Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Cộng hưởng

Từ tháng 7 tới đây sẽ có sự cộng hưởng của nhiều yếu tố trong và ngoài nước, góp phần làm cho lạm phát có nguy cơ trở lại. Những yếu tố đó là gì?

Thứ nhất là các khoản tiền tiết kiệm với lãi suất lên đến trên dưới 19%/năm đã đến kỳ đáo hạn, được người gửi rút ra. Có thể một phần trong tổng số tiền này tiếp tục được gửi lại ngân hàng, nhưng chủ yếu là số tiền nhỏ; số tiền của những người có thói quen “tích cốc phòng cơ”, tích cóp cho những công việc lớn hơn; không biết đầu tư, không dám đầu tư mạo hiểm; số tiền tạm thời nhàn rỗi; số tiền của các nhà đầu tư “tạm trú” ở kênh tiết kiệm để nhảy vào các kênh đầu tư có tỷ suất lợi nhuận cao hơn... Lãi suất tiết kiệm hiện nay đang thực dương vì nó cao hơn tốc độ tăng giá tiêu dùng, nhưng vẫn không đủ hấp dẫn các nhà đầu tư.

Thứ hai là lượng tiền trong lưu thông tăng lên từ sự nới lỏng chính sách tiền tệ, tài khóa từ cuối năm trước đến nay và việc đưa ra các gói kích cầu đầu tư tiêu dùng. Tính đến nay, đã có bốn quyết định của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ lãi suất (131, 443, 497, 579), trong đó gói kích cầu đầu tiên với lượng “vốn mồi” 17.000 tỉ đồng, đến nay lượng vốn đã giải ngân là 291.886 tỉ đồng (tính đến 14-5).

Tăng trưởng dư nợ tín dụng, tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán mới qua bốn tháng đã lên đến trên 11%; dự kiến cả năm lên đến trên dưới 25%, cao gấp khoảng 5 lần tốc độ tăng trưởng kinh tế - một con số khá cao so với các nước trong khu vực (thường trên dưới 2,3 lần). Tổng giá trị các gói kích cầu lên đến 143.000 tỉ đồng, tương đương với 8 tỉ đô la Mỹ. Tỷ lệ giá trị kích cầu so với GDP gần 10% (Mỹ 4,8%, Trung Quốc 4,4%, Đức 3,4%, Nhật Bản 2,2%, Pháp 1,3%...).

Thứ ba là việc tăng lương tối thiểu từ đầu tháng 5 đối với công chức, viên chức, tăng trợ cấp cho người nghỉ hưu và các đối tượng hưởng từ nguồn ngân sách sẽ làm tăng sức mua có khả năng thanh toán của một bộ phận dân cư.

Thứ tư là việc tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường đối với một số hàng hóa, dịch vụ, trong đó có giá điện, giá xăng dầu, giá nước sạch… cũng sẽ làm cho mặt bằng giá tiêu dùng tăng lên. Điều quan trọng là hệ thống phân phối, công tác quản lý thị trường giá cả còn những hạn chế bất cập, nên tình trạng “té nước theo giá”, “tát nước theo lương” thường diễn ra làm cho mặt bằng giá bị đẩy lên.

Thứ năm là người tiêu dùng đã bắt đầu chi tiêu cao hơn, thể hiện ở chỗ tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng sau khi loại trừ yếu tố tăng giá đã tăng cao hơn những tháng trước và quan trọng là cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế (tháng một tăng 4%, hai tháng tăng 5%, ba tháng tăng 6,6%, bốn tháng tăng 7,4%).

Thứ sáu là lượng hàng hóa nhập siêu giảm mạnh so với năm trước. Bốn tháng đầu năm nay Việt Nam xuất siêu 801 triệu đô la Mỹ, trong khi cùng kỳ năm trước nhập siêu 11,57 tỉ đô la. Theo dự báo từ cuối quí 1 của Tổng cục Thống kê, mức nhập siêu cả năm khoảng 7 tỉ đô la, theo dự báo mới đây của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chiếm 8,7% GDP, suy ra cũng chỉ ở mức một chữ số - tức là chỉ vào khoảng trên dưới một nửa so với năm trước).

Thứ bảy là giá hàng hóa nhập khẩu tăng có xu hướng tăng trở lại theo giá thế giới, cùng với sự tiềm ẩn lạm phát khi các gói kích thích kinh tế khổng lồ của các nước đưa ra từ cuối năm ngoái đến nay. Các loại hàng hóa đang có xu hướng tăng là xăng dầu, sắt thép, lúa mì, bông sợi... Mặt khác, do tỷ giá đồng Việt Nam/đô la Mỹ năm nay cao hơn năm trước (sau bốn tháng, tỷ giá đồng Việt Nam/đô la Mỹ tăng 3,88%, nếu tính sau một năm, tức là bình quân bốn tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước, tăng tới 9,95%, trong khi cùng kỳ năm trước các con số tương ứng là giảm 0,7% và giảm 0,54%). Điều đó có nghĩa là giá hàng nhập khẩu đang có xu hướng tăng “kép”.

Thứ tám là nhu cầu sản xuất và tiêu dùng có thể tăng lên khi nền kinh tế đã có dấu hiệu thoát “đáy” từ quí 2 và đi lên vào quí 3 và 4. Từng yếu tố trên sẽ tác động đến tái lạm phát và khi nó cộng hưởng nhau trong khoảng thời gian nhất định, thường là vào dịp cuối năm, thì nguy cơ tái lạm phát là không thể coi thường. Đây cũng là điều cảnh báo đối với các nhà hoạch định chính sách vĩ mô về những liều lượng, thời gian thực hiện của các giải pháp từ nay đến cuối năm.

(Theo Phương Nam // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Vì sao chính sách tỷ giá chưa tác động tới xuất khẩu?
  • FDI 6 tháng đầu năm có gì đáng chú ý?
  • Quản trị chi tiêu công: Lỗ hà ra lỗ hổng?
  • Nước Mỹ và hai mối lo trái dấu
  • 8 nguyên nhân khiến dự án ODA chậm giải ngân
  • HSBC: biến động tỷ giá sẽ bất lợi với doanh nghiệp
  • Thế giới sắp có đồng tiền dự trữ mới
  • Châu Á có nguy cơ bị hạ bậc tín dụng
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!