Quan hệ Mỹ – Trung hiện đang phải đối mặt với các cuộc “Chiến tranh tiền tệ” và “Chiến tranh mậu dịch” sau khi Quốc hội Mỹ thông qua sắc lệnh “Thuế quan đặc biệt” ngày 24/9/2010.
Sắc lệnh này đánh vào hàng hóa Trung Quốc để trả đũa cho việc Trung Quốc duy trì tỉ giá thấp so với đồng USD nhằm đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ. Phía Trung Quốc cho biết họ sẽ áp dụng những biện pháp trả đũa đối với hàng hóa và doanh nghiệp Mỹ.
Mỹ và Trung Quốc đã nhiều lần đứng trước bờ vực thẳm của Chiến tranh tiền tệ và Chiến tranh mậu dịch, nhất là những năm gần đây khi thực lực kinh tế của Trung Quốc tăng nhanh nhờ dựa vào đẩy mạnh xuất khẩu, từ đó duy trì được tốc độ tăng trưởng GDP luôn ở mức cao.
Khi bước vào cải cách mở cửa năm 1978, GDP của Trung Quốc đứng vị trí thứ 10 thế giới (364,5 tỉ NDT), năm 2007 vượt Đức, trở thành thực thể kinh tế thứ ba thế giới sau Mỹ và Nhật Bản. Năm 2009, GDP của Nhật Bản đạt 5.070 tỉ USD và GDP của Trung Quốc đạt 4.909 tỉ USD, đã xấp xỉ ngang nhau.
Bước vào năm 2010, GDP trong Quí 1/2010 của Nhật Bản chỉ tăng trưởng 1,2%, dự kiến cả năm đạt 2,4%, trong khi Trung Quốc vẫn duy trì đà tăng trưởng 11% cả năm, dự kiến GDP năm 2010 của Trung Quốc sẽ vượt Nhật Bản, trở thành thực thể kinh tế thứ hai thế giới sau Mỹ.
Trong “Báo cáo phát triển kinh xã hội Châu á - Thái Bình Dương” công bố ngày 6/5/2010, Uỷ ban kinh tế Châu á-Thái Bình Dương của Liên Hợp Quốc cho biết tăng trưởng kinh tế khu vực này năm 2010 đạt 7%, trong đó của Trung Quốc đạt 9,5% và sẽ trở thành thực thể kinh tế lớn thứ hai thế giới.
“Mạng tin kinh tế” của Nhật Bản ngày 16/2/2010 cho biết Chính phủ Nhật Bản cho rằng GDP năm 2010 của Nhật Bản sẽ bị Trung Quốc vượt qua và đẩy xuống vị trí thứ ba sau Mỹ và Trung Quốc. Nhưng xét về GDP tính bình quân đầu người, thì Nhật vẫn có nhiều ưu thế, vì gấp 10 lần Trung Quốc. Nhưng mối đe dọa sức cạnh tranh đang thách thức Nhật Bản.
Các nhà kinh tế Hàn Quốc cho rằng điều quan trọng hơn là ảnh hưởng của Trung Quốc đối với kinh tế thế giới và khu vực. Xét về mặt này, so với kinh tế Nhật Bản thì rõ ràng kinh tế Trung Quốc đang ảnh hưởng mạnh mẽ tới các nước thế giới và khu vực. Hiện nay mức độ phụ thuộc của kinh tế Hàn Quốc vào Trung Quốc gấp hai lần so với Mỹ. Kim ngạch buôn bán với Trung Quốc chiếm 20% tổng kim ngạch buôn bán của Hàn Quốc.
Trong bài “Năm 2030 GDP của Trung Quốc vượt Mỹ xưng bá thế giới”, Tờ “Nhật Báo thế giới” của Mỹ ngày 7/6/2010 viết: “Tỉ trọng GDP hiện nay của Trung Quốc chỉ chiếm 8,3% tỉ trọng GDP thế giới, nhưng với đà tăng trưởng này, dự kiến sẽ chiếm tới 23,9% ,đứng đầu thế giới (thay Mỹ) vào năm 2030. Trong khi đó tỉ trọng GDP của Nhật Bản sẽ từ 8,8% hiện nay tụt xuống còn 5,8%, của Mỹ từ 24,9% hiện nay tụt xuống còn 17% vào năm 2030”.
Trong bài nhan đề “GDP vượt Nhật Bản mừng và lo”, Tờ “Thế giới” của Thái Lan ngày 19/5/2010 viết: “GDP của Trung Quốc vượt Nhật Bản mừng cũng nhiều mà lo cũng lắm.” Bài báo cho rằng tuy trở thành thực thể kinh tế số 2, nhưng Trung Quốc vẫn còn nhiều nỗi lo, chủ yếu thể hiện trên các mặt sau:
1-Tuy vượt Nhật Bản, nhưng GDP bình quân đầu người vẫn thấp và Trung Quốc vẫn chưa thể bỏ được chiếc mũ “nước giàu dân nghèo”. Điều trớ trêu là dù đứng thứ hai thế giới, nhưng Trung Quốc vẫn là nước “đang phát triển”.
2-Sức ép và cái giá phải trả cho tăng trưởng GDP quá cao, như khai thác khánh kiệt nhiều nguồn nguyên vật liệu, duy trì vật giá rẻ, lương thấp, tàn phá nghiêm trọng môi trường...
3-Sau khi đứng gần Mỹ, thì cọ sát kinh tế với Mỹ chắc chắn sẽ tăng lên nhiều. Đây là điều đáng lo ngại nhất.
“Mạng tin Trung Quốc” ngày 7/6/2010 đăng bình luận “Chớ nên say sưa với bả hư vinh tăng trưởng GDP”. Bài báo viết: hiện nay báo chí và cơ quan thông tin đại chúng các nước Phương Tây ra sức tuyên truyền về “Trung Quốc xưng bá GDP”. Nhìn lại bài học Nhật Bản trước đây khi trở thành thực thể kinh tế thứ hai vào năm 1968 ta thấy Trung Quốc hiện giống như Nhật Bản thời gian đó. Năm 1979 trường Đại học Harvard Mỹ xuất bản cuốn “Nhật Bản đứng đầu thế giới”, cuốn sách đã thu hút đông đảo độc giả và giới kinh tế Mỹ. Nhưng ngay sau đó thì Nhật Bản trở thành mục tiêu số 1 để Mỹ kiềm chế, trừng phạt, thể hiện nhất là “Hiệp định Plaza” năm 1985 ép Nhật Bản tăng giá đồng Yên so với đồng USD, làm cho kinh tế Nhật điêu đứng từ đó tới hiện nay.
Báo chí Trung Quốc cho rằng, cùng với “Thuyết mối đe dọa của Trung Quốc”, nay lại có thêm “Thuyết Trung Quốc xưng bá GDP”, nên Trung Quốc phải cảnh giác. Nếu cứ say sưa với “GDP tăng trưởng cao” thì Trung Quốc sẽ dễ bị sa bẫy như Nhật Bản hơn 25 năm trước đây. Bởi vì Trung Quốc đang trở thành mục tiêu kiềm chế và trừng phạt kinh tế của Mỹ và các nước Phương Tây. Các cuộc “Chiến tranh tiền tệ” và “Chiến tranh mậu dịch” đang hiện ra trước mặt Trung Quốc .
(tamnhin)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com