Nội dung bắt buộc áp dụng đấu thầu trong bảo hiểm đã được đưa vào Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi, bổ sung để đệ trình lên Quốc hội vào kỳ họp thứ 8 tới.
Tuy nhiên, thị trường vẫn tồn tại nhiều ý kiến không đồng tình với nội dung này, nhất là từ các doanh nghiệp bảo hiểm trong ngành. Các doanh nghiệp bảo hiểm này cho rằng, việc áp dụng đấu thầu bắt buộc đối với bảo hiểm, nhất là đối với bảo hiểm đặc thù chưa chắc đã mang lại hiệu quả như mong đợi, thậm chí đi ngược xu hướng quốc tế.
Theo các doanh nghiệp này, việc có bắt buộc đấu thầu trong bảo hiểm hay không, cũng không hề ảnh hưởng tới tính “phân tán rủi ro” cũng như tính cạnh tranh trên thị trường. Nhóm DN này kiến nghị các nhà hoạch định chính sách nên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi có quyết định cuối cùng.
Phân tán rủi ro?
Trao đổi với phóng viên ngày 18/9, đại diện Tổng công ty Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam (PVI) phản đối quan điểm cho rằng, nếu tiếp tục giữ nguyên Luật Kinh doanh bảo hiểm sẽ dẫn tới việc không đạt được mục đích chính của bảo hiểm là “phân tán rủi ro”. Bởi lẽ, theo vị này, các DN bảo hiểm trong ngành thường có hiểu biết rõ nhất về lĩnh vực của mình nên có khả năng xây dựng, tư vấn quy trình quản lý rủi ro, để từ đó có thể đề phòng và hạn chế tổn thất tốt nhất. Nhờ đó, các đơn vị trong ngành sẽ được thu xếp những dịch vụ bảo hiểm có chất lượng và phù hợp nhất.
Còn tính về “phân tán rủi ro”, theo vị này, sẽ là hiệu quả nhất khi thực hiện tái bảo hiểm dù công ty tái bảo hiểm là DN trong hay ngoài ngành. Đối với những gói bảo hiểm có giá trị lớn thì có thể tái bảo hiểm ra nước ngoài với sự tư vấn cả về giá cả và phạm vi bảo hiểm của các công ty tái bảo hiểm lớn, uy tín trên thế giới như Lloyd, Swiss Re, Munich Re, AIG...
Hơn nữa, Bộ Tài chính cũng đã có những quy định về mức giữ lại tối đa đối với mỗi dịch vụ bảo hiểm nên việc được bảo hiểm bởi một DN trong hay ngoài ngành không ảnh hưởng gì tới nguyên tắc phân tán rủi ro. Do đó, nếu có thay đổi Luật theo hướng áp dụng đấu thầu cũng khó có thể tăng sức cạnh tranh giữa các nhà thầu bảo hiểm trong nước.
“Nói một cách đơn giản, các DN bảo hiểm nội bộ có thể đánh giá chính xác, nên giữ lại bao nhiêu rủi ro, phần còn lại mới tái cho các hãng ở nước ngoài. Điều này cũng một phần giúp đất nước tiết kiệm lượng ngoại tệ”, vị này nói thêm.
Có gây cạnh tranh không lành mạnh?
Theo đại diện của PTI, sự tồn tại của các công ty bảo hiểm trong ngành chưa hẳn sẽ gây ra sự cạnh tranh thiếu lành mạnh. Bởi lẽ, phần lớn doanh thu của các hãng bảo hiểm trong ngành tiêu biểu ở nước ta như MIC, PJICO, PTI, PVI… là do kinh doanh bảo hiểm ngoài ngành. Do vậy, sự tồn tại của việc bắt buộc đấu thầu trong bảo hiểm dù có hay không cũng không hề ảnh hưởng tới tính cạnh tranh trên thị trường. Một câu hỏi được đặt ra là, tại Việt Nam, các công ty bảo hiểm của mỗi ngành hay tập đoàn lập ra đang thực sự có lợi thế lớn so với những đối thủ bên ngoài trong việc cạnh tranh mảng thị trường trong ngành hay tập đoàn đó? Câu trả lời từ các DN bảo hiểm đó là không hẳn vậy. Vị này dẫn chứng, “trong vấn đề chống tham nhũng thì việc buộc hay miễn cưỡng sử dụng dịch vụ trong ngành là mang tính tích cực. Ai cũng biết, để ‘giành giật’ được khách hàng lớn tham gia mua bảo hiểm, các doanh nghiệp bảo hiểm đều có một khoản chi ‘k’. Nhưng, đối với các công ty trong ngành hay cùng tập đoàn thì khoản này là không có hoặc rất nhỏ, trong khi các đối thủ bên ngoài luôn lấy nó như tuyệt chiêu để giành giật khách hàng. Với cơ chế như hiện nay thì sử dụng dịch vụ trong ngành ít ra hạn chế và tiết kiệm được đáng kể một khoản tiền cho Nhà nước”.
Có đi ngược xu thế quốc tế?
Một chuyên viên bảo hiểm của MIC cho hay, trong khi trên thế giới vẫn đang phổ biến xu hướng các tập đoàn kinh tế thành lập công ty bảo hiểm trong ngành và sử dụng bảo hiểm của chính những công ty này thì Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi, bổ sung lại đang đi ngược lại xu thế đó. Do vậy, những nhà lập pháp cũng như các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam nên cân nhắc ban hành những điều luật sao cho phù hợp với lợi ích chung của quốc gia, tình hình quốc tế, chứ không phải là chạy theo lối mòn suy nghĩ “chống độc quyền” một cách phiến diện.
Đồng quan điểm với đại diện MIC, đại diện PVI cũng cho rằng, mô hình DN bảo hiểm trong nội bộ tập đoàn (captive insurer) vẫn đang được cả thế giới áp dụng. Hầu hết tập đoàn lớn về đầu tư tài chính, ngân hàng, bất động sản đều có “captive insurer” cho riêng mình và họ hoạt động rất hiệu quả như: Allianz, AIG, HSBC… Ngay cả khi AIG có vấn đề thì riêng mảng bảo hiểm vẫn tăng trưởng tốt.
“Bên cạnh Việt Nam, Tập đoàn Petronas là mô hình đáng để học tập khi ‘captive insurer’ của họ là một trong những nhà bảo hiểm lớn nhất Malaysia và ai dám bảo rằng Malaysia có môi trường bảo hiểm xấu hơn chúng ta. Hay chúng ta đang muốn đi một lối riêng khi xóa bỏ ‘captive’?”, vị này đặt câu hỏi.
(Đầu tư Chứng khoán điện tử)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com