Trước kỳ họp Quốc hội, công luận không chỉ quan tâm mà còn bày tỏ lo ngại về tình trạng nợ công. Theo dự báo, đến năm 2011, nợ công có thể lên tới 60% GDP. Các vấn đề liên quan đến vay và sử dụng hiệu quả vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) lại được xới lên. Cũng không có gì khó hiểu, bởi ODA, dù là vốn vay hay vốn viện trợ, lâu nay vẫn được coi là “bầu sữa” dồi dào dinh dưỡng, song thực chất không phải là thứ cho không. Nếu không sử dụng hiệu quả, nợ sẽ càng nặng thêm.
Giàu như Mỹ mà còn là “con nợ” lớn huống hồ các nước nghèo rất cần vốn để phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng các công trình lớn và đầu tư cho các dự án kinh tế. Vay nợ là cách huy động tài chính rất bình thường của hầu hết các quốc gia. Muốn phát triển nhanh thì phải đi vay nước ngoài, vay “hàng xóm”, vay bạn bè. Đi vay đâu có gì là xấu và cũng chẳng phải ai muốn vay là lập tức người ta cho vay ngay. “Trông giỏ bỏ thóc”, người cho vay, nhất là các tổ chức quốc tế, các nước giàu thường phải “chọn mặt gửi vàng”. Họ phải cân nhắc xem người vay có khả năng trả nợ hay không, quan trọng hơn, vay rồi sử dụng đồng tiền đó như thế nào, có hiệu quả không, có “xà xẻo” gì không.
Điều may mắn là, trong những năm qua, Việt Nam đã “chinh phục” được lòng tin của các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ nước ngoài cũng như các nước đã dành cho những khoản ODA hàng chục tỷ USD. Không nên quên rằng, vốn ODA đó thực chất là tiền của người dân các nước đóng thuế, chứ không phải là tiền “từ thiện”, là “bầu sữa”... Vì thế một số vụ tham nhũng như PM Đại lộ Đông-Tây mới đây đã khiến dư luận và công luận Nhật Bản, nước hỗ trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam rất bức xúc.
Tại một hội nghị quốc tế các nhà tài trợ cho Việt Nam, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã phát biểu thật chính xác rằng, vấn đề với Việt Nam không chỉ là giải ngân vốn ODA bao nhiêu, mà quan trọng là làm sao để đồng vốn đó mang lại hiệu quả cao. Cùng quan điểm đó, Trưởng đoàn đánh giá độc lập Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Tuyên bố Paris và bản Cam kết Hà Nội về hiệu quả viện trợ, đã khẳng định rằng, vấn đề cốt lõi là hiệu quả của khoản tài trợ đó đối với quá trình phát triển của Việt Nam như thế nào, chứ không phải là hiệu quả của bản thân việc cung cấp viện trợ bao nhiêu tỷ USD. Dự thảo báo cáo đánh giá đợt hai tình hình Việt Nam sử dụng hiệu quả vốn ODA vừa đưa ra lấy ý kiến các nhà tài trợ, kết luận rằng, Việt Nam làm tốt vai trò, “làm chủ” bên nhận viện trợ, tức là sử dụng khá tốt nguồn vốn ODA.
Vì thế, Việt Nam trở thành một trong năm nước nhận được ODA lớn nhất thế giới, nhiều nhà tài trợ đã tin tưởng chuyển sang hình thức hỗ trợ ngân sách. Đó là một tin mừng nhưng cũng đáng lo. Vì sao? Thực tế cho thấy, mặc dù tỷ lệ giải ngân ODA đã được cải thiện đáng kể nhưng chưa như mong muốn. Đây là một trở ngại, một thách thức phải nỗ lực vượt qua. Trong vòng 5 năm qua, nguồn vốn ODA đã chiếm tới 12-13% tổng vốn đầu tư từ ngân sách. Nước ta đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, có nghĩa là các ưu đãi từ nguồn vốn ODA sẽ không còn được như trước. Nói ví von, đã đến lúc phải tính đến việc “cai sữa”, không thể bám mãi vào “bầu sữa”… ODA.
Nói một cách cụ thể, Việt Nam cần quan tâm nhiều hơn tới các khoản viện trợ theo chương trình chứ không phải theo dự án, thực hiện một cách manh mún, thiếu chiến lược như trước đây. Một chiến lược tổng thể thu hút vốn ODA để nguồn vốn quý giá này mang lại hiệu quả tốt nhất cho phát triển kinh tế-xã hội 5 năm cũng như Chiến lược phát triển 10 năm tới.
(Báo An ninh Thủ đô)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com