Nhiều ngân hàng phải điều chỉnh kế hoạch tăng vốn pháp định do biến động của kinh tế vĩ mô.
Còn một tháng nữa (31-12) là thời hạn các ngân hàng phải nâng vốn điều lệ lên 3.000 tỉ đồng theo đúng quy định của Nghị định 141. Tuy nhiên, hiện nay bên cạnh một số ngân hàng đáp ứng đủ điều kiện luật đề ra vẫn còn một số ngân hàng nhỏ loay hoay với kế hoạch tăng vốn.
Giám sát chặt
Theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến nay còn 25 ngân hàng chưa tăng vốn pháp định lên 3.000 tỉ đồng, trong số này có một ngân hàng thương mại nhà nước là Ngân hàng Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long.
Do gần hết thời hạn quy định mà còn nhiều ngân hàng chưa công bố việc tăng vốn nên ngày 26-11, NHNN đã có văn bản chỉ đạo các NHNN chi nhánh tỉnh, TP giám sát chặt chẽ lộ trình tăng vốn này. Chặt chẽ đến mức NHNN yêu cầu các ngân hàng chưa tăng vốn phải báo cáo định kỳ cho cơ quan quản lý vào mỗi thứ Tư hằng tuần. Trường hợp việc góp vốn mua cổ phần để tăng vốn điều lệ có dấu hiệu ảnh hưởng đến việc duy trì an toàn hoạt động của ngân hàng và của hệ thống thì kịp thời báo cáo NHNN xử lý.
Không chỉ vậy, văn bản này cũng cho biết chậm nhất ngày 20-12, cơ quan quản lý ngành ngân hàng từng địa phương có văn bản báo cáo thống đốc kết quả tăng vốn điều lệ của từng ngân hàng cổ phần theo Nghị định 141. Ngoài ra, NHNN chi nhánh các tỉnh, TP chủ động có văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư địa phương đề nghị hỗ trợ đẩy nhanh việc hoàn tất thủ tục đăng ký kinh doanh đối với số vốn điều lệ thực có sau khi tăng vốn của các ngân hàng.
Liên quan đến việc tăng vốn này, có lần trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Giàu, Thống đốc NHNN, khẳng định sẽ không có việc hoãn hay kéo dài thời gian tăng vốn pháp định cho các ngân hàng vì lộ trình tăng vốn lên 3.000 tỉ đồng đã có từ năm 2006.
Gồng mình tìm vốn
Sở dĩ việc tăng vốn pháp định nêu trên đang nóng bởi lẽ các kế hoạch tăng vốn của các ngân hàng dù gần hết hạn nhưng liên tục gặp khó khăn.
Chuyên gia chứng khoán Nguyễn Ngọc Trường Chinh phân tích bốn nguyên nhân khiến các ngân hàng loay hoay khi tăng vốn pháp định.
Cụ thể ông Chinh nói đầu tiên là các cổ đông lớn của ngân hàng là các công ty, tập đoàn nhà nước sau vụ Vinashin thì đang phải cơ cấu lại và bị siết việc đầu tư trái ngành. Kế đến là các ngân hàng lớn phải lo vấn đề tỉ lệ an toàn với quy định từ Thông tư 19 (nâng tỉ lệ an toàn vốn từ 8% lên 9%) nên cũng không dám mua tiếp cổ phần ở các ngân hàng nhỏ. Thứ ba là việc bán cổ phần cho đối tác chiến lược nước ngoài nhưng việc này cũng không dễ. Vì thực tế một số ngân hàng nhỏ khi tiếp xúc với đối tác ngoại đã không đáp ứng một số yêu cầu về quản trị ngân hàng, về tỉ lệ nợ…
Thứ tư là kế hoạch bán cổ phần thông qua kênh chứng khoán. Nhưng câu chuyện tìm vốn trên sàn ở giai đoạn này được nhìn nhận là cực kỳ khó khăn. “Thực tế như Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội vừa niêm yết lên sàn thì giá giao dịch thị trường rớt dưới mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu là ví dụ” - ông Chinh cho biết.
Hay mới đây, cổ đông lớn của Ngân hàng VietA Bank là Công ty Đầu tư tài chính nhà nước (HFIC) bán đấu giá 3,8 triệu quyền mua cổ phiếu VietA Bank (tương đương 612.388 cổ phần mới). Kế hoạch đấu giá dự kiến được thực hiện trong ngày 12-11 vừa qua, song không có nhà đầu tư tham gia nên buổi đấu giá phải hủy dù HFIC đưa ra mức giá khá thấp, chỉ 43 đồng/quyền mua.
Thậm chí đến cuối tháng 11 và đầu tháng 12 vẫn còn một vài ngân hàng cổ phần phải tổ chức đại hội cổ đông bất thường để bầu thành viên HĐQT và gút lại kế hoạch thực hiện tăng vốn.
Dù có quá nhiều bất lợi nhưng trao đổi với phóng viên, lãnh đạo một số ngân hàng cổ phần cho biết việc tăng vốn pháp định vẫn được đảm bảo theo đúng lộ trình. “Ngân hàng tăng vốn từ nguồn thặng dư lợi nhuận các năm trước để lại hoặc từ cam kết rót tiền của các cổ đông lớn hiện hữu…” - tổng giám đốc một ngân hàng cho biết.
Cụ thể ông Trần Xuân Dũng, Giám đốc Chi nhánh TP.HCM - Ngân hàng Đại Á, cho biết kế hoạch tăng vốn lên 3.000 tỉ đồng thì ngân hàng đã chuẩn bị xong và chuẩn bị công bố ngay trong đầu tháng 12 này.
Liên quan đến vấn đề có hay không vấn đề sát nhập các ngân hàng nhỏ lại khi không kịp tăng vốn pháp định, tổng giám đốc một ngân hàng có trụ sở TP.HCM bình luận chắc sẽ không theo hướng này. Theo vị này, việc sát nhập ở Việt Nam chỉ diễn ra ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hay các doanh nghiệp lĩnh vực khác cùng ngành như đồ uống, bánh kẹo… chứ ở lĩnh vực tài chính thì gần như khó xảy ra.
(Pháp luật TPHCM)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com