Gia tăng tài sản với tư duy mới
Tiến sĩ Alan Phan, Chủ tịch, CEO Viasa Fund:
Thị trường luôn lu
ôn có chu kỳ lên & xuống. Nếu để ý sẽ thấy khi đi qua chu kỳ mới sẽ có nhiều tài sản được trao đổi, được tạo ra. Từ năm 2012, Việt Nam sẽ bước qua chu kỳ mới về tài sản, sẽ có những ngành nghề tạo được sự đột phá. Đây là cơ hội tốt cho người nghèo cải thiện cuộc sống nếu thay đổi tư duy. Tuy nhiên, không có bữa ăn nào miễn phí; có những cái phải trả giá (sức khỏe, tài sản,….) bằng giá thị trường. Những ai ôm giấc mộng vàng, giấc mộng làm giàu phải có được đam mê, kiên nhẫn, lợi thế cạnh tranh và cả sức khỏe để đi đến đích. Có một nguyên lý để gia tăng tài sản, đó là hãy nghĩ đến làm chủ dòng tiền và tiếp tục đề dòng tiền sinh lợi. Hy vọng trong mỗi người Việt Nam sẽ nhóm lửa cho mình, vượt qua mọi khó khăn để đi đến đích và tiếp tục truyền lửa lại cho người khác.
Có nhiều cơ hội làm ăn với Mỹ
Ông Lê Thành Ân, Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.HCM: Kinh tế Việt Nam đang thăng trầm cùng với
kinh tế thế giới; chắc chắn giai đoạn tới vẫn còn nhiều thách thức. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, Việt Nam sẽ trở thành 1 trong 20 nền kinh tế tăng trưởng nhất đến năm 2025. Việt Nam là một thị trường tiềm năng. Hợp tác giữa các thương nhân
Việt Nam - Hoa Kỳ sẽ mở ra nhiều cơ hội và mang lại lợi ích chung cho doanh nghiệp cả hai nước. Sự năng động của thị trường Việt Nam là rất đáng chú ý. Các doanh nhân Việt Nam năng động và có nhiều mối quan tâm kinh doanh khác nhau. Nhiều doanh nghiệp đã hội nhập tốt và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Đặng Doãn Kiên, Trưởng đại diện Aureos Capital VN: Mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) nhiều nhất là ở Mỹ, Trung Quốc. Châu Á TBD chiếm ¼ giao dịch. Ở Việt Nam, theo nghiên cứu của Nexus Group, sau 9 tháng đầu năm 2011, giá trị M&A ghi nhận được là 2,67 tỷ USD, tăng 150% so với cả năm 2010. Các thương vụ xảy ra chủ yếu là do các nguồn có yếu tố nước ngoài, chiếm 81,3%, chủ yếu từ Mỹ, Trung Quốc, Nhật. Năm 2011, các giao dịch M&A diễn ra nhiều do thoái vốn của các quỹ đầu tư. Ngành hàng tiêu dùng, tài chính và bất động sản đang dẫn đầu các ngành có tỷ trọng giao dịch cao. Năm 2012 hứa hẹn nhiều cơ hội M&A hơn đối với doanh nghiệp do chu kỳ thoái vốn của các Quỹ đầu tư và những khó khăn trên thị trường chứng khoán, bất động sản… khiến cho người bán và người mua sẽ gặp nhau dễ dàng hơn.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch HĐQT, CEO Công ty Trung Nguyên: Trong những năm qua thế giới liên tục gia tăng nhu cầu lương thực. Sử dụng nông sản làm năng lượng sinh học là một nhu cầu lớn hiện hữu. Tôi cho rằng, Việt Nam cần có một quốc sách nông nghiệp, cần phát huy sở trường của mình, Ở góc độ của doanh nghiệp, điều quan trọng là phải có văn hóa dám thất bại. Một doanh nhân muốn thành công phải có được tinh thần doanh nhân với 3 yếu tố cơ bản: Tinh thần của nông dân: chịu khó, cần cù; Tinh thần chiến binh: can đảm vượt qua mọi khó khăn trong bất kỳ hoàn cảnh khắc nghiệt nào; Có tầm nhìn toàn cầu: hãy làm lớn chuyện nhỏ và khởi đầu nhỏ nhưng có tư tưởng lớn.
Giải pháp truyền thông tích hợp
Ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT, CEO LeGroup: Những thống kê gần đây cho thấy lợi nhuận của ngành truyền thông, giải trí từ quảng cáo, tài trợ đang giảm sút. Năm 2012, trong tình hình khó khăn chung, các doanh nghiệp phải tiếp tục hợp lý hóa chi phí quảng cáo và marketing. Đó sẽ là một thách thức cho ngành truyền thông, giải trí. Tuy nhiên tăng trưởng quảng cáo trên internet sẽ tiếp tục tăng. Do vậy, các đơn vị kinh doanh ngành truyền thông, giải trí cần tính đến nhiều giải pháp tích hợp truyền thông (internet, mạng xã hội, ấn phẩm in, truyền hình, mobile App…) để cung cấp cho khách hàng các giải pháp tiếp thị, quảng cáo rẻ hơn, giảm thiểu chi phí.
Cơ hội lớn cho các doanh nghiệp CNTT
Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT công ty phần mềm Quang Trung:
Riêng TP.HCM đã có khoảng 2.000 doanh nghiệp CNTT. Năm 2011, dù nhiều ngành khác gặp khó khăn, nhưng ngành CNTT vẫn tăng trưởng rất tốt. Trước xu hướng phát triển điện toán đám mây (đang làm thay đổi các phương thức kinh doanh, vận hành của các doanh nghiệp), thì đầu tư trong ngành CNTT là một cơ hội lớn cho các bạn trẻ (dưới 30), khởi nghiệp bằng vốn nhỏ, chủ yếu dựa vào tri thức, trình độ.
Tài sản duy nhất không mất đi là trí tuệ
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, CEO Thái Hà Book:
Tôi luôn tâm niệm có 7T. Đã kinh doanh là phải Thực tế; đã là người thì phải Tử Tế. Còn kinh doanh sách thì cần Tinh tế. Nhưng dù làm gì thì cũng phải có Tâm; phải sống và làm việc bằng cái tâm của mình. Điều tôi muốn gửi đến mọi người đó là: tài sản nào cũng có thể mất đi, nhưng có một tài sản duy nhất trên thế gian này không bao giờ mất, mà cho đi chỉ được thêm, đó là Trí tuệ. Phải cháy hết mình cho chính đam mê của mình. Chia sẻ trí tuệ, bạn chỉ có được chứ không bao giờ mất.
Vàng chỉ có tăng chứ không giảm!
Ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT SJC:
Giá vàng tăng, rớt đều là thủ thuật của nhà đầu tư. "Mua đáy, bán đỉnh" chỉ có nhà đầu tư lớn mới làm được. Không có lực thì chớ đi lướt sóng. Kể cả những nhà đầu tư lớn, có người sau một đêm là phá sản! Lịch sử cho thấy vàng luôn luôn chỉ có tăng chứ không hề giảm. Mua vàng đảm bảo giá trị tài sản là an toàn; nhưng xét dưới góc độ đầu tư thì vàng chỉ là một kênh và nhà đầu tư cần tính toán rất cẩn thận, chuyên nghiệp.
Khi người ta sợ hãi, mình hãy tham lam
Ông David Jensen, chuyên viên tài chính và đầu tư:
Có 3 nguyên tắc cơ bản để kiếm tiền trong thị trường chứng khoán: đừng để mất tiền; giảm chi phí và đầu tư có kế hoạch.
Để không mất tiền, nhớ đầu tư chứ không phải đầu cơ, đừng nhầm lẫn giữa hai từ này. Đầu tư là sắm một tài sản có khả năng sinh lời và có khả năng bảo toàn vốn. Còn triệu chứng của bệnh đầu cơ là dấu hiệu giao dịch thường xuyên, chứ không đi sâu vào giá trị của công ty. Kế hoạch đầu tư: phải có nguyên tắc, cẩn thận, có nghiên cứu, có kế hoạch giữ trong bao lâu, không mua bán theo cảm tính. Tôi tin tưởng, về lâu, dài thị trường chứng khoán sẽ đi lên. Hãy nhớ: "Khi người ta sợ hãi, mình hãy tham lam; khi người ta tham lam, thì mình hãy sợ hãi".
Thị trường chứng khoán không dành cho nhà đầu cơ
Ông Nguyễn Tấn Thắng, Kinh tế trưởng Công ty HSC
: Thị trường chứng khoán hiện nay là dành cho nhà đầu tư chứ không phải đầu cơ. Những đầu tư mang tính dài hạn là quan trọng. Nhà đầu tư đang bị mất lòng tin trầm trọng… Đối với cải cách ngân hàng, quan trọng vẫn là giải quyết "sở hữu chéo".
Vấn đề quan trọng là niềm tin bằng nhiều biện pháp. Cơ hội cho thị trường chứng khoán là giá rẻ "tương đối" . Các cơ hội này sẽ trở thành hiện thực nếu như niềm tin được khôi phục.