Quản lý, điều hành nền kinh tế thường được ví như nắm “tay hòm chía khóa”. Trong “chùm chìa khóa” đó có ba chiếc cực kỳ quan trọng là “chìa khóa” tài chính-tiền tệ, “chìa khóa” GDP và “chìa khóa” chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Chiếc chìa khóa CPI quan trọng bởi nó là một trong ba chỉ tiêu hệ trọng nhất trong nhóm chỉ tiêu kinh tế mà Quốc hội đặc biệt quan tâm đề ra hàng năm. Nếu buông lỏng “chìa khóa” CPI là tức thì chỉ tiêu lạm phát sẽ “đánh” mạnh vào kinh tế vĩ mô, gây ra những hệ lụy và hậu quả khó lường.
Nếu chỉ tiêu GDP thiên về chất lượng của nền kinh tế, thì chỉ tiêu CPI cũng nghiêng về chất lượng của nền kinh tế trên bình diện ổn định xã hội, đời sống dân cư, bảo đảm giá trị đồng tiền và các chính sách vĩ mô như giá cả, lương, trợ cấp… góp phần hạn chế sự gia tăng khoảng cách giàu nghèo và nhiều mặt tiêu cực của thị trường. Như vậy chỉ số CPI không chỉ là “chìa khóa”, mà còn được ví như “phong vũ biểu” của nền kinh tế.
Theo ý kiến của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng như của một số chuyên gia kinh tế, chỉ tiêu CPI trong những năm qua chưa được chú trọng đúng mức. Nói cách khác, không nắm chắc “chìa khóa” này cho nên nền kinh tế vẫn theo chiều hướng phát triển về số lượng, hiệu quả ngày càng thấp, thiếu bền vững, đôi khi bị chao đảo. Sự buông lỏng “chìa khóa” CPI thể hiện khá rõ nét. Đó là chưa nhận thức đầy đủ CPI để chủ động quản lý theo cơ chế riêng cho phù hợp, chưa có lộ trình dài hạn để quản lý các mức chỉ tiêu phù hợp cho từng giai đoạn và cụ thể cho từng năm.
Việc xác định chỉ tiêu CPI chỉ được xác định độc lập chủ yếu dựa vào báo cáo của Chính phủ đề nghị, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và sự bàn thảo của Quốc hội. Bởi thế, có những năm, CPI được xác định quá dễ dàng và “thả lỏng” như kiểu “thấp hơn tốc độ tăng trưởng GDP” hoặc “dưới 15%”, thậm chí có những năm Quốc hội cho điều chỉnh chỉ số CPI theo hướng “giảm dần”. Nhưng giảm dần cụ thể là bao nhiêu lại không được xác định.
Trong khi đó, CPI của nhiều quốc gia được “cân đong”, tính toán hết sức chi ly chặt chẽ như 2,5% hay 3,2%. Không cần phân tích sâu cũng có thể thấy rõ, sự buông lỏng chỉ tiêu CPI đã gây xáo trộn lớn, hậu quả rõ rệt nhất là lạm phát. Muốn nắm cho chắc “chìa khóa” CPI, theo giới chuyên gia, CPI cần được hoạch định lộ trình với mục tiêu dài hạn và cụ thể cho từng kế hoạch 5 năm và cho mỗi năm theo xu hướng giảm dần phù hợp cho từng giai đoạn và từng năm.
Chỉ tiêu CPI được xây dựng cho từng ngưỡng trần bằng một số tuyệt đối để Chính phủ điều hành thực hiện. Bước sang năm 2011, Chính phủ lấy mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô là ưu tiên hàng đầu, trên cơ sở đó kiềm chế lạm phát để phấn đấu tăng trưởng kinh tế một cách hợp lý.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, chỉ tiêu GDP năm 2011 đặt ra là tăng 7,5% nhưng chỉ tiêu CPI cũng là 7%. Nếu tăng trưởng GDP cũng tương ứng với tăng CPI thì có nghĩa là cuộc sống của xã hội không tăng lên nhiều. Có một bộ phận dân cư sẽ tăng thu nhập từ 7% trở lên những cũng có những bộ phận dân cư đời sống chỉ tăng dưới 7%. Hơn thế, xác định chỉ tiêu CPI là tăng 7% liệu có giữ được không?
Nếu thực tế năm 2011 chỉ tiêu CPI không giữ được 7% thì vấn đề sẽ trở nên phức tạp, vì kinh nghiệm những năm qua việc xây dựng chỉ tiêu CPI theo nghị quyết của Quốc hội, song bao giờ cũng tăng lên. Như năm 2010 xác định là 7% thì cuối năm, có thể tăng trên 9%. Nếu Chính phủ chỉ đạo không quyết liệt và không có những giải pháp mạnh thì khó mà nắm chắc được chiếc “chìa khóa” CPI.
(An ninh Thủ đô)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com