muốn hoàn thành kịp tiến độ, nên khởi công trước ở nơi đất công, đất hành lang đường, đồng thời tiến hành điều tra áp giá cho các phần đất của những hộ dân bị ảnh hưởng.
Đây không phải là trường hợp cá biệt, bởi thời gian qua, nhiều dự án khác trên địa bàn Cần Thơ cũng thực hiện theo quy trình như vậy. Đó là các dự án xây dựng tuyến kè Khai Luông; xây dựng kè bảo vệ cồn Cái Khế; xây dựng Trung tâm Thương mại Phong Điền; cải tạo các cầu Cái Răng, cầu Đầu Sấu; xây dựng đường Nam sông Hậu...
Điều đáng ngại là, nhiều dự án mới tại TP. Cần Thơ cũng đang tiếp tục làm theo cách ngược này, trong đó điển hình là Dự án xây dựng bờ kè sông Cần Thơ. Dự án có quy mô vốn đầu tư hơn 711 tỷ đồng, với 1.000 hộ dân phải di dời. Đến nay, Dự án đã khởi công 4 trong số 10 gói thầu xây lấp bờ trái, nhưng vẫn chưa có khu tái định cư để bố trí cho những hộ dân bị ảnh hưởng. Không những vậy, trong đợt kiểm tra tổng thể về đầu tư, xây dựng cơ bản tại TP. Cần Thơ đầu tháng 10/2010, Đoàn kiểm tra của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phát hiện, Dự án Xây dựng bờ kè sông Cần Thơ khởi công xây dựng khi chưa có phê duyệt tổng dự toán, trong khi quy trình đấu thầu cũng có nhiều sai sót.
Về vấn đề tái định cư, Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng TP. Cần Thơ - chủ đầu tư dự án trên cho biết, địa phương đã mời Công ty cổ phần Him Lam Cần Thơ triển khai xây dựng Khu tái định cư Cửu Long (có diện tích 50 ha tại quận Bình Thủy) chủ yếu phục vụ tái định cư cho Dự án Xây dựng bờ kè sông Cần Thơ). Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở Xây dựng Cần Thơ, dự án này mới bồi thường cho 35 trên tổng số 500 hộ, dự kiến, cuối năm 2011 mới có nền tái định cư để bàn giao xây dựng.
Dự án Mở rộng Quốc lộ 91 đoạn từ ngã tư Bến xe mới đến Trà Nóc cũng đang gặp trắc trở trong vấn đề tái định cư. Đây là dự án có quy mô lớn, vốn đầu tư gần 1.400 tỷ đồng, với hơn 1.500 hộ dân, 70 tổ chức bị ảnh hưởng. Dự án đã được khởi công vào cuối tháng 5/2010, nhưng đến nay, tiến độ thi công rất chậm, do chưa có mặt bằng.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó chủ tịch UBND quận Bình Thủy cho biết, khu tái định cư trên đường Nguyễn Thông (rộng 23,6 ha) chủ yếu phục vụ tái định cư cho Dự án mở rộng Quốc lộ 91 đoạn qua quận Bình Thủy. Tuy nhiên, sau 2 năm được phê duyệt, khu tái định cư này vẫn chưa được triển khai xây dựng.
Ông Lê Hồng Phát, Giám đốc Sở Xây dựng Cần Thơ cho biết, Thành phố đang cần hơn 3.000 nền tái định cư để bố trí ngay cho các hộ bị ảnh hưởng giải tỏa bởi các dự án mới. Ngoài ra, hơn 400 hộ đang hưởng chính sách hỗ trợ tạm cư cũng cần sớm được bố trí tái định cư để ổn định cuộc sống.
Với thực tế đã và đang diễn ra trong công tác xây dựng cơ bản tại Cần Thơ, chừng nào công tác tái định cư chưa được quan tâm đúng mức và thực hiện rốt ráo, đúng quy trình, thì tiến độ triển khai các dự án còn trì trệ. Hậu quả là, người dân thuộc diện bị giải tỏa tiếp tục lâm vào cảnh khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống kinh tế - xã hội của địa phương.
(Theo Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com