Cơ hội từ giờ tới cuối năm của giới đầu tư bất động sản xem ra chỉ còn trông cậy vào bản Quy hoạch chung xây dựng Hà Nội.
Tụt dốc
16.000 căn hộ là ước tính tổng nguồn cung cho thị trường Hà Nội trong năm 2010. |
“Thị trường bất động sản trong quý III trầm lắng hơn, với số ít căn hộ được chào bán hơn, đạt khoảng 1.950 căn. Và số lượng chào bán này khá khiêm tốn so với quý II là 4.600 căn” - ông Richard Leech, Giám đốc điều hành công ty Tư vấn bất động sản CBRE Việt Nam cho biết. Cũng theo ông này, nguyên nhân của sự sụt giảm chủ yếu là do Nghị định 71/CP đã có hiệu lực. Nghị định này hạn chế tối đa 20% số căn hộ trong một dự án được bán thông qua hình thức Hợp đồng góp vốn. “Mặt khác, nhiều dự án đã đẩy lùi kế hoạch chào bán tại thời điểm cuối quý và chúng tôi kỳ vọng những dự án này sẽ được bán ra sau Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội” - ông Richard Leech nói.
Ở khía cạnh khác, đại diện một số trung tâm nhà, đất phân tích rằng, một yếu tố làm cho thị trường thêm trầm lắng vì theo quy luật, tháng 7 âm lịch hàng năm luôn là thời điểm kinh doanh nhà đất chững lại. Tại các sàn giao dịch bất động sản ở khu vực quận Cầu Giấy, Thanh Xuân nếu vào thời điểm giữa quý II/2010, mỗi sáng, một sàn giao dịch thường đón vài chục lượt người đến tìm hiểu thông tin để mua bán, đầu tư nhà đất nhưng hiện nay, chỉ lác đác vài khách đến ngó nghiêng, khảo giá.
Giá không giảm, cung nhỏ giọt
Tuy thị trường giao dịch ảm đạm nhưng trong 2 tháng trở lại đây, giá nhà đất lại không giảm nhiều. Theo kết quả khảo sát của CBRE Việt Nam, trên thị trường thứ cấp, giá chào bán căn hộ chung cư khá ổn định với mức tăng - giảm vào khoảng 1 - 2,5% so với quý II/2010. “Dự kiến vào quý VI/2010, thị trường có thêm khoảng 3.000 căn hộ, nâng tổng nguồn cung năm 2010 lên 16.000 căn. Ngoài ra, một lượng lớn căn hộ giá rẻ cũng được khởi công trong thời gian gần đây, cho thấy xu hướng tăng nhanh của nhà ở giá cả phải chăng” - đại diện CBRE Việt Nam nói.
Trong khi nguồn cung căn hộ có vẻ dồi dào, số biệt thự, nhà liền kề (đất nền) được tung ra thị trường thời gian gần đây có dấu hiệu “co lại”. Theo khảo sát của Công ty nghiên cứu và tư vấn Savills, Hà Nội hiện có khoảng 8.200 biệt thự và 11.400 nhà liền kề tại 11 quận và 1 khu vực (Láng - Hòa Lạc). Song, quý III/2010, chỉ có 2 dự án mới bao gồm 12 nhà liền kề và 147 biệt thự. Hai dự án đã được bán ra thông qua “hợp đồng góp vốn” và được chuyển sang hình thức hợp đồng mua bán trong quý này. Tất cả các dự án khác đã được mua hết (số thửa đất đã được chào bán) trước quý III/2010. Điều đáng nói là người dân nhìn chung thường thích sống tại nhà ở gắn liền với đất, đặc biệt là những ngôi nhà mà ô tô có thể vào được. Điều này khiến cho nguồn cầu của phân khúc thị trường biệt thự và nhà liền kề luôn ở mức rất cao. Do đó, giới đầu tư thường đánh giá, biệt thự, nhà liền kề là kênh đầu tư tốt, đặc biệt là trong dài hạn.
Tuy gắn việc sụt giảm của thị trường với Nghị định 71/CP nhưng các chuyên gia của CBRE cũng nhìn nhận, văn bản này có hiệu lực đã có những tác động tích cực lên thị trường như tăng cường tính minh bạch, gây sức ép lên chủ đầu tư thiếu khả năng tài chính, giảm nguy cơ bong bóng giá và giảm hiệu ứng đầu cơ. Vì vậy, thị trường nhà ở sẽ có triển vọng phát triển tốt trong tương lai. Các dự án chào bán mới sẽ dần có mức giá cả phải chăng hơn. Chuyên gia của CBRE cũng dự báo, sau khi các tuyến giao thông được nâng cấp, các quận huyện ở phía Tây và phía Nam sẽ thu hút nhiều dân cư hơn do giao thông kết nối tới khu vực trung tâm ngày càng dễ dàng hơn. Và khi hệ thống hạ tầng được cải thiện rõ rệt, nhu cầu về nhà ở trong khu vực chắc chắn sẽ tăng lên đáng kể.
Trông chờ ở quy hoạch
Điểm đáng chú ý nhất trong Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Hà Nội là liệu trục Hồ Tây – Ba Vì có còn tồn tại. |
Từ tháng 8/2010, giới đầu tư rất trông chờ việc thông tuyến, đưa vào hoạt động nhiều tuyến đường lớn ở khu phía Tây như đường Lê Văn Lương kéo dài, Đại lộ Thăng Long, đường 32... sẽ khuấy động không khí thị trường. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, chỉ duy nhất khu vực bám dọc trục Lê Văn Lương kéo dài (thuộc quận Hà Đông) có biến động nhẹ về giá, còn các khu đô thị lớn dọc đường Lê Trọng Tấn, Đại lộ Thăng Long, đường 32 (thuộc các huyện Từ Liêm, Hoài Đức, Đan Phượng) vẫn đứng giá với số lượng giao dịch kém sôi động. Có thể nói, thị trường chỉ biến động cục bộ trong phạm vi hẹp, còn xét trên bình diện chung, bức tranh giao dịch vẫn rất ảm đạm.
Hà Nội: Giá đất ở Cầu Giấy đắt nhất Không tính 4 quận nội thành cũ (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa), trên toàn Hà Nội mở rộng, theo khảo sát của Savills Việt Nam, quận Cầu Giấy có giá chào bán cao nhất trên thị trường biệt thự và nhà liền kề. Biệt thự có giá lên tới 7.700USD/m2 trong khi giá nhà liền kề vào khoảng 7.500USD/m2. Theo sau là các quận Tây Hồ, Từ Liêm và Thanh Xuân với mức giá gần 5.000 USD/m2. Các huyện Thanh Trì và Gia Lâm vẫn giữ nguyên mức giá thấp nhất, chừng 2.000 USD/m2. |
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com