Nợ của một số quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU) đang gây ra những mối nguy trong đầu năm mới.
Đồng euro đang tiếp tục chìm trong núi nợ của một số nước thuộc EU. Hãng Bloomberg đưa tin trong phiên giao dịch hôm qua 11-1, đồng euro đã rơi xuống mức thấp kỷ lục trong bốn tháng qua so với đồng USD. Hiện 1 euro chỉ đổi được 1,2867 USD, mức thấp nhất kể từ ngày 14-9-2010. Bán tống bán tháo Chứng khoán châu Á vạ lây Hãng tin Bloomberg cho biết dù Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha phủ nhận việc nhận cứu trợ, thị trường chứng khoán hai nước này vẫn giảm mạnh 1,3%. Tâm lý lo ngại lan sang cả thị trường Mỹ và châu Á. Các chỉ số chứng khoán Nikkei 225 (Nhật), Shanghai Composite Index (Trung Quốc) và Kospi (Hàn Quốc) đều giảm 0,2-0,4%. Chỉ số Dow Jones (Mỹ) giảm 0,3%. Trong khi đó, giá vàng tăng thêm 1,35 USD lên 1.375,8 USD/ounce. Đồng euro tiếp tục sụt giá nghiêm trọng do có tin các nước Đức và Pháp đang gây sức ép buộc Bồ Đào Nha nhận cứu trợ khẩn cấp - có thể lên tới 100 tỉ USD - từ EU và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tương tự Hi Lạp và Ireland trước đây. Bộ trưởng tài chính Đức và Pháp, Tổng thống Bồ Đào Nha Anibal Cavaco Silva đã phủ nhận thông tin này, tuy nhiên điều đó cũng không khích lệ các nhà đầu tư. “Trước khi Ireland được cứu trợ, các quan chức EU cũng liên tục phủ nhận - báo Financial Times dẫn lời chuyên gia tài chính Divyang Shah của Hãng tài chính quốc tế IFR Markets - Hiện tượng tương tự cũng đang xảy ra đối với Bồ Đào Nha”. Chuyên gia Jonathan Tepper của Hãng nghiên cứu Variant Perception (Anh) nhận định một cuộc giải cứu Bồ Đào Nha là chuyện bất khả kháng. “Các nhà đầu tư nước ngoài sở hữu 80% nợ Bồ Đào Nha và họ đã quyết định ngừng cho vay”. Nguồn tin báo Guardian cho biết hiện tại giới đầu tư đang bán tống bán tháo trái phiếu của các nước châu Âu có nguy cơ cao như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Bỉ do lo ngại các quốc gia này vỡ nợ. Nền kinh tế Bồ Đào Nha chỉ tăng trưởng trung bình 2,2% kể từ năm 1989, do đó Lisbon hầu như không có khả năng trả mức lãi cao ngất ngưởng 7%. “Bồ Đào Nha cũng như các nước có nguy cơ cao khác không tăng trưởng đủ nhanh để ổn định hoặc trả hết nợ” - chuyên gia Tepper cho biết. Ngày 13-1, Bồ Đào Nha sẽ bán đấu giá 750 triệu euro (970 triệu USD) trái phiếu đáo hạn năm 2014 và 1,25 tỉ euro (1,6 tỉ USD) trái phiếu đáo hạn năm 2020, Ý bán đấu giá 7 tỉ euro (9 tỉ USD) trái phiếu đáo hạn năm 2015 và Tây Ban Nha đấu giá 3 tỉ euro (3,8 tỉ USD) trái phiếu đáo hạn năm 2016. Trước các cuộc đấu giá, chi phí bảo hiểm nợ các nước châu Âu trước nguy cơ vỡ nợ đã tăng đến mức kỷ lục. Phí bảo hiểm 10 triệu USD nợ Tây Ban Nha lên đến 362.000 USD, từ mức 357.000 USD của tuần trước. Hôm qua Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã ngăn chặn đà giảm giá của trái phiếu Bồ Đào Nha khi mua trái phiếu trên thị trường mở. Tuy nhiên, Bồ Đào Nha vẫn phải trả mức lãi suất 7% đối với trái phiếu 10 năm, cao hơn nhiều so với mức 5,5% Hi Lạp và Ireland đang trả cho các khoản vay từ quỹ khẩn cấp của EU. Nỗ lực tìm giải pháp “Tất cả giống như bàn cờ domino, nếu Bồ Đào Nha vỡ nợ, Tây Ban Nha sẽ bị đe dọa, bởi các ngân hàng Tây Ban Nha đang sở hữu một lượng lớn nợ Bồ Đào Nha” - báo Guardian dẫn lời chuyên gia Tepper. “Các nước châu Âu đã vay rất nhiều từ Đức và Pháp trong 10 năm qua - theo chuyên gia Tepper - Kể cả khi các nước này thắt lưng buộc bụng để giảm thâm hụt thì vẫn sẽ phải dựa chủ yếu vào nước ngoài để cung cấp tiền cho đất nước. Càng nợ lắm, bạn càng cho đi sự độc lập của quốc gia mình”. Một số chuyên gia cũng nhận định khi châu Âu tiếp tục chìm trong khủng hoảng nợ, ảnh hưởng của đồng nhân dân tệ bắt đầu trỗi dậy trong khu vực. Khắp châu Âu đang đồn đại Bắc Kinh sẽ đổ tiền mua trái phiếu Bồ Đào Nha vào ngày 13-1. Giới quan sát cho biết Trung Quốc có lợi ích chiến lược trong việc giữ giá đồng euro. Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc gắn liền với đồng USD, và việc đồng euro sụt giá so với đồng USD đã đẩy giá hàng xuất khẩu Trung Quốc tại châu Âu trở nên đắt đỏ hơn. Mà đối với EU, Trung Quốc là bạn hàng còn lớn hơn cả Mỹ. Và tất nhiên người Trung Quốc cũng muốn tăng cường ảnh hưởng tại cựu lục địa trong thời điểm thuận lợi này. Trong khi đó, châu Âu cũng nỗ lực tự cứu. Từ ngày 11 đến 13-1, Ủy ban đặc biệt về tài chính, kinh tế và khủng hoảng xã hội của Nghị viện châu Âu (EP) sẽ làm việc tại Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha để phân tích, đánh giá tình hình kinh tế hai quốc gia này. Trong ba ngày làm việc, các chuyên gia tập trung đánh giá tác động của cuộc khủng hoảng nợ công tới hai quốc gia này, cũng như thảo luận với giới chức địa phương và các chuyên gia kinh tế biện pháp đưa hai quốc gia, được cho là những “mắt xích” yếu nhất trong toàn bộ nền kinh tế châu Âu, thoát khỏi tình trạng phức tạp hiện nay. HIẾU TRUNG // Theo Tuổi TrẻĐồng euro đứng trước nguy cơ “sụp đổ” theo nhiều dự báo bi quan - Ảnh: Reuters
-------------------------------------------------------------------------------------------- Nợ nần đang “chôn sống” đồng euro! TT - “Đồng euro đang tuột giá tuần lễ thứ ba liên tiếp so với đồng USD như là dấu chỉ của việc một số nước có thể không có khả năng trả nợ, càng mất tín nhiệm tín dụng. Đồng tiền chung châu Âu nay tuột giá so với 14-16 đồng tiền khác sau khi các nhà lãnh đạo châu Âu vẫn còn chia rẽ về cách thức giải cứu cuộc khủng hoảng ở Hi Lạp và Ireland...”. Mẩu tin tài chính của Bloomberg hôm lễ Giáng sinh phản ánh bối cảnh của một luồng tâm lý đang “lên” ở châu Âu: chạy trốn khỏi đồng euro! Tâm lý này được AFP ngày 15-12 mô tả: “Đồng euro đã bị kết án (tử) rồi!”. Tạp chí Marianne của Pháp ngày 20-12 chạy tít “Đồng euro, mạnh ai nấy chạy thôi!”. Cùng ngày, tờ Le Figaro la làng: “Cơn điên loạn chạy trốn đồng euro!” và hô hào ngược lại: “Những kẻ chủ trương bỏ đồng euro có thật sự nghĩ rằng một đồng franc Pháp mới sẽ giúp chúng ta tự vệ tốt hơn trong tình trạng cô độc huy hoàng ấy? Ai có thể tin được rằng quay trở lại đồng franc là đủ để tái công nghiệp hóa đất nước trong một thế giới như hiện nay?”. Vấn đề đặt ra đã quá rõ: không chỉ do công nợ đang là bao nhiêu mà còn là sẽ cạnh tranh như thế nào để sống còn trong thế giới như hiện nay? “Thế giới hiện nay” ra sao? Website http://www.questionchine.net/ của người Trung Quốc hãnh diện trả lời hôm 26-12: “Sau thượng đỉnh Á - Âu tháng 10 vừa qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Khương Du từng nhắc lại rằng Bắc Kinh sẵn lòng giúp đỡ các nước khu vực đồng euro ra khỏi khủng hoảng và khôi phục thành công kinh tế. Chẳng hạn như mua lại 5 tỉ euro nợ nần của Bồ Đào Nha!”. Website này còn khoe: “Bắc Kinh, vốn đang có quả đấm là 2.648 tỉ USD dự trữ, đang quan sát các khó khăn tài chính của châu Âu, nhất là khi các khó khăn này đang mở ra những vận hội tài chính, kinh tế và cả chính trị...”. “Vận hội tài chính, kinh tế và cả chính trị” này là gì? 110 năm trước, ngày 14-8, Trung Quốc chịu mất Bắc Kinh sau vụ nổi dậy 55 ngày của phe “quyền phỉ”. Quyền cước của giới võ lâm so làm sao được với súng ống của liên quân Âu - Mỹ, để rồi năm sau Từ Hi thái hậu phải cúi mình trước hòa ước Tân Sửu! 110 năm sau, với 2.648 tỉ USD thặng dư dự trữ, đến lượt Trung Quốc đợi EU giãy chết để thí cho vài tỉ euro hay USD (có gì khác?) cùng với cái “thòng lọng” cũng đủ để trả hận năm xưa! Vài tỉ USD hay euro cũng đủ để “bán linh hồn” rồi. Bằng cớ là nước Pháp vừa bán cho Nga hai tàu đổ bộ và chỉ huy Mistral cùng các bí mật quân sự kèm theo, một hành động “đâm sau lưng” NATO chỉ để đổi lấy “công ăn việc làm cho 1.000 người trong vòng bốn năm”, theo giải thích của Phủ tổng thống Pháp! Pháp có đến 2.564.900 người thất nghiệp, vậy sẽ còn phải “bán độ” bao nhiêu máy bay, tàu chiến nữa cho đủ? May mà Pháp còn có sản phẩm kỹ thuật cao để mà bán, chứ hầu hết các nước EU khác lấy gì bán để cứu 21 triệu người thất nghiệp? May mà Pháp còn là một trong hai “đầu máy” đang kéo chuyến xe lửa EU cùng với Đức. Pháp chưa “chết dở” như Hi Lạp, Ireland, Tây Ban Nha... song cũng đang “sống dở” - ngày 1-1 tới, lương tối thiểu tăng từ 8,86 lên 9 euro/giờ, tức 1.365 euro/tháng, trừ thuế còn lại 1.073 euro làm sao sống! “Đầu máy” Đức dù có của ăn của để, song nay đang cố kéo cày trả nợ giùm các nước kia, cũng đang sợ đến lượt mình kiệt sức! Tất nhiên, việc “giải thể” đồng euro vẫn chưa có gì hiển hiện, song ít nhất Tổng thống Pháp Sarkozy đã phải đăng đàn để bảo vệ đồng tiền đang mất giá lẫn mất niềm tin này: “Ý tưởng rút khỏi đồng euro là không thể hình dung được và là vô trách nhiệm. Đồng euro chính là trái tim của châu Âu. Giải thể đồng euro chính là giải tán châu Âu...!”. Từ kẻ cho viện trợ nay có nguy cơ trở thành kẻ đi vay nợ. Thế cho nên ông Sarkozy mới hét vào mặt các đồng sự “chuyên gia vay nợ”: “EU cần hợp nhất chính sách!”, tức là các ông nên bớt chủ quyền kinh tế quốc gia đi để chấp hành lệnh giải cứu! Thà là “nhục với nhau” còn hơn là nhục với người ngoài! Năm 1901, nhà Thanh phải chịu nhục ký với Âu - Mỹ hòa ước Tân Sửu. Năm tới Tân Mão, EU sẽ phải ký “nợ ước” gì để chữa chạy bệnh “vung tay quá trán” đã qua? DANH ĐỨC// Theo Tuổi Trẻ
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com