Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Điểm nóng môi trường đầu tư

Theo Diễn đàn kinh tế thế giới, chi phí vận chuyển, hậu cần liên quan đến sử dụng cơ sở hạ tầng ở Việt Nam hiện chiếm tới 25% GDP

Những bất cập về cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực, thủ tục hành chính lại một lần nữa được các nhà đầu tư nước ngoài đề cập tới tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2010 vừa được tổ chức tại Hà Nội tuần qua.

Nhận định 2010 là một năm đầy hứa hẹn với nền kinh tế Việt Nam với việc chỉ số tăng trưởng kinh tế đạt 5,8% trong Quý 1 và dự báo sẽ vượt trên 6,5% khi kết thúc năm, ông Alain Cany, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu (Eurocham) không quên nhấn mạnh rằng, thách thức lớn nhất đối với Việt Nam trong khoảng thời gian còn lại của năm là cân bằng tốc độ tăng trưởng mà không làm lạm phát gia tăng, đồng thời tạo ra được các giải pháp phát triển bền vững cho quốc gia. Nhân tố chính để phát triển kinh tế bền vững, theo ông Alain Cany, là chuyển đổi từ xuất khẩu các hàng hóa có giá trị gia tăng thấp sang hàng hóa có giá trị gia tăng cao và tinh vi hơn, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao. Và để làm được điều đó cũng như giữ chân các nhà đầu tư, Việt Nam có ba vấn đề chính cần quan tâm, đó là: cơ sở hạ tầng và năng lượng; nguồn nhân lực; và cải cách pháp lý và thủ tục hành chính. Đây cũng chính là những điểm đã được các nhà đầu tư đề cập đến lâu nay tại những diễn đàn kiểu này.

Phát triển nhân lực: cần sự tham gia của tư nhân

Việt Nam cần cải thiện và nâng cao hơn nữa kỹ năng của lực lượng lao động. Đó là nhận xét của đại diện các nhà đầu tư nước ngoài có mặt tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2010. Khoảng 65% lực lượng lao động của Việt Nam không có kỹ năng nghề nghiệp, khoảng 78% dân số trong độ tuổi từ 20 đến 24 không được đào tạo hoặc không có những kỹ năng họ cần. Để lý giải cho tình trạng này, bà Jocelyn Tran, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham Việt Nam) dẫn lời của Chủ nhiệm Ủy Ban Kinh tế Quốc hội Việt Nam: “Các trường đại học, trung cấp, trường dạy nghề chỉ dạy những gì họ có sẵn chứ không dạy những gì mà doanh nghiệp và xã hội cần. Nhiều môn học không thực tế và không được áp dụng”.

Hầu hết đại diện các doanh nghiệp nước ngoài có mặt tại Diễn đàn đều cho rằng, họ đã phải tốn một khoản tiền rất lớn hàng năm để gửi nhân viên Việt Nam đến trụ sở ở nước ngoài của mình để đào tạo và huấn luyện lại. “Sự hợp tác với khu vực tư nhân là vấn đề then chốt, đặc biệt là đối với việc xây dựng kế hoạch đào tạo, giáo trình, cung cấp thực tập và giúp đỡ cung cấp trang thiết bị hiện đại và giảng viên từ các công ty nước ngoài”, ông Alain Cany đưa ra giải pháp. Các nhà tài trợ nước ngoài cũng cam kết sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, đồng thời kêu gọi Chính phủ Việt Nam có sự cam kết chặt chẽ hơn với cộng đồng doanh nghiệp để đảm bảo rằng dịch vụ giáo dục và đào tạo đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế.

Triệt để cải cách thủ tục hành chính

Cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài đều thống nhất rằng, quy trình phê duyệt dự án đầu tư và thành lập doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn còn khó khăn và tốn nhiều thời gian. Đối với nhiều doanh nghiệp nước ngoài, thủ tục hành chính phức tạp và đôi khi việc triển khai luật và quy định không có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan khác nhau có thể gây ra những rào cản lớn trong việc điều hành hoạt động kinh doanh thành công ở Việt Nam.

65% lực lượng lao động của Việt Nam không có kỹ năng nghề nghiệp.

Để minh chứng cho vấn đề này, đại diện Euro Cham đưa ra ví dụ: Quyết định số 10 ngày 1/1/2009 đã mở ra đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực phân phối, nhưng việc thành lập các doanh nghiệp 100%vốn nước ngoài trong lĩnh vực này vẫn còn gặp những trở ngại đáng kể về thủ tục hành chính ở cấp địa phương và trung ương. Để giải quyết điểm này, ông Alain Cany khuyến nghị, quá trình cấp phép cho các đại lý bán lẻ cần phải minh bạch và chỉ nên hướng dẫn theo các tiêu chí khách quan. Việc cấp phép thành lập các đại lý bán lẻ nên dựa trên cơ sở “thẩm định nhu cầu kinh tế” minh bạch, sử dụng các thông số mang tính khách quan và hạn chế khả năng đưa ra quyết định tùy tiện. Một ví dụ nữa trong lĩnh vực mua bán và sáp nhập (M&A) cũng được đại diện các doanh nghiệp nước ngoài đưa ra. Theo đó, pháp luật Việt Nam cho phép các nhà đầu tư mua lại cổ phần tại các doanh nghiệp Việt Nam với mức không hạn chế, trừ khi có quy định giới hạn của WTO và các luật khác. Tuy nhiên, theo Eurocham, một số sở kế hoạch và đầu tư địa phương không tuân thủ các nguyên tắc cơ bản này và trong một số trường hợp đã cố tình ngăn cản việc mua bán, hoặc gây trì hoãn cho việc mua bán. Điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam. Ngoài ra, vấn đề ưu đãi đầu tư, đặc biệt là ưu đãi thuế, cũng được các nhà đầu tư cho rằng cần phải rõ ràng và được áp dụng thống nhất từ cấp trung ương đến cấp địa phương.

Đẩy mạnh hợp tác công tư trong xây dựng

Theo Diễn đàn kinh tế thế giới, Việt Nam hiện đang xếp cuối cùng về chỉ số năng lực cạnh tranh trong chất lượng cơ sở hạ tầng so với các nước lân cận. Chi phí vận chuyển, hậu cần liên quan đến sử dụng cơ sở hạ tầng ở Việt Nam chiếm tới 25% GDP, trong khi chỉ số này của Trung Quốc là 21%, Nhật là 11%. Đồng thời do thiếu cơ sở hạ tầng bến cảng mà mỗi năm Việt Nam còn phải tiêu tốn thêm khoảng 1,7 tỉ đô la Mỹ chi phí hậu cần do các công ty trong nước phải trung chuyển hàng hóa qua Hồng Kông và Singapore.“Hạn chế về cơ sở hạ tầng tại Việt Nam sẽ đe dọa các dự án FDI hiện nay và trong tương lai về mặt sản xuất và xuất khẩu. Nhiều nhà đầu tư Hoa Kỳ tiềm năng coi việc thiếu cơ sở hạ tầng là một nhân tố cản trở lớn” - ông Alan Cany nhấn mạnh. Để giải quyết tình trạng này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự tính sẽ cần khoảng 139 tỷ đô la Mỹ trong vòng 5 năm tới để đầu tư viễn thông, bến cảng, sân bay, đường bộ, đường sắt và vận tải đường không… Bộ này khẳng định sẽ tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp tư nhân có điều kiện tham gia vào lĩnh vực này. Đây cũng là điều mà các doanh nghiệp nước ngoài đặc biệt chú trọng và khuyến khích.

Việt Nam hiện đang xếp cuối cùng về chỉ số năng lực cạnh tranh trong chất lượng cơ sở hạ tầng.

Tuy nhiên, theo Eurocham, Việt Nam cần thận trọng trong việc quyết định các địa điểm đầu tư để phân bổ nguồn lực khan hiếm của mình. Cơ sở hạ tầng biển là một ví dụ điển hình. Ông Alain Cany cho rằng, Việt Nam sẽ chỉ cần khoảng 11 -12 cảng biển tốt thay vì có 50 - 60 cảng biển nhỏ nằm rải rác ở các địa phương. Cụ thể nên có 4 - 5 cảng biển tốt ở phía Nam, 2 - 3 cảng biển lớn phía Bắc, và có thể là 1 - 2 cảng biển ở khu vực miền Trung.

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Thứ trưởng Đặng Huy Đông, cho biết, mới đây một số dự thảo quy chế về thí điểm hợp tác nhà nước - tư nhân đã được xây dựng, gửi đi và lấy ý kiến. Các quy định này sẽ sớm được ban hành trong thời gian tới. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để Việt Nam tiếp tục thu hút các nhà đầu tư ngoại quốc.

(Theo An Khanh // Báo Doanh nhân)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Trung Quốc hụt hơi trong chiến dịch “lấy lòng” Đông Nam Á
  • Ngân hàng ngoại “ngại” lộ trình tăng vốn
  • Sức ép lãi suất…
  • Dòng vốn đang đổ xô vào bất động sản?
  • Hy Lạp “chỉ là phần nổi của tảng băng chìm”
  • Thời gian khó của kinh doanh vàng
  • IMF: Dự trự ngoại tệ Việt nam giảm tương đương lượng nhập khẩu bảy tuần
  • 4 kịch bản cho số phận của đồng Euro (kỳ 1)
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!