Nếu tính theo sức mua tương đương, GDP của Trung Quốc có thể vượt Mỹ ngay trong năm 2012 chứ không phải đợi đến năm 2020 như cách tính cũ.
Mạng tin “Kinh tế Trung Quốc” ngày 16/11/2010 cho biết bắt đầu từ năm 2011, Trung Quốc sẽ tham gia toàn diện vào Chương trình so sánh quốc tế (ICP - International Comparison Program) của Ngân hàng Thế giới (WB) để tính GDP thông qua sức mua tương đương (PPP - Purchasing Power Parity). Trung Quốc đã thành lập “Ban điều phối ICP” với sự tham gia của hơn 10 bộ, ban ngành do Cục trưởng Cục thống kê nhà nước Mã Kiến Đường và Thứ trưởng Bộ Tài chính Lý Dũng làm đồng chủ tịch.
Cách tính theo PPP được Liên hợp quốc, Ngân hàng Thế giới và Mỹ áp dụng từ cuối những năm 1960. Năm 1992, nhà kinh tế học Lawrence Henry Summers của Ngân hàng Thế giới đã tính GDP của Trung Quốc theo PPP, với kết quả GDP của Trung Quốc bằng 45% GDP của Mỹ. Năm 2002, theo cách tính này, WB cho rằng GDP của Trung Quốc là 5732 tỉ USD, trở thành thực thể kinh tế thứ hai thế giới.
Tuy không thừa nhận cách tính này, nhưng Trung Quốc đã tiến hành thí điểm 3 lần đối với 11 tỉnh và thành phố lớn như Quảng Đông, Thượng Hải, Bắc Kinh, Trùng Khánh, Vũ Hán, Tây An, Cáp Nhĩ Tân... Các học giả Trung Quốc cho rằng cách tính này phản ánh tương đối chính xác tình hình phát triển kinh tế, nhưng cũng rất phức tạp. Nó đòi hỏi các ngành, bộ, địa phương phải có số liệu thống kê cập nhật, tỉ mỉ và chính xác. Những cán bộ làm công tác này phải có trình độ cao, vì vậy Trung Quốc đã lập kế hoạch tiến hành đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ kinh tế am hiểu sâu sắc và thành thạo cách tính mới. Các học giả Trung Quốc cho rằng nhược điểm lớn nhất của cách tính này là giá trị danh nghĩa và giá trị thực tế của đồng tiền các nước khác nhau, tỉ giá danh nghĩa và tỉ giá thực để so sanh của các đồng tiền cũng khác nhau, nhất là đồng nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc chưa phải là đồng tiền tự do chuyển đổi, nên sẽ có sự chênh lệch lớn trong tính toán.
Báo cáo “Tình hình kinh tế các nước” do Hiệp hội các doanh nghiệp lớn thế giới có trụ sở ở New York (công bố ngày 12/11) cho biết nếu tính theoPPP, kinh tế Trung Quốc sẽ vượt kinh tế Mỹ chiến ngôi đầu thế giới trong năm 2012. Còn theo cách tính hiện nay, đến năm 2020 thì GDP của Trung Quốc mới vượt Mỹ.
Chuyên gia Mai Tân Dục của Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 16/11 nói với báo giới rằng cách tính này chủ yếu căn cứ vào mặt bằng giá cả và đồng tiền của mỗi nước, nên cũng tồn tại nhiều nhược điểm như: phương thức tiêu dùng của dân chúng các nước rất khác nhau, sức mua đối với các loại hàng tiêu dùng hay xa xỉ cũng khác xa nhau. Vì vậy, dùng PPP để tính GDP để so sánh kinh tế Mỹ với Trung Quốc còn nhiều “khập khiễng”. Theo ông, kết luận “Trung Quốc vượt Mỹ vào năm 2012” là phi thực tế.
Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm WTO Trung Quốc Chung Thanh Tắc cho rằng chỉ tiêu quan trọng nhất để so sánh kinh tế hai nước vẫn là GDP bình quân đầu người. Số liệu của IMF năm 2009 cho thấy GDP bình quân đầu người của Mỹ là 46.000 USD, còn của Trung Quốc là 4.000 USD. Bởi vậy, bất kể tính GDP theo kiểu nào, kinh tế Trung Quốc vẫn còn kém xa kinh tế Mỹ.
(Tamnhin)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com