Lãi suất kỳ hạn 10 năm tại Mỹ, Anh và Đức đều đang được neo giữ ở mức thấp đáng ngạc nhiên là 1,5%, con số này tại Nhật thậm chí chỉ ở mức 0,8%. Các nhà đầu tư có vẻ thích thú với chính sách lãi suất này bởi họ được lợi khi chi phí đi vay thấp mà tỷ lệ lạm phát thì ngày càng giảm.
Tuy nhiên, đối với các nhà hoạch định chính sách, câu hỏi đặt ra là tình trạng neo giữ lãi suất thấp như hiện nay liệu có tạo nên sự ổn định thực sự cho nền kinh tế, đặc biệt là trong dài hạn? Câu trả lời của các chuyên gia kinh tế là không, và đưa ra lời khuyên nên cân nhắc lại chính sách lãi suất với 3 yếu tố lập luận sau:
Thứ nhất, như chủ tịch Fed Bernanke đã từng đặt vấn đề trong 1 bài phát biểu năm 2005, thế giới này về bản chất vẫn là tiết kiệm, lượng tiền tiết kiệm của người dân ngày một dâng cao.
Tại những nền kinh tế lớn như Đức hay Nhật, tỷ lệ dân số già chiếm số đông luôn có xu hướng tiết kiệm dành cho giai đoạn cuối đời. Tại Trung Quốc – một trong những thị trường mới nổi có nhu cầu tiêu thụ lớn nhất thế giới, chính phủ nước này đi đầu trong phong trào tiết kiệm, điển hình là chính sách tỷ giá thấp và nỗ lực nắm giữ lượng lớn trái phiếu. Lãi suất thấp duy trì quá lâu sẽ khiến thặng dư trên tài khoản vãng lai tại các nước này mất đi ưu thế, thậm chí có thể chuyển dần thành thâm hụt.
Thứ hai, trong cuộc chiến chống khủng hoảng dai dẳng hiện nay, ngân hàng trung ương của các nước lớn muốn giữ lãi suất cơ bản ở mức thấp gần như bằng không. Việc này về ngắn hạn là có lợi, tuy nhiên, nếu kéo dài phương án này quá lâu nó sẽ gây ra phản tác dụng, thị trường vốn ngắn sẽ bị phá vỡ và chi phí đi vay dài hạn khi đó tự động sẽ tăng lên. Khi đó, mọi chuyện còn tồi tệ hơn.
Nguyên nhân thứ 3, một nhóm các nhà đầu tư hiện nay trở nên thận trọng khi hệ thống tài chính thế giới cho thấy nhiều dấu hiệu “băng tan – nước biển dâng” do lãi suất thấp bị duy trì 1 thời gian dài.
Điển hình cho các dấu hiệu này là tình trạng căng thẳng tài khóa (fiscal cliff) của chính phủ Mỹ, khi chi tiêu của chính phủ vượt quá hạn mức dẫn đến nợ công tăng cao, tình trạng bất ổn chính trị ở Trung Đông, tình trạng giảm tăng trưởng ở Trung Quốc khi đầu tư công của chính phủ không đem lại hiệu quả. Sự e ngại đó sẽ biến thành nỗi sợ hãi trên diện rộng gây hại cho nền kinh tế nếu tình hình tiếp tục diễn biến theo hướng này.
Tất nhiên, phân tích trên đây chỉ là cái nhìn từ một góc độ. Chính sách lãi suất thấp sẽ vẫn là liều thuốc bổ cho kinh tế thế giới trong cơn ốm yếu lúc này. Nếu có những thay đổi xảy ra, chắc chắn nó sẽ diễn ra trong một tương lai tương đối xa.
Theo TTVN/BI
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com