Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Giật mình với kết quả làm ăn của các "ông lớn" trong khủng hoảng

Với 90% doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn năm vừa qua, không ngạc nhiên khi thị trường liên tục nhận được những kết quả báo lỗ hoặc sụt giảm doanh thu. Nhưng đáng nói là cả những “ông lớn” cũng không thoát khỏi vòng vây khủng hoảng.

Với tăng trưởng GDP 2011 đạt 5,89%, con số mặc dù không đạt như mong đợi song cũng ở mức tương đối chấp nhận được trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn.

Song không thể phủ nhận, tâm lý bi quan chưa hoàn toàn được hóa giải khi nhà đầu tư liên liếp nhận được những thông tin thua lỗ hoặc kết quả kinh doanh lao dốc trong mùa báo cáo tài chính các doanh nghiệp những ngày gần đây.

"Lưỡi hái" khủng hoảng không chừa quy mô

Trao đổi trong một phiên hội thảo tổ chức hồi cuối năm 2011, dẫn số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư,chỉ trong 9 tháng đầu năm 2011 đã có gần 50.000 doanh nghiệp, chiếm 9% tổng số doanh nghiệp trong nước phải đóng cửa, TS Trần Đình Thiên từng đánh giá "sức khỏe của doanh nghiệp hiện nay đang bị hao hụt nặng".

Tuy nhiên, đáng lưu ý là vị chuyên gia này còn tiết lộ thêm một thông tin không khỏi gây sốc rằng "số doanh nghiệp đóng cửa có thể lên tới 30-35%, tức là gấp 3-4 lần con số công bố".

Trong khi đó, theo thông tin từ Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sĩ Kiêm thì số doanh nghiệp rơi vào tình trạng "rất khó khăn" hiện nay không chỉ ở mức 30% như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) từng công bố, thực tế còn khắc nghiệt hơn rất nhiều với tỉ lệ lên đến 90%. Khó khăn không kể doanh nghiệp lớn hay bé, đặc biệt càng nhỏ lại càng khó khăn hơn.

Cùng nhìn lại bức tranh lợi nhuận gần đây, bắt đầu từ những "đại gia" rất tên tuổi như Hoàng Anh Gia Lai, Hòa Phát...

Kết thúc năm hoạt động 2011, lợi nhuận HAGL giảm mạnh tới gần 90% với mức lãi thu được chỉ đạt 224 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế giảm còn 312 tỷ đồng, chỉ đạt 1/8 của con số đạt được hồi năm 2010 là 2.453 tỷ đồng. Mức sụt giảm chủ yếu xuất phát từ sự đi xuống của lợi nhuận tài chính khi mất tới 84% so năm 2010, còn 338 tỷ đồng.

Hồi tháng 12, tập đoàn của ông "bầu" bóng đá Đoàn Nguyên Đức cũng vừa phải đón nhận một thông tin không mấy tốt lành khi bị Tổ chức đánh giá tín nhiệm Standard & Poor's (S&P) hạ mức tín nhiệm dài hạn từ mức B xuống mức B- và đưa triển vọng tín dụng vào diện tiêu cực.


"Sức khỏe của doanh nghiệp hiện nay đang bị hao hụt nặng" (ảnh minh họa).

Đến lượt Hòa Phát, cả năm 2011 mặc dù hoàn thành vượt kế hoạch doanh thu hơn 335 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ nhưng với mức lãi đạt 1.283,7 tỷ đồng, giảm 7% nên tập đoàn cũng mới chỉ hoàn thành 69% kế hoạch lợi nhuận (1.865 tỷ đồng).

Chưa kể, giai đoạn cuối năm, các ông chủ trên không tránh khỏi đau đầu khi những tin đồn lần lượt xuất hiện trên thị trường như việc HAGL nộp đơn phá sản hay ông Trần Đình Long phải bán máy bay cá nhân do thiếu tiền. Tin đồn chỉ dừng lại là tin đồn khi ông Long mua thêm chiếc máy bay khác đắt tiền hơn, hay "bầu" Đức lên tiếng vụ mua cổ phiếu để tăng sở hữu chứ không phải để cứu giá HAG.

Đó mới chỉ kể đến những tập đoàn tư nhân lớn, còn chưa đề cập đến kết quả kinh doanh của các tập đoàn nhà nước mà bây lâu nay vẫn bị đánh giá là "không hiệu quả" và nằm trong diện trọng tâm để tái cơ cấu toàn bộ từ năm 2012 này.

"Từ năm 1991 đến nay, chưa bao giờ tình hình kinh tế-xã hội lại xấu như bây giờ" (ảnh minh họa).

Ngân hàng "mệt mỏi" vì nợ xấu

Những thông tin gần đây về lãi "khủng" của các ngân hàng lớn cũng như mức chi trả tiền lương cao ngất ngưởng tại các nhà băng không khỏi gây thắc mắc cho nhiều người khi thị trường chung cả năm qua ảm đạm. Bởi, với đặc trưng là tổ chức tài chính trung gian, các ngân hàng không khỏi bị ảnh hưởng vì nợ xấu hay khả năng thanh toán của người đi vay.

Đáp lại mối băn khoăn này, Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ (NHNN) Nguyễn Thị Hồng khi trao đổi với Dân trí đã khẳng định: "Lợi nhuận thực tế của các ngân hàng không thể cao như công bố ban đầu được" do "các TCTD đều phải trích lập quỹ dự phòng rủi ro; lãi công bố chỉ thể hiện ở chênh lệch thu chi chứ chưa hẳn thể hiện hết phần lợi nhuận thu về".

Thống kê được công bố gần đây của bộ phận nghiên cứu tài chính Gafin cho thấy, trích lập dự phòng rủi ro của 8 trong tổng số 9 ngân hàng niêm yết trong năm 2011 là gấp 2 cùng kỳ, lên đến 13.390 tỷ đồng. Riêng Ngân hàng Quân đội chưa công bố báo cáo.

Vietinbank có mức trích lập dự phòng rủi ro lớn nhất với 4.871 tỷ đồng. Tiếp theo là Vietcombank với mức trích lập hơn 3.387 tỷ đồng. Tổng trích lập dự phòng của hai ngân hàng này là 8.258 tỷ đồng, chiếm gần 80% tổng số dự phòng của cả 8 ngân hàng.

Cùng với đó, thống kê cũng chỉ ra, tới 7/8 ngân hàng đều có tỷ lệ nợ xấu tăng trong năm vừa rồi. Habubank có tỷ lệ nợ xấu cao nhất trong 8 ngân hàng với 4,7%, trong khi cùng kỳ là 2,4%. Đây cũng là ngân hàng đầu tiên báo lỗ hơn 40 tỷ đồng trong quý IV.Một ngân hàng chưa niêm yết cũng báo lỗ trong quý III là ABBank lỗ 18 tỷ đồng.

Theo một báo cáo hoạt động ngân hàng trên địa bàn năm 2011 của NHNN chi nhánh TPHCM thì "tỷ lệ TCTD kinh doanh kém hiệu quả (lãi ít hoặc lỗ), nợ xấu phát sinh cao, chủ yếu là các TCTD có cho vay bất động sản, với các dự án lớn và mang tính chất đầu cơ".

Cụ thể, kết thúc năm 2010, có tổ chức tín dụng dư nợ bất động sản chiếm tới 70% tổng dư nợ. Cơ quan này kết luận: Những khó khăn hiện nay đã và đang phản ánh rõ hệ quả của việc tăng trưởng tín dụng nóng. Tăng trưởng tín dụng, nhất là vào lĩnh vực bất động sản, và việc bắt buộc phải hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh đề ra, đã tiềm ẩn và phát sinh những vấn đề liên quan.

Như vậy, nhìn toàn cảnh thị trường năm vừa qua, đúng như cách nói của chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh: "Từ năm 1991 đến nay, chưa bao giờ tình hình kinh tế-xã hội lại xấu như bây giờ".

"Phép màu", bên cạnh việc chờ đợi kinh tế toàn cầu phục hồi trở lại, có lẽ năm nay phải chờ đến "bàn tay hữu hình" của Nhà nước giải cứu được hệ thống doanh nghiệp cũng như bất động sản và ngân hàng bước ra khỏi vòng xoáy mâu thuẫn giữa những mục tiêu có vẻ khó cân bằng là kiềm lạm phát và giữ tăng trưởng.

(Theo Dân trí)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • GS.TSKH Nguyễn Mại: 25 năm thu hút FDI, thành công và vấp váp
  • Chủ tịch SJC: Giá vàng sẽ tăng lên 2.000 – 2.100 USD/ounce trong năm 2012
  • TS Lê Hồng Giang: Dòng vốn chảy vào vượt nhiều lần giá trị 500 tấn vàng
  • Thắt chặt tiền tệ quá mức là bóp nghẹt nền kinh tế?
  • Mảng sáng, tối của thị trường trái phiếu
  • Đầu tư nước ngoài: Trước viễn cảnh cạnh tranh với Myanmar
  • Chính sách tiền tệ 2012: Thách thức lớn nhất
  • Giá vàng năm 2012 sẽ có kỷ lục mới?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!