Hiện có rất nhiều CTCK đã và đang nỗ lực đầu tư trong bối cảnh thị trường suy thoái. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng bên cạnh số ít CTCK kiên định phát triển, thì hầu hết các CTCK hiện nay đều có chung giải pháp là co hẹp hoạt động, tìm mọi cách giảm thiểu chi phí để sống sót.
Vấn đề là cho dù 105 CTCK đều sẽ sống sót qua cơn khó khăn, điều mà nhìn ở thời điểm hiện nay có vẻ như không tưởng, thì ít nhất vài ba năm tới, vẫn là một số lượng CTCK quá nhiều so với nhu cầu thực của thị trường. Vậy tại sao thua lỗ, tại sao tồn tại mong manh, lại biết trước miếng bánh thị phần sẽ càng lúc càng nhỏ, mà các CTCK vẫn kiên trì cầm cự ?
Gồng mình lỗ và chờ... thời
Mở màn cho báo cáo kết quả kinh doanh quý II và 6 tháng đầu năm 2011 là con số lỗ 1.084 tỉ đồng của 15 CTCK. Đây không phải là con số lỗ “khủng” đầu tiên. Cũng chưa hẳn sau cùng. Dự kiến, nếu tình hình TTCK vẫn bi quan, thì con số lỗ còn tăng mạnh trong quý III. Chỉ tính riêng quý II và báo cáo tài chính có soát xét nửa năm, sau thời hạn 45 ngày, chắc chắn, danh sách thua lỗ sẽ còn dài thêm.
Nhưng đáng ngạc nhiên hơn là cho đến thời điểm này, thị trường vẫn chưa hề có một vụ phá sản CTCK nào. Các CTCK vẫn tiếp tục cầm cự, gồng mình qua bão. Khi được hỏi, hầu hết đại diện các CTCK đều rất nghiêm trang trả lời là “dù bão to gió giật đến đâu, thị trường suy thoái tới mức nào, họ vẫn tin tưởng vào triển vọng dài hạn của TTCK VN”.
Thực tế thì không phải CTCK nào cũng tin tưởng để mà gồng mình với con số lỗ từ dăm chục, lên tới hàng trăm tỉ đồng mỗi năm. Một chuyên gia chứng khoán cho biết có rất nhiều lý do để các CTCK buộc phải tiếp tục nỗ lực cầm cự, dù muốn hay không. Trong đó, với một số Cty, “tồn tại hay không tồn tại” không phải là vấn đề, mà là muốn phá sản cũng chẳng dễ. Đó là trường hợp các Cty đã “lỡ” có các cổ đông sáng lập, cổ đông lớn là những DN, tập đoàn có thương hiệu, doanh nhân tăm tiếng... Khi thị trường suy thoái, mục tiêu “hớt váng” bất thành, thì các thương hiệu lớn này dù liên tục bù lỗ cho các CTCK, cũng phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Vì với họ, nếu “chạy làng”, thì cái mất không chỉ là tiền khi cắt lỗ, mà cái mất chính là thương hiệu, uy tín...
Một số CTCK ban đầu được lập ra để phục vụ cho mục đích đầu tư chứng khoán của một tập đoàn, đại Cty, và cũng là tai mắt cho tập đoàn, đại Cty đó kinh doanh tài chính, hoặc cho các đại gia của các tập đoàn, đại Cty đó có cửa làm ăn. Những CTCK dạng này kinh doanh có lãi càng tốt, nếu không, đã có... chống lưng. Đa phần hoạt động tự doanh của các CTCK dạng này sẽ chỉ loanh quanh ở một vài mã cổ phiếu, trong đó chắc chắn có cổ phiếu “trụ cột” thuộc tập đoàn, đại Cty. Nhà đầu tư mở tài khoản tại các CTCK dạng này cũng chủ yếu là các ông chủ, cổ đông, nhân viên của họ. Thị trường im ắng thì thu hẹp hoạt động. Thị trường sôi động thì lại bung ra tư vấn, bảo lãnh phát hành, thu xếp vốn “loanh quanh” trong nội bộ thành viên hoặc giữa các đơn vị mà họ đầu tư tài chính...Và vẫn sống.
Đông đảo nhất, có lẽ dạng thứ ba, các CTCK chờ thời cơ “bán mình” cho các đối tác trong và ngoài nước giàu tiềm lực hơn, hy vọng cơ hội tái cơ cấu hoặc thu hồi vốn cộng thêm chút lãi.
Lại... “hot” ?
TTCK tuy đã đi xuống hơn ba năm, nhưng những năm tháng thăng hoa của TTCKVN, những thời điểm các nhà đầu tư bỗng nhiên thành tỉ phú, các DNNVV biến thành các đại Cty, thương hiệu lớn, nói như ông Bùi Huy Hoàn - Vụ trưởng UBCKNN, là điều mà thị trường chưa thể quên. Và do đó, không chỉ các CTCK đang bên bờ vực phá sản vẫn cầm cự bằng hi vọng, nhiều tổ chức, cá nhân cũng ngày vàng son trở lại. Trong năm 2010 và 6 tháng đầu năm 2011, thị trường chứng kiến nhiều thương vụ góp vốn, thay tên đổi chủ: Chứng khoán E-Việt tăng vốn từ 35 tỉ lên 161 tỉ đồng, đổi tên thành Chứng khoán NaviBank, Cty tư vấn đầu tư Tầm Nhìn góp vốn 15,1% vào CTCK Tầm Nhìn, Chứng khoán Miền Nam tăng vốn từ 40 tỉ lên 340 tỉ đồng với vốn góp của Ngân hàng Phương Nam, Chứng khoán Viettranimex đổi tên thành Chứng khoán Liên Việt; Chứng khoán Thái Bình Dương đổi tên thành Chứng khoán Trí Việt; Chứng khoán Standard đổi tên thành Chứng khoán Maritime Bank với 2% vốn góp từ ngân hàng này...
Song song với việc các ngân hàng cổ phần đẩy mạnh góp vốn vào các CTCK, là những thương vụ bán cổ phần cho các đối tác nước ngoài: Chứng khoán Gia Quyền (EPS) bán cho Tập đoàn đầu tư tài chính KIS của Hàn Quốc 49%, tăng vốn điều lệ từ 135 tỉ lên 236,6 tỉ đồng và đổi tên thành Chứng khoán KIS VN, Chứng khoán FPTS và Chứng khoán Dầu khí bán cổ phần cho đối tác Nhật SBI và Nikko Cordial với tỉ lệ lần lượt 20% và 15% ...
Các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tính phương án hấp dẫn và tiết kiệm chi phí bằng việc bỏ tiền mua lại các CTCK đang ngắc ngoải. |
Dường như không chỉ các ngân hàng thương mại trong nước chưa có CTCK của riêng mình thì chạy đua tìm chỗ góp vốn, nhiều nhà đầu tư, tập đoàn tài chính nước ngoài cũng tìm cách nâng tỉ lệ nắm giữ cổ phiếu các CTCK VN. Ông Huỳnh Anh Tuấn - TGĐ CTCK SJCS cho biết đã tiếp không ít nhà đầu tư đến đặt vấn đề hỏi mua CTCK. Tuy nhiên, do SJCS không dự tính chiến lược “bán”, hay thua lỗ đến mức độ “phải bán”, nên các vụ “hỏi thăm” đều chưa tiến tới đoạn đàm phán. Cũng theo ông Tuấn, có một số tổ chức đầu tư nước ngoài “tha thiết” với các CTCK VN đến mức đã thăm hỏi khoảng trên 50 CTCK, nhưng vẫn chưa thành công. “Do đó, không thể nói là các CTCK VN không có giá, dù giá sẽ không cao như hồi năm 2007 nhưng rõ ràng là vẫn có cơ hội để “bán mình”, hoặc ít nhất là với những CTCK không đầu tư hạ tầng, công nghệ, chi nhánh, cơ sở đáng kể, thì vẫn còn cơ hội bán... giấy phép. Đặc biệt, đối với các nhà đầu tư nước ngoài, việc thành lập CTCK 100% vốn tại VN cho dù sẽ được chính thức thực hiện vào năm 2012, nhưng có lẽ điều đó cũng không hấp dẫn và tiết kiệm chi phí bằng việc bỏ tiền mua lại các CTCK đang ngắc ngoải, mua được rồi chỉ cần tái cơ cấu và nâng cấp là lại chạy tốt”.
Còn một lý do khác để các CTCK cố gắng cầm cự, thậm chí có cơ sở để hy vọng “lên giá”, là nếu tới đây dự thảo Thông tư về tỉ lệ an toàn vốn của tổ chức tín dụng (TCTD) thay thế Thông tư 13 và 19 - Ngân hàng nhà nước (NHNN) được ban hành. Theo dự thảo thì điều kiện để các TCTD được cho vay chứng khoán để tự doanh, cho vay có bảo đảm (cầm cố cổ phiếu, bảo đảm bằng tài sản khác, ứng trước đối với cổ phiếu khách hàng đã bán) là phải đảm bảo tỉ lệ an toàn vốn (CAR) tối thiểu từ 10% trở lên. Ngoài ra, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực này tại các ngân hàng không được vượt quá 3% vốn tự có. Trong khi đó, dự thảo Quy chế hướng dẫn giao dịch mua ký quỹ chứng khoán mà UBCKNN công bố vào đầu tháng 6 lại cho phép CTCK được cho vay tới 200% vốn chủ sở hữu, thay vì tỉ lệ 100% như dự thảo trước, và hạn mức cho vay của CTCK với một khách hàng cũng lên mức 3% từ mức 1% vốn chủ sở hữu trước đây.
Khi các NH bị hạn chế cho vay còn các CTCK lại được phép nới van tín dụng đối với kinh doanh chứng khoán, thì không loại trừ hoạt động mua bán cổ phần của các CTCK đang được hỗ trợ từ các... dự thảo.
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com