Ngành điện của Việt Nam vẫn đang thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh: Lê Toàn. |
Một cuộc hội thảo quốc tế về quy hoạch và chiến lược phát triển năng lượng Việt Nam diễn ra tại Hà Nội tuần trước đã đưa ra nhiều kiến nghị về việc phát triển nguồn điện đến năm 2025, trong đó nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của các nhà đầu tư nước ngoài. Song, thực tế đầu tư vào ngành điện trong những năm qua cho thấy còn nhiều vấn đề cần giải quyết.
Những áp lực từ thị trường, nhà đầu tư
Đích đến cuối cùng của việc cơ cấu lại thị trường điện Việt Nam là có được thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Thị trường này, theo quy hoạch, sẽ có sau năm 2022, khi mà thị trường phát điện cạnh tranh và thị trường bán buôn điện cạnh tranh đã hình thành và phát triển ổn định.
Nhưng ngược lại, chỉ khi nào có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh thật sự thì việc đầu tư vào thị trường phát điện cạnh tranh và thị trường bán buôn cạnh tranh mới ít rủi ro. Hay nói khác đi, chỉ khi các nhà đầu tư nhìn thấy lợi nhuận thật sự ở đầu ra của dự án, ở khâu cạnh tranh cuối cùng trong chu trình phát điện, họ mới quyết định đầu tư mạnh vào ngành năng lượng - lĩnh vực đòi hỏi nguồn vốn rất lớn.
Trong văn bản của Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) gửi tới hội thảo nói trên thì Việt Nam đang đương đầu với những thách thức to lớn trong việc đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng. Văn bản này cũng đề cập đến Quyết định 21/2009 của Chính phủ về kế hoạch tăng giá bán lẻ điện bình quân trong ba năm (2009-2012) cho tới khi giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường vào năm 2012.
“Mặc dù các kiến nghị về chính sách được nêu trong Quyết định 21 về cơ bản là đáng hoan nghênh, nhưng chưa giải quyết được vấn đề thiếu minh bạch cũng như các lợi ích ảnh hưởng đến chính sách giá điện trong thời gian tới”, theo quan điểm của AmCham.
AmCham còn phân tích rằng, quyết định này chỉ đề xuất cơ chế thị trường giai đoạn 2012-2022, còn từ nay tới đó, theo quy hoạch tổng thể của Chính phủ, dường như không thể có một “thị trường điện cạnh tranh”.
Ở một góc độ khác, họ cũng nhìn nhận rằng giá điện hiện tại không tương xứng để bù đắp các chi phí sản xuất và phân phối điện của EVN. AmCham phân tích: “Sự không tương xứng này được thể hiện rõ trong việc tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) gần đây đã trả lại hoặc trì hoãn các dự án phát điện và không ký kết các hợp đồng mua bán điện với mức giá cao hơn giá bán điện hiện hành”. Hay cũng theo Amcham, do không có nhiều nguồn cung, EVN buộc phải đầu tư quá nhiều vào thủy điện nên luôn có nguy cơ dẫn đến việc cắt điện tạm thời, thiếu điện mùa khô.
Tóm lại, theo AmCham, chính sách giá điện của Việt Nam về bản chất và thủ tục không nhằm thu hút đầu tư. Nhận xét này được chứng minh bởi thực tế là tính đến thời điểm hiện tại, các dự án BOT ngành điện chỉ có số vốn đăng ký là 1,1 tỉ đô la trong tổng số 6,2 tỉ đô la vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam. Hai dự án BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) được biết đến nhiều nhất là Phú Mỹ 2.2 và Phú Mỹ 3. “Đây là một tỷ lệ thấp”, ông Nguyễn Xuân Trung, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đánh giá.
Trong khi đó, tổng số vốn đầu tư vào ngành điện giai đoạn 2006-2025, theo quy hoạch tổng sơ đồ VI là 80 tỉ đô la Mỹ, tức là mỗi năm Việt Nam cần 4 tỉ đô la, theo công bố của ông Tạ Văn Hường, Vụ trưởng Vụ Năng lượng (Bộ Công Thương). Áp lực này khiến nhiều cơ quan quản lý, Hiệp hội Năng lượng mong muốn sự góp mặt đông hơn của các nhà đầu tư nước ngoài nhằm san sẻ bớt gánh nặng cho EVN. Nhưng những phân tích ở trên cho thấy không dễ để các nhà đầu tư nước ngoài thâm nhập mạnh mẽ vào thị trường này.
Còn những lối đi khác
Làm thế nào để giải quyết mâu thuẫn giữa một bên là thị trường tiêu thụ điện chưa thể chịu nổi một tiến trình tăng giá quá nhanh, một thị trường điện lực cạnh tranh chưa đầy đủ và bên kia là các nhà đầu tư đang đòi hỏi một tỷ lệ lợi nhuận hợp lý và những hợp đồng bán điện với mức giá đảm bảo kéo dài cả đời dự án, chừng 20 năm, như trường hợp ở Phú Mỹ 2.2 và Phú Mỹ 3?“
Cho phép các nhà đầu tư trong nước tiến hành đàm phán hợp đồng mua bán điện trước khi thực hiện đầu tư”, ông Vũ Tuấn Hùng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Sông Đà, chủ đầu tư của 36 dự án thủy điện (tổng công suất là 2.040 MW) kiến nghị. Hiện nay, trong khi các nhà đầu tư BOT nước ngoài được phép thực hiện cơ chế nói trên, thì các nhà đầu tư độc lập (IPP) lớn trong nước như Tổng công ty Sông Đà hay tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) lại phải trông chờ vào việc đàm phán các hợp đồng giá điện từng năm một còn các dự án lại được ấn định thời gian vận hành. Đây cũng là một trong số những nguyên nhân khiến nhiều dự án điện của tổng sơ đồ VI bị chậm tiến độ.
Cũng theo ông Hùng, một trong những giải pháp cho việc tìm kiếm chủ đầu tư cho các dự án điện còn lại trong tổng sơ đồ VI là các nhà đầu tư trong nước (nếu tiềm lực hạn chế) sẽ liên doanh với nước ngoài, tận dụng lợi thế của mỗi bên, tránh tình trạng cùng cạnh tranh một dự án hoặc cùng rời bỏ thị trường.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thanh Hương, Phó ban điện của PVN, việc hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài, trong điều kiện hiện nay cũng rất cần phải tính toán thật kỹ. Kinh nghiệm của PVN là tự tìm kiếm tư vấn công nghệ và đặt hàng, sản xuất các thiết bị cho dự án tương tự các thiết bị nhập ngoại từ nguồn sản xuất trong nước hoặc các quốc gia có giá thấp hơn để giảm bớt suất đầu tư cho dự án.
Ở một góc nhìn khác, có thể nói hiện nay đang là thời điểm hợp lý để các nhà đầu tư trong nước tận dụng cơ hội và khoảng trống thị trường điện để tăng cường năng lực cạnh tranh, sẵn sàng bước ra thị trường điện cạnh tranh đầy đủ trong những năm tới.
Về phía nhà nước, Chính phủ cũng muốn các nhà đầu tư IPP lớn như EVN, PVN, TKV tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn, chi phối tổng công suất nguồn điện (theo văn bản 232 hồi đầu tháng 8 của Văn phòng Chính phủ về việc tái cơ cấu ngành điện).
Hiện nay, dù có khó khăn trong việc đàm phán giá bán điện, nhưng các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến lĩnh vực này vẫn chưa từ bỏ ý định đầu tư. Họ đã và đang có những bước chuẩn bị cho tương lai. Các cuộc gặp của rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài với Vụ Năng lượng Việt Nam vẫn nối dài trong lịch làm việc hàng tuần của cơ quan này.
Trước mắt, Chính phủ cũng đã chấp thuận về mặt nguyên tắc cho các nhà đầu tư như Jaks Resouces Bhd (Malaysia) vào dự án Nhiệt điện Hải Dương I, Janakusa (Malaysia) vào dự án Duyên Hải 2 tại Trà Vinh hay các nhà đầu tư Hồng Kông, Trung Quốc khác đang nhắm đến các dự án ở Vĩnh Tân, Bình Thuận.
(Theo Ngọc Lan // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com