![]() |
Viettel đầu tư tại Lào với tên gọi Unitel |
Cùng với việc nhìn nhận lại dòng vốn FDI trong việc phát triển kinh tế đất nước, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, khơi thông dòng vốn Việt tại các thị trường lân cận cũng là cách DN VN khẳng định vị thế.
Cùng với việc VN gia nhập và thực hiện các cam kết trong khuôn khổ WTO, các DN VN trong thời gian gần đây đang có xu hướng đẩy mạnh đầu tư trực tiếp ra nước ngoài. Đến đầu năm 2010, đã có trên 2 tỷ USD đầu tư trực tiếp của các DN VN ra nước ngoài... Đây là hiện tượng mới đáng khích lệ vì mang lại lợi ích tổng hợp, đặc biệt từ góc độ góp phần mở rộng thị trường xuất khẩu của hàng VN.
Lợi ích nhiều chiều
Việc đầu tư ra nước ngoài (từ việc đặt văn phòng đại diện, chi nhánh, các đại lý tiêu thụ sản phẩm, DN hay lập các xưởng sản xuất- kinh doanh trực tiếp...) sẽ cho phép các nhà đầu tư VN chủ động xây dựng được hệ thống phân phối hàng hoá riêng, cũng như cho phép họ nắm bắt nhanh, kịp thời và chính xác hơn các động thái, nhu cầu và thị hiếu thị trường bản địa, từ đó có những quyết định thích hợp, điều chỉnh mẫu, mã, chất lượng, giá trị sử dụng và giá cả sản phẩm cùng các hoạt động sản xuất - kinh doanh khác của mình, đảm bảo giữ vững sản lượng và tiêu thụ sản phẩm... Hơn nữa, việc này còn cho phép DN VN tiếp cận sâu, rộng hơn với thị trường nước ngoài, từ đó đa dạng hoá và không ngừng bổ sung, mở rộng các đối tác, thị trường nguyên liệu, nguồn cung ứng máy móc, công nghệ, nguyên vật liệu và khách hàng... Đặc biệt, việc này cũng cho phép mở rộng dòng vốn đổ vào trong nước bắt nguồn trực tiếp từ sự hồi hương những khoản lợi nhuận thu được từ việc đầu tư ra nước ngoài, hay từ kết quả vận động đầu tư trực tiếp của DN với các đối tác nước ngoài.
Ngoài ra, việc các doanh nhân VN đầu tư vào các thị trường nước ngoài có sẵn cộng đồng người VN đang định cư và bám rễ khá sâu vào đời sống, sinh hoạt kinh tế - xã hội địa phương là hết sức thuận lợi và cần thiết, vì cho phép VN tận dụng các nguồn vốn tài chính, chất xám, các quan hệ thân thuộc đa dạng, nhiều chiều, nhiều cấp độ và hữu ích đang có tại các nước - thị trường lớn này của VN, cả hiện tại lẫn tương lai. Đồng thời, còn trực tiếp tăng sự quảng bá hình ảnh đất nước, con người và củng cố vị thế của VN ở các địa phương này nói riêng, ở thị trường thế giới nói chung. Hơn thế, việc này cũng mở ra các cơ hội đầu tư, công ăn việc làm, du học và đào tạo mới cho người VN ở cả trong nước lẫn ở nước ngoài.
Tóm lại, việc các doanh nhân và DN VN tăng cường đầu tư ra nước ngoài là đồng nghĩa với việc mở thêm các mạng lưới, chân rết, các kênh và quan hệ kinh tế - xã hội mới của VN với thị trường nước ngoài, mà qua đó, các luồng vốn, khoa học, công nghệ và lao động sẽ tăng cường lưu chuyển hai chiều, tiếp thêm máu và đem lại những xung lực mới, tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội trong nước và cộng đồng VN ở nước ngoài, tạo hệ thống “rễ chùm” cần có để VN liên thông và hội nhập, bám rễ vững chắc và hiệu quả vào nhịp đập của đời sống kinh tế quốc tế, bảo đảm sự liền mạch thống nhất giữa sản xuất - tiêu thụ của DN trong xu hướng toàn cầu hoá hiện nay.
Vẫn cần sự hỗ trợ
Thứ nhất, tăng cường năng lực các thể chế pháp lý hỗ trợ doanh nhân và DN VN đầu tư ra nước ngoài.
VN cần tiếp tục ký kết và hoàn thiện nội dung các hiệp định, nghị định thư, luật, thoả thuận và các văn bản pháp lý kinh tế-tài chính, lao động và lưu trú, cùng những văn bản pháp lý khác trong nước và quốc tế liên quan trực tiếp và gián tiếp đến hoạt động đầu tư, lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ, lao động qua biên giới quốc gia.
Thành lập những bộ phận cơ cấu mang tính liên ngành và chuyên ngành, cùng các cán bộ chức năng chuyên trách, đủ trình độ và trách nhiệm cao về quản lý nhà nước các hoạt động đầu tư của VN ở nước ngoài. Các đại sứ quán, lãnh sự quán và phòng thương vụ VN ở nước ngoài phải quan tâm nhiều hơn tới các vấn đề kinh tế- thương mại, tức cần được giao nhiệm vụ chính thức, trọng yếu và cụ thể về tạo mọi điều kiện cao nhất, toàn diện để hỗ trợ các doanh nhân và DN VN đang và sẽ hoạt động tại quốc gia, vùng lãnh thổ do mình phụ trách, hỗ trợ về thủ tục, thậm chí bảo lãnh pháp lý, xin nước sở tại cho phép thành lập các hiệp hội DN, các trung tâm thương mại, các DN và tổ hợp sản xuất- kinh doanh của người VN ở những địa điểm thích hợp trên nước, vùng lãnh thổ sở tại. Các ngân hàng thương mại nhà nước VN cần có những chi nhánh, văn phòng đại diện ở nước ngoài, ưu tiên đặt tại các trung tâm lớn có cộng đồng đông đảo doanh nhân, DN VN hoặc ở những trung tâm thị trường tài chính quốc tế lớn để trực tiếp cung ứng các dịch vụ thanh toán, chuyển tiền và bảo lãnh cần thiết cho hoạt động đầu tư của VN ở nước ngoài.
Cần nghiên cứu thành lập các Cty đầu tư tài chính quốc tế thích hợp có chức năng huy động vốn đầu tư trong và ngoài nước để thực hiện đầu tư tài chính quốc tế, nhằm đa dạng hoá các công cụ đầu tư ra nước ngoài của doanh nhân và DN VN... Khuyến khích và hỗ trợ việc thành lập các hiệp hội và câu lạc bộ DN, doanh nhân VN ở từng nước, các hiệp hội ngành hàng đặt trụ sở trong nước và nhiều chi nhánh đại diện ở nước ngoài; chủ động tham gia và tích cực hoạt động trong các tổ chức hiệp hội ngành hàng khu vực và quốc tế.
Bên cạnh đó, chính phủ cần quan tâm việc tổ chức các đường dây nóng, các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc định kỳ và không định kỳ giữa Chính phủ - các doanh nhân, DN VN- các đại sứ quán, lãnh sự quán, thương vụ của VN và nước ngoài trên lãnh thổ VN và ở các nước - thị trường tiềm năng hay nơi có đông đảo cộng đồng doanh nhân, DN VN đang hoạt động... để nắm bắt và xử lý nhanh, kịp thời, chính xác, hiệu quả hơn các nhu cầu, vấn đề bức xúc đặt ra trong quá trình hoạt động đầu tư ra nước ngoài của doanh nhân, DN VN. Đặc biệt, cần coi trọng và triển khai mạnh trên thực tế các kế hoạch và sự hỗ trợ về pháp lý của nhà nước nhằm thành lập những trung tâm kinh tế thương mại , những loại hình chợ bán buôn và bán lẻ, cùng các dịch vụ có liên quan cho các hoạt động này của người VN ở nước ngoài, nhất là ở những thị trường đã và đang phát triển, truyền thống và cả các thị trường mới nổi nhằm thúc đẩy và nâng cao hiệu quả dòng đầu tư trực tiếp của VN ra nước ngoài.
Thứ hai, phát triển và nâng cao chất lượng các dịch vụ hỗ trợ doanh nhân, DN VN đầu tư ra nước ngoài.
Ưu tiên nổi bật trong số các dịch vụ này là cung cấp thông tin thị trường; thông tin đối tác, cơ hội và kinh nghiệm kinh doanh; thông tin về môi trường đầu tư (các quy định pháp lý, thủ tục xuất - nhập khẩu; các yêu cầu và giấy chứng nhận về vệ sinh an toàn, chất lượng sản phẩm; các đặc điểm văn hoá, thị hiếu tiêu dùng; hệ thống phân phối hàng;...) và các dịch vụ xúc tiến thương mại. Các DN cũng rất hoan nghênh và rất cần đến sự hỗ trợ về các dịch vụ hỗ trợ tư pháp, nhất là về đăng ký và xử lý tranh chấp thương hiệu, tư vấn kế toán, thuế, thủ tục xuất - nhập khẩu; các dịch vụ tài chính - ngân hàng, nổi bật là dịch vụ thanh toán, chuyển tiền, bảo hiểm và bảo lãnh tín dụng (kể cả bảo lãnh tín dụng quốc tế, thế chấp bằng tài sản ở trong nước của các doanh nhân và DN VN. Việc thành lập các kho ngoại quan ở trong nước và ở nước ngoài, phát triển hệ thống giao thông vận tải qua biên giới thuận lợi, nhanh, an toàn, rẻ là rất cần thiết để tăng cường sự lưu chuyển, thông thương hàng hoá, dịch vụ giữa thị trường trong nước và quốc tế, cũng như kích thích đầu tư ra nước ngoài của các doanh nhân và DN VN. Đặc biệt, việc cung ứng các dịch vụ bảo đảm an ninh cộng đồng và thoả mãn yêu cầu đời sống văn hoá - tinh thần cá nhân của các doanh nhân đang hoạt động đầu tư ở nước ngoài cũng không thể xem nhẹ, vì chúng góp phần trực tiếp động viên tinh thần và nâng cao bản lĩnh, hiệu quả kinh doanh, cũng như củng cố cái “cốt” tinh thần gắn bó với đất mẹ, cội nguồn dân tộc của các doanh nhân- những đứa con xa xứ.
(TS Nguyễn Minh Phong - Viện nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội)
(Theo // Diễn đàn doanh nghiệp)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com