![]() |
(Ảnh minh họa: Corbis) |
Với khá nhiều dấu hiệu kinh tế vĩ mô khả quan trong quý III/2010, nhiều khả năng kinh tế Việt Nam năm nay sẽ đạt kịch bản tăng trưởng cao trong tính toán của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, với mức tăng GDP 6,7%.
Có quan điểm cho rằng, đã đến lúc cần tính tới những nới lỏng nhất định trong chính sách tiền tệ để thúc đẩy đà phục hồi của các doanh nghiệp, nhất là khi lần đầu tiên trong vài năm trở lại đây, công nghiệp quay trở lại vị trí dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế, thay cho dịch vụ.
Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 1,34% so với tháng 8 đã khiến CPI tháng 9 tăng 6,46% so với tháng 12/2009. Tính theo năm, CPI tháng 9/2010 đã tăng 8,92% so với cùng kỳ năm ngoái; CPI bình quân 9 tháng năm nay tăng 8,64% so với bình quân 9 tháng năm 2009. Với tốc độ tăng giá trong những tháng cuối năm được dự báo tiếp tục ở mức cao, khả năng kìm giữ lạm phát cả năm ở mức 8% là bài toán rất khó.
Trên nền lạm phát cao, động thái chính sách theo hướng nới lỏng sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thậm chí, giới nghiên cứu cho rằng, chính sách nới lỏng phục vụ nhu cầu đầu tư, nếu thực hiện quá sớm, có thể sẽ dẫn đến những xáo trộn trong thị trường ngoại hối và thị trường tiền tệ liên ngân hàng.
Các chuyên gia Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng đưa ra những cảnh báo bất ổn từ chỉ số lạm phát cao, dự tính có thể lên tới 9,5% so với năm 2009.
Thực tế, lạm phát cao đang cản trở nỗ lực lớn của các ngân hàng thương mại trong việc kéo lãi suất cho vay xuống mức 12% theo chủ trương của Chính phủ. Mới đây nhất, hưởng ứng lời kêu gọi của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam một số ngân hàng thương mại đã bắt đầu có những nỗ lực nhất định nhằm giảm lãi suất huy động tiền đồng không vượt quá 11%/năm và lãi suất huy động USD xuống thấp hơn mức 4,7 - 5,2%/năm hiện tại.Tuy nhiên, nỗ lực này sẽ bất thành nếu các giải pháp kiềm chế lạm phát không đạt được kết quả như mong muốn.
Bên cạnh đó, hai điểm mà giới phân tích kinh tế vĩ mô khuyến cáo, đó là tín hiệu trong điều hành kinh tế với thị trường phải nhất quán và sự kiên định trong ổn định kinh tế vĩ mô.
Cũng phải nhắc lại rằng, những đánh giá tín nhiệm thấp điểm đối với Việt Nam của một số tổ chức quốc tế vừa qua không phải vì các chỉ số kinh tế vĩ mô có độ rủi ro cao hay bất ổn, mà do sự thiếu nhất quán, thiếu rõ ràng về chính sách, nhất là những vấn đề tăng trưởng kinh tế vĩ mô.
Tất nhiên, trong khía cạnh nhất quán của chính sách, vẫn phải có sự linh hoạt nhất định, thể hiện ở chính các vấn đề liên quan đến điều tiết khu vực tài chính, lắng nghe thị trường để có thể điều chỉnh hợp lý. Biểu hiện rõ nhất là những chỉnh sửa Thông tư 13/2010/TT-NHNN và một số quy định trên thị trường tiền tệ thời gian qua.
Đặc biệt, sự phối hợp giữa chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ tiếp tục được nhắc tới. Hiện tại, việc điều hành chính sách tài khoá, liên quan đến đầu tư công, khối lượng và các đợt phát hành trái phiếu..., kết hợp với những quy định trên thị trường tài chính, trong chừng mực nhất định, sẽ giảm áp lực về tăng lãi suất.
(Theo Bảo Duy // Báo đầu tư)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com